Aa

Thói xấu dân tộc

Thứ Tư, 28/11/2018 - 06:00

Nếu bạn hay ra nước ngoài, tôi tin bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, người Việt đi đến đâu cũng để lại dấu vết đậm nét nhất về thói thiếu kỉ luật. Thay vì xếp hàng thì họ chen ngang; thay vì im lặng thì họ nói át cả tiếng người bên cạnh, thay vì chờ đèn đỏ, đi bộ qua giải phân cách thì họ tùy tiện băng qua đường ở bất cứ đâu; thay vì vứt rác, đầu mẩu thuốc vào nơi quy định, họ ném toẹt ngay xuống chân mình; thay vì tuần tự lấy đồ ăn trong các bữa tự chọn, họ lăng xăng cắt ngang mặt người khác…

Theo tôi đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm để vạch ra những thói xấu không thể chấp nhận của người Việt Nam mình. Cứ xuê xoa đại khái, cả nể, sợ bị quy chụp này nọ khiến chả ai nỡ nói thẳng, nói thật, thì nhiều tính xấu, rất xấu, đáng phát ngượng với thiên hạ, cứ tiếp tục có đất để dung thân và phát triển. Một dân tộc chỉ mạnh, thực sự có tương lai phát triển, khi biết vượt qua những hạn chế của bản thân. Biết mình mạnh ở chỗ nào là rất quan trọng. Nhưng biết mình kém ở chỗ nào mới thực sự quan trọng.

Từ khá lâu, những nhà văn, học giả lớn về văn hóa, mỗi người một cách, mỗi người dùng một hình thức khác nhau, đã tìm cách để chỉ ra cái lỗi mang tính dân tộc của người Việt là tính vô kỉ luật. Bạn cứ thử đọc lại cẩn thận những sáng tác, nghiên cứu của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Huyên, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi… bạn sẽ thấy nhiều cảnh báo của tiền nhân về thói xấu này mà tôi không muốn nhắc lại. Còn trong cuộc sống hàng ngày, thì ở đâu chúng ta cũng có thể gặp những việc làm “kinh hoàng” dưới con mắt những người có kỉ luật. Vụ đi lùi xe trên đường cao tốc, những sự cố xe chạy ngược chiều, uống rượu vẫn lái xe đâm chết người, chạy quá tốc độ gây ra cảnh tan hoang cả một góc phố như vụ xe bồn mới đây… chính là hậu quả nhãn tiền của thói vô kỉ luật.

Nếu bạn hay ra nước ngoài, tôi tin bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, người Việt đi đến đâu cũng để lại dấu vết đậm nét nhất về thói thiếu kỉ luật. Thay vì xếp hàng thì họ chen ngang; thay vì im lặng thì họ nói át cả tiếng người bên cạnh, thay vì chờ đèn đỏ, đi bộ qua giải phân cách thì họ tùy tiện băng qua đường ở bất cứ đâu; thay vì vứt rác, đầu mẩu thuốc vào nơi quy định, họ ném toẹt ngay xuống chân mình; thay vì tuần tự lấy đồ ăn trong các bữa tự chọn, họ lăng xăng cắt ngang mặt người khác…

Không thể kể hết được những việc, nói trắng ra là rất đáng xấu hổ, mà người Việt gây ra ở khắp nơi. Không những thế, họ còn chủ ý lôi kéo người khác cũng vô kỉ luật như mình để không bị lộ diện.

 

Mua vé bóng đá AFF Cup ở Việt Nam.

Mua vé bóng đá AFF Cup ở Việt Nam.

Mua vé bóng đá AFF Cup ở Myanmar.

Mua vé bóng đá AFF Cup ở Myanmar.

Tôi rất biết ơn nhóm phóng viên truyền hình mới đây đã đưa lên sóng cảnh những người dân Myanmar lặng lẽ, trật tự, kiên nhẫn xếp hàng mua vé xem trận đấu của đội nhà với đội tuyển Việt Nam trên sân vận động quốc gia ở Yangon, trong khuôn khổ AFF Cup. Những người Myanmar mặc quần áo cũ kĩ, đi những đôi dép cũ kĩ, cuồng yêu bóng đá không thua kém gì người Việt, đã thể hiện một sự giầu có, sang trọng rất đáng nể về mặt văn hóa, thể hiện qua tính kỉ luật. Nó cho thấy nền tảng giáo dục bài bản của họ khá vững chắc và chuyên nghiệp, dù hiện nay Myanmar còn nghèo hơn cả chúng ta. Nhưng chỉ cần nhìn cách họ tôn trọng kỉ luật, chúng ta có thể thấy trước tương lai của họ chắc chắn rất sáng sủa.

Đối nghịch với sự nề nếp ấy là cảnh hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau, cực kì vô kỉ luật của các cổ động viên trước cổng bán vé trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia ở sân Mỹ Đình. Rồi cảnh bất chấp trèo qua hàng rào sắt với sự tiếp tay ăn tiền của nhân viên an ninh. Nói thật, cứ nhìn thế mà thấy xấu hổ thay. Tự bản thân mình, dù vô can, cũng cảm thấy xấu hổ. Bởi vì những người kia đang hành xử bằng thói xấu chung cho cả mình.

Một đất nước thiếu kỉ luật không bao giờ đi xa được trên đường phát triển. Điều này không cần phải bàn cãi thêm. Trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi việc làm nhỏ của một cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng, mà còn có thể gây thất thiệt cho đất nước trên bình diện quốc tế, thì tính kỉ luật cũng chính là nguồn lực. Và còn hơn thế, nó là đẳng cấp quốc gia. Chúng ta đang đánh mất nhiều thứ vì thói vô kỉ luật mà đã đến lúc nói thẳng ra rằng: Đó là thói xấu dân tộc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top