Aa

Thị trường chứng khoán chưa thấy “sóng lớn” trong quý II

Thứ Sáu, 03/05/2019 - 06:00

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong quý II/2019, chưa thấy dấu hiệu xuất hiện một cú sốc lớn với thị trường thế giới hay thị trường trong nước.

Thị trường chưng khoán tháng trước gần như không có sóng lớn. Kết thúc tháng 4, VN-Index đứng ở mức 979,64 điểm, giảm 0,1% so với tháng 3. HNX-Index tăng 0,02% lên 107,46 điểm. UPCoM-Index giảm 2,2% và đạt 56,23 điểm.

Điểm nhấn của thị trường trong tháng 4 tập trung vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Cổ phiếu của Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD), Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đồng loạt tăng giá mạnh đã góp phần nâng đỡ thị trường. 

Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá và thanh khoản thấp nhưng lại có mức tăng giá rất mạnh nhờ kết quả kinh doanh đột biến và trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao. Chẳng hạn, cổ phiếu của Công ty Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (UPCoM: VNX) tăng từ 1.879 đồng/cp lên 20.800 đồng/cp tương ứng mức tăng giá là 1.007%; cổ phiếu của Công ty Khoáng sản Viglacera (UPCoM: VIM)  tăng 303% sau 1 tháng sau giao dịch, từ 5.988 đồng/cp đã leo lên 24.130 đồng/cp. 

Theo báo cáo gần nhất của tổ chức xếp hạng và xây dựng chỉ số MSCI, trong tháng 5/2019, nhiều khả năng Argentina sẽ chuyển từ thị trường cận biên (Frontier Markets) chuyển sang thị trường mới nổi (Emerging Markets). Thêm vào đó, có nhiều khả năng Kuwait rời MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Emerging Markets Index vào tháng 5/2020.

Như vậy, tỷ trọng của cổ phiếu của các công ty của Việt Nam trong danh mục của 2 chỉ số trên sẽ tăng lên. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng lớn thứ 3 trong danh mục của chỉ số MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Frontier Markets.

Cũng theo tính toán của MSCI, trong trường hợp 2 quốc gia này rời khỏi danh sách thị trường cận biên và thị trường mới nổi, thì tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets100 sẽ tăng từ 17% lên 30% và sẽ có thêm 7 cổ phiếu mới của Việt Nam được đưa vào.

Còn đối với chỉ số MSCI Frontier Markets Index, tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của chỉ số này chỉ tăng từ 17,59% lên 25,80%. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể sẽ thu hút thêm khoảng từ 200 đến 234 triệu USD từ các quỹ ETFs và các quỹ đầu tư chủ động sử dụng MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Frontier Markets làm benchmarks và đang đầu tư vào Việt Nam. Các mã có thể sẽ được nhận được sự quan tâm từ các quỹ này bao gồm VNM, HPG và DHG...

Theo  CTCK Bảo Việt (BVSC), cần chú ý 234 triệu USD này không phải sẽ giải ngân cùng một lúc vào tháng 5 năm 2019 do 2 lý do sau. Thứ nhất, thời điểm Argentina và Kuwait rời khỏi danh sách thị trường cận biên khác nhau, tháng 5/2019 và tháng 5/2020. Thứ 2, trong số các quỹ lớn đang track theo hoặc sử dụng MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Frontier Markets làm benchmarks thì chỉ có duy nhất iShare là quỹ ETF còn lại đa số là các quỹ đầu tư chủ động. Do đó, thời gian giải ngân và tỷ trọng phân phối vốn vào thị trường Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào điều lệ của từng quỹ và ý chí chủ quan của người quản lý và điều hành quỹ.

Từ đó, BVSC cho rằng bối cảnh trong quý II chưa cho thấy khả năng xuất hiện một cú sốc lớn với thị trường thế giới hay thị trường trong nước, rủi ro lớn nhất có thể đến từ khả năng các thị trường chứng khoán thế giới bước vào một nhịp điều chỉnh giảm sau khi tăng nóng kể từ đầu năm.

Với động thái FED kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất, môi trường lãi suất thấp ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được duy trì, khả năng được gia tăng tỷ trọng trong bộ chỉ số MSCI Frontier là cơ sở để kỳ vọng dòng tiền ngoại thụ động qua các quỹ ETF tiếp tục được rót ròng vào thị trường Việt Nam.

Thị trường chứng khoán trong nước nếu có biến động cũng chỉ là ảnh hưởng khi thị trường thế giới điều chỉnh theo chu kỳ

Thị trường chứng khoán trong nước nếu có biến động lớn cũng chỉ là ảnh hưởng khi thị trường thế giới điều chỉnh theo chu kỳ

Tuy nhiên, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước hiện không dồi dào để hỗ trợ xu hướng tăng của TTCK. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thận trọng, dòng tiền vào thị trường cổ phiếu còn bị cạnh tranh bởi sức hút từ kênh trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh hay các đợt thoái vốn khiến thanh khoản trên thị trường chứng khoán sẽ khó có sự đột phá trong quý II. Về chỉ số, VN-Index đang nằm trong xu hướng chính là đi ngang trong biên độ từ 870 - 1025 của năm 2019, và dự báo trong quý II biên độ dao động sẽ nằm trong khoảng từ 950 - 1010.

Do thanh khoản thấp, nên diễn biến tăng điểm của các nhóm cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền ETF, và tập trung ở một số cổ phiếu có câu chuyện riêng về thoái vốn - những câu chuyện đã mang lại thành công cho nhà đầu tư trong thời gian gần đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top