Aa

Thơ tình trên mạng giữa dịch Corona

Thứ Hai, 10/02/2020 - 10:54

Tôi cho rằng, việc tiếp nhận thơ rất có liên hệ với tâm trạng xã hội. Đang trong lúc dân tình lòng dạ như “nước sôi lửa bỏng”, chắc chẳng ai có tâm thế đọc thơ tình.

Có bao giờ bạn đã gặp cảnh tượng này không: Trong đám hiếu của ai đó bỗng vang lên một hồi chuông điện thoại bằng một bài hát với tiết tấu vui tươi nào đó (thí dụ giai điệu của ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” chẳng hạn, hoặc âm thanh của một tiếng chim ca hát líu lo, của một chặp tiếng gà gáy sáng?...). Quả là có một sự “vô ý” rất đáng chê trách và bất nhã.

Nhìn vào những gì được các facebooker “xuất bản” trên các trang mạng xã hội hiện nay, lắm khi dở mếu dở cười. Chỉ xét riêng việc treo thơ tình la liệt trên các trang mạng xã hội trong những ngày này, các bạn thấy sao?

Trong khi đó, bệnh dịch chủng virus Corona (nCov) đang hoàn hành trên khắp đất nước Trung Quốc, sự lây nhiễm và đau khổ đang lan ra ở nhiều nước trên thế giới. Trang thông tin điện tử của Bộ Công thương cho biết: “Đến sáng 9/2/2020, tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu là 37.553, trong đó 813 ca tử vong. Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh xác nhận một công dân Mỹ (60 tuổi) nhiễm virus corona đã tử vong hôm 6/2 tại Vũ Hán. Bên cạnh đó, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, một người đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 60 nhiễm nCoV cũng đã qua đời tại bệnh viện ở Vũ Hán. Hai trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới bên ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Trung Quốc ở Philippines và một người đàn ông 39 tuổi ở Hongkong” (Xem thông tin chi tiết tại đây). Các con số nhiễm bệnh và chết chóc đang tăng lên từng ngày, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhìn vào trong nước, do hệ lụy của dịch bệnh Corona, hàng triệu trẻ em đang độ tuổi đến trường buộc phải ở nhà tránh dịch. Hàng chục nghìn sinh viên các trường đạị học, cao đẳng, dạy nghề cũng buộc tạm thời nghỉ học, chưa rõ khi nào mới trở lại trường. Rồi cả nước phải đối mặt cùng lúc việc phòng chống dịch với những khẩu trang, xà phòng, nước diệt khuẩn; theo đó là nạn đầu cơ trục lợi của một số dân buôn dược phẩm tranh thủ "đục nước béo cò"… 

Nếu kể ra nữa, thì vụ thu hoạch trái cây chính vụ như dưa hấu, thanh long, nhãn của bà con miền Trung, miền Nam đang có nguy cơ đổ xuống sông xuống bể do khó khăn trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc qua đường biên giới. Chưa hết, miền Tây Nam bộ đang đối mặt với tình hình ngập mặn, lúa chết, mất mùa, thiếu nước sinh hoạt… Ấy là chưa kể tới dư âm của vụ việc buồn bã, dư âm của sự kiện thời tiết dị thường vào đêm 30 và sáng mùng Một tết Canh Tý xảy ra như vừa mới hôm qua.

Ảnh minh họa.

Rất nhiều những chuyện hoặc buồn rầu, hoặc đáng lo đang tạo nên một tâm trạng âu lo trong dân chúng.

Ấy thế mà trên mạng xã hội vẫn cứ vô tư “xuất bản” hàng loạt những bài thơ tình véo von, cũ kỹ, nhàm chán.

Thơ tình vốn chẳng có tội gì. Thơ tình là một vẻ đẹp văn chương, văn hóa của toàn nhân loại, nhưng phải là thơ tình hay, có giá trị. Chỉ sợ không có thơ tình hay thôi. Hiện nay, thơ ca của chúng ta chỉ thiếu thơ tình hay, chứ không thiếu thơ tình, ngược lại, đang có vẻ “bội thực” thơ tình.

Trong khi đó, bạn đọc thèm một tiếng thơ cất lên từ những thao thức, dằn vặt về nhân tâm, thế sự, về hiện tình đất nước, như một tham dự tự nguyện và thành thực của những người cầm bút thì thật quá hiếm hoi.

Với một bối cảnh nhân tâm và xã hội đang xáo trộn, bất an như thế này, mà ai đó cứ vô tư chia sẻ thơ tình véo von lên mạng thì chẳng phải có gì đó như vô tâm sao? Chẳng phải vô hình trung, trở nên bất nhẫn sao? “Lòng chẳng nỡ” như một phẩm tính cần thiết của con người đã bị phớt lờ sao?

Tôi cho rằng, việc tiếp nhận thơ rất có liên hệ với tâm trạng xã hội. Đang trong lúc dân tình lòng dạ như “nước sôi lửa bỏng”, chắc chắn chẳng ai có tâm thế đọc thơ tình. Viết tràn lan, đăng tràn lan ra đấy cũng chẳng có mấy ai có tâm trạng đâu mà đọc.

Người ta hay nói đến khái niệm “văn hóa văn chương” với cái nghĩa không chỉ am hiểu thơ, cảm thụ tinh tế thơ, mà còn cả khả năng cảm nhận cho tốt việc “xuất bản” thơ nữa.

Với thơ cần phải ứng xử đẹp là vì thế!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top