Aa

Thủ tướng yêu cầu chú trọng xây dựng doanh nghiệp du lịch có thương hiệu

Thứ Bảy, 24/06/2017 - 06:01

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Gần đây, báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam có bài viết "Lo ngại Luật Du lịch vừa được hoàn thành đã lạc hậu" có phản ánh về việc hạ tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh lữ hành, dẫn tới cạnh tranh, chụp giật, phát triển du lịch không tương xứng.

Ảnh minh họa: Trần Kháng.

Ảnh minh họa: Trần Kháng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng xây dựng những doanh nghiệp du lịch phát triển lành mạnh, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh để phát triển mạnh, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khi nói về thực trạng phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua trên báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, TS Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, các chỉ tiêu phát triển du lịch của Việt Nam vẫn thấp nhất trong 136 nước. Năm 2016, khi lần đầu tiên Việt Nam đạt 10 triệu khách du lịch thì Thái Lan đã 30 triệu, Singapore là 16 triệu. Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Người Việt Nam sang Thái gấp 3 lần so với ngược lại. Người Việt sang Lào gấp 5 lần so với Lào sang ta.

Trao đổi với Reatimes, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, suốt một thời gian dài vừa qua, chúng ta thiếu định hướng chiến lược phát triển du lịch hướng tới đẳng cấp cao một cách rõ rệt. Việc duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng “sản lượng khách” quá lâu, kéo theo nhiều hệ lụy phát triển khác.

Ngoài ra, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch Việt Nam như một tổng thể liên kết thương hiệu để định vị Việt Nam là một địa chỉ du lịch khác biệt và đẳng cấp. Phát triển du lịch diễn ra theo lối truyền thống “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh “gà nhà”, “ăn xổi” và “cùng xuống đáy”. Phân tán, manh mún, địa phương chủ nghĩa nên tranh chấp lợi ích, kiềm chế nhau ở tất cả các cấp độ…

“Để thực hiện một Chiến lược phát triển du lịch ở Việt Nam thì yếu tố tài nguyên là rất cơ bản. Ta có tài nguyên du lịch tốt, có thể nói rất tốt. Nhưng đây là nguồn lực có hạn, và cũng chỉ mới bảo đảm điều kiện "cần". Bao nhiêu năm vẫn tài nguyên đó nhưng du lịch của ta có phát triển được đâu. Cho nên, cần có thêm các nguồn lực "động", có thêm động lực. Và định hướng phát triển du lịch phải khác, phải hướng tới hai tiêu chuẩn, một là đẳng cấp, hai là sự khác biệt.

Tôi cho rằng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là một trục rất quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khi phân khúc này tạo ra đẳng cấp và khác biệt cho du lịch Việt Nam”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top