Aa

Thư viện "kim cương" Belarus mà Hà Nội muốn học tập có gì đặc biệt?

Thứ Sáu, 02/09/2016 - 07:20

Với lối kiến trúc độc đáo được xây dựng từ kính và đèn led, thư viện quốc gia Belarus không chỉ là nơi lưu trữ lượng kiến thức khổng lồ của toàn nhân loại mà đây còn được coi như chiếc “đĩa bay” phát sáng giữa lòng thủ đô của đất nước băng tuyết này.

Thư viện quốc gia Belarus hay còn gọi là thư viện “kim cương” Belarus được lên ý tưởng thiết kế vào năm 1989 nhưng phải đến 13 năm sau mới chính thức khởi công xây dựng. Năm 2006, chiếc “đĩa bay” khổng lồ này được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Tòa nhà là một khối đặc biệt, công trình trung tâm cao 72 mét với 22 tầng, bao gồm 8 mặt tam giác và 18 mặt vuông mô phỏng hình thù của một viên kim.

Kiến trúc độc đáo của thư viện quốc gia Belarus

Kiến trúc độc đáo của thư viện quốc gia Belarus

Tất cả các mặt của tòa nhà đều được xây dựng từ các tấm kính vuông có kích thước 25x25 tạo ra tổng thể đường kính của mái vòm thư viện là 62 mét. Loại kính này có khả năng phản chiếu ánh nắng và các bức xạ ra bên ngoài tòa nhà.

Bên cạnh đó, hệ thống gồm 4.646 đèn led nhiều màu sắc được gắn xung quanh thư viện. Vào buổi sáng, khách tham quan sẽ không thấy đươc hệ thống này nhưng khi màn đêm bắt đầu buông xuống, các đèn led sẽ hoạt động tạo nên cảnh tượng đặc biệt giống như một chiếc đĩa bay khổng lồ vừa hạ cánh xuống thủ đô Minsk của Belarus.

Thư viện đặc biệt này được các Tiểu vương quốc Ả Rập công nhận là tòa nhà cao nhất thế giới, xếp hạng thứ 11 trong các công trình có kiến trúc đặc biệt do tổ chức US edition Flavorwire bình chọn vào năm 2013. Nó cũng đi vào cuốn sách “100 thành tựu kiến trúc hiện đại” của tác giả người Nga Yevgeniya Frolova năm 2011 và là một trong những thư viện tốt nhất thế giới do Berlin edition bình chọn.

Mới đây, Sở Kế hoạch và đầu tư vừa đề xuất UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa và thể thao thăm quan, nghiên cứu, đề xuất địa điểm làm cơ sở để thành phố xem xét việc đầu tư công trình thư viện thành phố.

Sở kế hoạch cho rằng, mô hình thư viện Belarus là tổ hợp công trình văn hóa, thư viện, lưu trữ, tổ chức sự kiện, công viên, khu giải trí và có tiềm năng khai thác kinh doanh và phục vụ khách du lịch. Đây là mô hình cần được học hỏi và nghiên cứu cụ thể để đầu tư một công trình văn hóa xứng tầm thủ đô.

Trước đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã giao Sở kế hoạch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất thành lập một đoàn công tác của thành phố đi Cộng hòa Belarus thăm và học hỏi cách xây dựng, quản lý thư viện, báo cáo UBND thành phố.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top