Aa

Thứ bảy, nào ta đi “chạy tẩy”!

Thứ Sáu, 24/05/2019 - 06:00

Những thú vui thuở nào, giờ chỉ còn hằn sâu trong ký ức lớp chúng tôi. Chả biết lớp trẻ bây giờ gọi những cuộc đi chơi bờ hồ là gì nhưng chắc chắn không phải là những cuộc “chạy tẩy” như ngày xưa ấy.

Để viết bài này, tôi đã gắng tra mọi nguồn cố tìm ra nghĩa của từ “chạy tẩy”. Ấy là cứ tối thứ bảy từ thập kỷ bảy, tám mươi thế kỷ trước, nam thanh nữ tú đất Hà Thành lại quần là áo lượt, dạo bộ hoặc xe đạp, xe máy lượn vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Cứ dạo, cứ lượn, cứ chạy nhông nhông gọi là bát phố thế cho đến quãng gần nửa đêm thì vãn người.

Tính từ thập kỷ bảy, tám mươi là tính giản lược theo vòng đời thanh xuân của cái thằng tôi thôi, chứ trước đấy và sau mốc đó, khi không còn tham gia những cuộc “chạy tẩy” ấy nữa, thật tôi chẳng biết những cuộc lượn, chạy bát phố ấy sẽ thế nào. Thế nhưng chẳng thể tìm ra được từ ngữ ấy. Đành xếp nó vào những từ thực tiễn từ trực tiếp đời sống và sẽ dần mai một đi theo thời gian.

Dạo đó chưa có kỳ nghỉ cuối tuần hai ngày như bây giờ. Vì chỉ được nghỉ chủ nhật nên tối thứ bảy bao giờ cũng là dịp vui chơi của mọi người, nhất là thanh niên chưa vợ chưa chồng. Từng nhóm bạn chơi với nhau hẹn hò tối thứ bảy sẽ “chạy tẩy” tức là lượn bờ hồ Hoàn Kiếm.

Bấy giờ Hà Nội chẳng có nhiều chỗ vui chơi. Bách thảo, bách thú là nơi không phải cho thanh niên vào nghịch ngợm vui đùa. Chí ít nó có tính hàn lâm về cây về thú dành cho mọi người, nhất là trẻ em, vào thưởng ngoạn. Cũng có thể vào đấy chơi buổi tối nhưng đó là nơi chỉ dành cho những cặp yêu nhau táo gan vào hẹn hò tình tự. Công viên Thống Nhất hay đường Thanh Niên cũng là điểm chơi lý thú nhưng cũng đa phần dành cho những người đã “có nơi có chốn” tức là đã thành được cặp, ghép vừa đôi.

Vậy nên chỉ bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi lý tưởng nhất để chơi bời, thăm thú, tán tỉnh. Tất nhiên chẳng phải ra bờ hồ tối thứ bảy chỉ có những người độc thân mà từ ông già bà cả đến thiếu niên nhi đồng, các bậc phụ huynh nữa, nhưng “chạy tẩy” có lẽ chỉ dành cho đám thanh niên đang “phòng không nhà trống”.

Bờ Hồ một thuở.

Bờ Hồ một thuở

Từ chiều muộn thứ bảy, khi tan tầm, hết ngày lao động cuối tuần, đám chúng tôi đã háo hức chuẩn bị. Bấy giờ nghèo lắm. Chủ yếu là xe đạp. Xe máy sau năm 75 Hà Nội cũng có nhưng không phải là nhiều. Chỉ lác đác vài chiếc thoảng nhặt lẫn vào dòng xe đạp nườm nượp.

Ngay từ chiều, xe đạp đã được lau sáng bóng. Anh nào cẩn thận còn tra dầu vào líp cho kêu tanh tách mới bõ. Đa phần xe bình dân, Phượng Hoàng, Thống Nhất, Hoàn Kiếm. Hiếm hoi có xe sang Peugeot và các loại xe Đông Âu như Diamon, Eska, Favorit...

Quần áo cũng vậy, chuẩn bị là lượt sẵn. Giầy dép mùa nào thức ấy. Giờ nghĩ lại buồn cười. Dạo đó mỗi chúng tôi, giỏi chỉ có hai bộ quần áo tàm tạm, giầy chỉ một đôi, áo rét cũng thế, chỉ nhõn một chiếc thế nên mới có chuyện đổi “mốt” tức là tráo cho nhau quần áo. Tuần này áo lông rồi thì sang tuần sau đổi mốt sang áo len cổ lọ "cho nó máu". Giầy cũng đổi theo vòng. Mùa hè dễ ăn mặc hơn nhưng nói chung vẫn phải đổi. Cái thằng tôi dạo ấy để tóc dài. Chỉ dám dài vừa vừa thôi bởi nếu dài quá vướng vào cánh “Thanh niên Cờ đỏ” là toi đời. Họ túm ngay và chẳng cần nói nhiều, vung kéo cắt đến xoẹt.

Ngày đó, góc bờ hồ nơi trụ sở công an Hoàn Kiếm, luôn có một đội “Thanh niên Cờ đỏ” túc trực. Nhóm này rất nhiệt tình hăng hái lại có sự hỗ trợ của một chiếc xe công an nổi tiếng với biển số 997 chuyên trấn áp tội phạm. Chả tội phạm gì đâu nhưng cứ tóc dài, quần tuýp hoặc quần loe là coi chừng kẻo mang họa.

Lại nói tóc dài, chẳng hiểu suy nghĩ ngày đó thế nào mà cả đám chúng tôi thằng nào cũng thích tóc xoăn. Trẻ mà, thích là làm. Thế là chế ra cái kẹp sắt có lòng máng và lõi sắt tròn, hơ trên bếp dầu nóng tương đối rồi lùa vào kẹp tóc. Mươi lần luồn là có mái đầu xoăn xoăn bồng bềnh nom cực nghệ, cực lãng (nghệ sĩ, lãng mạn).

Chết cười, có lần tôi lơ đãng nên hơ quá lửa, thế là vừa cho vào tóc đã đánh xèo một cái khét lẹt cháy rụi cả mảng tóc. Giờ nhìn những tấm ảnh tóc xoăn dạo đó lại so với cái đầu trọc lốc bây giờ thấy vui vui, ngộ ngộ và tôi vẫn chả hiểu sao lại đánh đu theo tóc xoăn để làm gì và nó đẹp thế nào mà tốn kém công sức đến vậy.

Một điểm hẹn để tập kết và dù không có điện thoại, thậm chí có ít đồng hồ đeo tay nhưng giờ giấc luôn chính xác tuyệt đối. Dạo đó, Hà Nội có nhiều nơi dựng đồng hồ công cộng to vật rất tiện cho kiểm soát giờ giấc. Bây giờ hình như chỉ còn vài chiếc, trong đó có một chiếc ở nóc nhà Bưu Điện.

Nhóm bạn đông đủ, chúng tôi bắt đầu đạp vòng quanh bờ hồ. Dàn hàng ngang mà đạp. Nhóm vài người hay đông cũng dàn hàng ngang. Cứ thế đạp ròng ròng hết vòng này sang vòng khác. Thường thì đi theo nhóm dăm người là vừa. Nhóm đạp được ít vòng thì cũng dần tụt tạt vãn bớt do bị lạc hoặc chủ động tách nhóm. Dệu dạo chán chê thì cả nhóm đi giải khát. Bờ hồ Hoàn Kiếm là trung tâm của Hà Nội nên tập trung nhiều không chỉ di tích, điểm vui chơi mà còn là những địa chỉ giải khát nổi tiếng: Bốn Mùa, Thủy Tạ, kem Tràng Tiền, Hồng Vân, Long Vân...

Sẽ là không đầy đủ nếu không kể đến hậu của những chuyến “chạy tẩy”. Đó là sự cưa cẩm giữa nam thanh, nữ tú. Những tốp bắt được “điện” của nhau sẽ áp vào nhau vừa đạp và đưa đẩy. Tất nhiên chỉ bọn độc thân mới thế. Rồi thì tùy vào những gì xảy ra kế tiếp để phân “cặp”. Thường thì chẳng đâu vào đâu và cũng chỉ là một thú vui tìm hiểu kết bạn nhưng cũng có ngoại lệ là tiến đến yêu đương hẳn hoi. Đừng nghĩ là "cưa đường" như vậy sẽ chỉ dành cho những người thiếu đứng đắn. Trong đám bạn tôi “chạy tẩy” có vài cặp còn sống như keo bên nhau đến tận bây giờ, nhắc đến vụ "cưa đường" là cười khẹ khẹ. Có điều này, nếu cặp nào đã gắn với nhau họ lập tức từ bỏ hội “chạy tẩy” và đi đánh lẻ với nhau chả biết tận đẩu đâu.

Những thú vui thuở nào, giờ có lẽ còn hằn sâu trong ký ức lớp người chúng tôi. Hà Nội hiện đại giờ có quá nhiều điểm giải trí. Bờ hồ Hoàn Kiếm đã thành phố đi bộ, vào dịp cuối tuần vẫn đông người thăm thú, vui chơi. Chả biết lớp trẻ bây giờ gọi những cuộc đi chơi bờ hồ là gì nhưng chắc chắn không phải là những cuộc “chạy tẩy” như chúng tôi thường gọi. Bằng chứng là không có từ này trong bất cứ một công cụ tìm kiếm nào...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top