Aa

Thị trường tăng điểm nhẹ sau phiên HoSE lỗi giao dịch, nhóm ngân hàng là tâm điểm

Thứ Năm, 11/06/2020 - 06:00

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như KBC, TDH, OGC, ITA, DRH, CEO…đều được kéo lên mức giá trần.

Phiên giao dịch ngày 9/6, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gặp sự cố hệ thống giao dịch trong đợt khớp lệnh định kỳ giá đóng cửa (ATC). Đây là sự cố hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa và xảy ra với toàn bộ các mã chứng khoán niêm yết trên HoSE. Sở đã có quyết định thực hiện tạm ngừng giao dịch và hủy đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 9/6. Trong khi đó, giá đóng cửa của chứng khoán sẽ là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày.

Rạng sáng ngày 10/6, HoSE đã khắc phục xong sự cố và cho biết giao dịch trở lại ngay phiên hôm sau.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/6, áp lực bán đã xảy ra, dường như việc HoSE gặp lỗi giao dịch khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Các chỉ số đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu với sắc đỏ áp đảo ở nhóm cổ phiếu lớn.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại và giúp lực cầu ở một số mã trụ cột dâng cao, chính điều này đã đẩy các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Dù vậy, các chỉ số không bứt phá được mà chỉ giằng co quanh mốc tham chiếu do sự phân hóa diễn ra rất mạnh.

Tâm điểm của thị trường phiên 10/6 là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhiều mã bứt phá mạnh. Trong đó, STB tăng trần lên 11.500 đồng/cp và khớp lệnh đột biến 30,7 triệu cổ phiếu. MBB tăng 2,8% lên 18.600 đồng/cp, CTG tăng 1,9% lên 24.650 đồng/cp, TPB tăng 1,6% lên 22.000 đồng/cp…

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 10/6. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu lớn giảm giá như ACV, VNM, HVN, PNJ… và gây áp lực lên thị trường chung. Tuy nhiên, đa phần các mã này đều giảm không quá mạnh. Gây áp lực lớn có VNM giảm 1,6%, HVN, ACV giảm 1,9%...

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã lớn gồm VIC, VHM, VRE và NVL đều biến động nhẹ, trong đó, VIC và VHM giảm lần lượt 0,1% và 0,6%, trong khi NVL đứng giá tham chiếu còn VRE tăng 0,2%.

Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ vẫn gây ấn tượng mạnh khi đua nhau tăng trần gồm KBC, TDH, OGC, ITA, DRH, CEO… Bên cạnh đó, OCH cũng ăng đến 5,8%, TIG tăng 5,8%, NLG tăng 5,3%, DTA tăng 4,1%, LDG tăng 3,1%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,57 điểm (0,06%) lên 900 điểm. Toàn sàn có 220 mã tăng, 164 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,55 điểm (0,46%) lên 120,68 điểm. Toàn sàn có 113 mã tăng, 64 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (0,02%) lên 57,3 điểm.

10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 10/6. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức rất cao, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE, HNX và UPCoM, đạt 663 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 8.500 tỷ đồng. Nhóm bất động sản vẫn đóng góp 4 mã trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường gồm ITA, FLC, DLG và SCR. Trong đó, ITA khớp lệnh đến hơn 52,6 triệu cổ phiếu.

Giao dịch khối ngoại diễn ra tương đối tích cực khi mua ròng gần 185 tỷ đồng. Trên HoSE, khối ngoại đã trở lại mua ròng 7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 190,37 tỷ đồng. TDH, CII và KBC là 3 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại sàn HoSE, trong đó, TDH bị bán ròng gần 20 tỷ đồng, CII và KBC bị bán ròng lần lượt 12 tỷ đồng và 9,2 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được khối ngoại mua ròng mạnh với 41 tỷ đồng, NLG cũng được mua ròng 38 tỷ đồng.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HoSE lớn nhất phiên 10/6. Nguồn: Fialda.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,3%. Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,1% và 0,3%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 0,4% trong khi Shenzhen Composite ghi nhận mức tăng tương tự. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,03%. ASX 200 của Australia tăng 0,06% trong NZX 50 của New Zealand giảm 0,3%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,2%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,5%, KLCI của Malaysia tăng 0,01% nhưng Jakarta Composite của Indonesia giảm 2,3%.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản được duy trì ở mức tốt cho thấy dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường để nâng đỡ chỉ số mỗi khi nhịp điều chỉnh xuất hiện. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển basis âm sang basis dương nhẹ 0,19 điểm cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh đang tích cực hơn về xu hướng thị trường. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, chúng tôi cho rằng dư địa tăng của thị trường hiện tại không còn nhiều.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 11/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt quanh 910 điểm (MA200) và 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục canh bán ra khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 880 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top