Aa

Thủ tục vẫn “hành” doanh nghiệp địa ốc

Chủ Nhật, 16/09/2018 - 06:01

Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê, ỳ ạch và thiếu linh hoạt, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại.

Câu chuyện giấy tờ, thủ tục hành chính “hành” doanh nghiệp đến nay không phải là mới hay là cá biệt, mà đã có rất nhiều doanh nghiệp gặp phải.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ quan quản lý cần tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cải tiến thủ tục làm sao vẫn đảm bảo quy định nhưng doanh nghiệp đỡ “mất sức”.

Tại buổi Hội thảo đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đực, đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Đất Lành chia sẻ, những thủ tục liên quan đến việc đầu tư, cấp phép cho các công trình xây dựng hiện nay rất nhiều và là gánh nặng đối với doanh nghiệp bất động sản.

Đơn cử, một dự án chuẩn bị xây dựng nhưng nằm trong khu vực điều chỉnh quy hoạch, ngoài việc đợi UBND quận và Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh, phải mất thêm 4 tháng để trình UBND Thành phố xét duyệt lại một lần nữa.

Thủ tục hành chính vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp địa ốc.

Thủ tục hành chính vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp địa ốc.

Chưa kể, muốn làm giấy chứng nhận đầu tư phải mất 3 giai đoạn, như chấp nhận chủ trương đầu tư, địa điểm đầu tư, chấp thuận đầu tư.

Trong khi đó, việc này không phải chỉ có một mình Sở Xây dựng làm, mà còn phải hỏi ý kiến các ban, ngành khác, rồi lại phải đợi trình lên UBND Thành phố phê duyệt.

Tương tự, thủ tục về việc cấp phép xây dựng hiện nay cũng phải trải qua 3 giai đoạn vô cùng ngặt nghèo, như thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, rồi giấy phép xây dựng.

“Để chính sách có hiệu quả thì phải giảm nhiều về thủ tục hành chính. Thành phố nên kiến nghị Trung ương, các bộ, ngành những quy định nào không cần thiết nên bỏ hoặc tự mình cắt giảm những thủ tục không cần thiết, hoặc ủy quyền cho các sở, các quận huyện”, ông Đực khiến nghị.

Đồng quan điểm, một số lãnh đạo công ty khác trên địa bàn TP.HCM cũng cho rằng, ở thành phố có rất nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động, mỗi doanh nghiệp đều có những dự án lớn đang triển khai và cũng vướng nhiều về chính sách, thủ tục hành chính.

Do vậy, để khơi được động lực phát triển, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, thì phải quan tâm giải quyết cho doanh nghiệp về mặt cơ chế, chính sách.

“Thành phố đưa ra những chương tình đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh, những điều đó là rất tốt. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cần những tiêu chí rất cụ thể như thành phố thông minh thì xin giấy phép xây dựng bao giờ xong, thủ tục ngân hàng làm như thế nào...”, đại diện Tập đoàn Capella nói.

Thể hiện quyết tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tại buổi đối thoại, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, chính quyền Thành phố cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã đưa vào hoạt động thí điểm quy trình cấp giấy phép xây dựng theo cơ chế 1 cửa, thay vì thực hiện 13 thủ tục, rút thời gian từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Qua đánh giá sơ bộ, chương trình thí điểm này khả thi và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội. Do đó, Sở đã báo cáo và kiến nghị với UBND Thành phố và Bộ Xây dựng không thực hiện 3 thủ tục như hiện nay, mà giảm xuống chỉ còn 1 thủ tục.

Theo đó, cơ quan nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và kiểm tra chủ đầu tư. Cụ thể, khi chủ đầu tư nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng, có thuê đơn vị đủ năng lực để tư vấn thiết kế không. Nếu có đủ năng lực về tư vấn thiết kế, thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về công trình đó.

Cơ quan quản lý chỉ kiểm tra chủ đầu tư đã thuê đơn vị có đủ năng lực để thẩm tra hồ sơ thiết kế đó chưa. Đơn vị thẩm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kết quả thẩm tra đó.

“Trên thực tế, sẽ có những vấn đề, như kết quả của đơn vị thẩm tra không phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch, hay không phù hợp với văn bản chấp thuận đầu tư, có sự khác biệt về số liệu, lúc này, buộc cơ quan cấp phép phải trả hồ sơ”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, thủ tục hiện nay vẫn chưa thay đổi, nên buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện theo đúng quy định.

Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM, cũng như các sở, ngành khác luôn luôn tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị tới các bộ, ngành liên quan.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top