Aa

Thị trường chứng khoán bị bán tháo, VN-Index giảm gần 33 điểm

Thứ Sáu, 12/06/2020 - 06:00

VN-Index có phiên giảm mạnh nhất kể từ thời điểm lập đáy vào 30/3 (-4,86%).

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động phiên giao dịch ngày 11/6 với diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn và các chỉ số biến động với biên độ hẹp. Diễn biến này được duy trì trong suốt phiên sáng. Tưởng chừng như thị trường sẽ kết thúc phiên giao dịch cũng với trạng thái giằng co nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Lực bán tháo bắt đầu xuất hiện và tăng dần vào cuối phiên đã khiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc.

Các cổ phiếu như MSN, MWG, PLX, BID, PNJ, GAS, CTG, POW… đều được kéo xuống mức giá sàn và tạo áp lực vô cùng lớn lên các chỉ số chính. Trong đó, BID lấy đi của VN-Index nhiều nhất với 3,47 điểm (tương đương 0,39%). Tiếp theo, GAS lấy đi của chỉ số này 2,97 điểm (0,33%)…

Trong nhóm VN-30 không có bất kỳ cổ phiếu nào tăng giá, trong khi chỉ có duy nhất SBT đứng giá tham chiếu.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 11/6. Nguồn: Fialda.

Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng rất nhiều từ việc thị trường bùng nổ thời gian qua là chứng khoán lại lao dốc theo đà bán tháo của thị trường chung, trong đó, SSI, HCM, TVB, VCI hay AGR đều bị kéo xuống mức giá sàn. FTS giảm 6,1%, VND giảm 5,5%...

Đà bán tháo diễn ra trên diện rộng và ở đa phần các nhóm ngành. Với việc có yếu tố thị trường cao và nhạy cảm với diễn biến chung nền rất nhiều cổ phiếu bất động sản đã lao dốc. Các mã như DRH, SJS, VPH, VRC, FDC, HDG, LDG, AMD hay SZC đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, DIG cũng giảm đến 6,4%, CRE giảm 6,2%, DXG giảm 5,3%, HDC giảm 5%.

Còn đối với 4 “ông lớn” trong ngành này là VIC, VHM, VRE và NVL thì chỉ có duy nhất NVL đứng giá tham chiếu, trong khi đó, VRE giảm đến 4,3% xuống 23.100 đồng/cp, VIC giảm 2,7% xuống 93.000 đồng/cp còn VHM giảm 1,3% xuống 76.500 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 32,63 điểm (-3,63%) xuống còn 867,37 điểm, đây cũng phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ thời điểm lập đáy vào 30/3 (-4,86%). Toàn sàn có 82 mã tăng, 312 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,62 điểm (-3,83%) xuống 116,06 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 104 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,36 điểm (-2,37%) xuống 55,94 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn tăng mạnh so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 11.214 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 831 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.185 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn góp mặt đến 4 mã trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường gồm ITA, HQC, DLG và FLC, trong đó, ITA khớp lệnh được đến 39,7 triệu cổ phiếu và chỉ đứng sau ROS với 43 triệu cổ phiếu.

Điểm tích cực duy nhất trong phiên ngày 11/6 là việc khối ngoại mua ròng gần 250 tỷ đồng trên hai sàn, trong đó có hơn 115 tỷ đồng mua ròng chứng chỉ quỹ FUESSVFL. Hai mã đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE đều thuộc về nhóm bất động sản là KBC và VRE, trong đó, KBC bị bán ròng 54 tỷ đồng còn VRE là 32 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM vẫn được khối ngoại mua ròng mạnh với 196 tỷ đồng. TDH cũng là mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với gần 9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HoSE lớn nhất phiên 11/6. Nguồn: Fialda.

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển basis dương sang basis âm 11,87 điểm cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh đang tiêu cực hơn về xu hướng thị trường. Áp lực điều chỉnh có thể vẫn còn trong phiên tới. 

Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 12/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 870-880 điểm (MA20, fibonacci retracement 61,8%). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán ra khi VN-Index hồi phục về vùng kháng cự 870-880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Tại thị trường chứng khoán châu Á, MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 1,7%. Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,82%, Topix giảm 2,2%, Straits Times của Singapore giảm 3,56% và ASX 200 của Australia giảm 3,05%. Tại Trung Quốc, cổ phiếu diễn biến trái chiều, với Shanghai Composite giảm 0,78% trong khi Shenzhen Composite giảm 0,81%. Hang Seng của Hong Kong giảm 2,27%. Kospi của Hàn Quốc giảm 0,86%, NZX 50 của New Zealand giảm 0,94% và Jakarta Composite của Indonesia giảm 1,34%. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top