Tỉnh muốn có “điểm sáng” thu hút FDI
Với tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các KCN tăng mạnh trong vài năm gần đây, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, mỗi năm các KCN trên địa bàn có thêm từ 15.000 - 20.000 lao động. Đến năm 2020 dự kiến các KCN tỉnh này sẽ thu hút khoảng 150.000 lao động, tăng khoảng 60.000 người so với hiện nay.
Điều này đặt ra vấn đề bức thiết về chỗ ở cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong khi quỹ nhà ở đô thị gia tăng thì nhà ở dành cho công nhân, người lao động tại các KCN lại rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhóm người có thu nhập thấp này. Do đó, việc phát triển các khu nhà ở dành cho công nhân, nhà ở xã hội tại Bắc Giang là rất cần thiết và là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm đảm bảo vấn đề an cư, an sinh xã hội, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Nhằm thực hiện quy hoạch các KCN tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định giao cho Công ty TNHH FuGiang làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội KCN Vân Trung (tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 150 triệu USD, có diện tích 16,68ha.
Từ nhu cầu thực tế...
Theo quy hoạch, dự án gồm 28 tòa chung cư với tổng số khoảng 2.422 căn hộ, 60 căn nhà ở thương mại. Ngoài ra, sẽ có các công trình tiện ích như: Khu chợ trung tâm thương mại, nhà văn hóa, trạm y tế và trường liên cấp... Khi hoàn thành, dự án này sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 15.000 công nhân, người lao động có thu nhập thấp đang làm việc tại các khu công nghiệp, đối tượng khác được mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên tiến độ triển khai dự án đã bị chậm trễ do khâu giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, một số hộ dân chưa đồng thuận cũng như thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc dự án khu nhà ở xã hội Vân Trung chia sẻ: KCN Vân Trung được đầu tư năm 2007 và đến nay đã trở thành “kiểu mẫu” của tỉnh Bắc Giang trong thu hút vốn đầu tư FDI. Hơn chục năm qua, KCN Vân Trung đã được lấp đầy, thu hút hàng chục nghìn lao động.
Nhưng xung quanh lại thiếu nhà ở cho người lao động, các cơ sở y tế, giáo dục… khiến cuộc sống của họ vẫn thấy “bấp bênh”.
“Khi phát triển các KCN thì phải tính toán xây dựng các khu nhà ở công nhân, người thu nhập thấp. Nhà ở chỉ cần từ 30 - 40m2 phù hợp với nhu cầu, thu nhập của họ. Thực tế với hàng chục nghìn người lao động ở Bắc Giang và lao động ngoại tỉnh đổ về thì các khu nhà trọ không thể đáp ứng nổi”, ông Tuấn nói và cho rằng việc đảm bảo nhà ở phục vụ người lao động gắn với phát triển các KCN cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn, quyết định đầu tư vào các KCN tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang đã làm theo chỉ thị của Thủ tướng
Đối với dự án nhà ở xã hội KCN Vân Trung, tháng 7/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định 1302/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch điều chỉnh của dự án này nhằm cơ cấu lại sử dụng đất, tăng diện tích nhà ở, đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng cao trong vài năm tới. Điều này là thực hiện theo chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020 cần phải “ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên”. Theo đó, tỉnh Bắc Giang luôn khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư tạo nguồn cung nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động trên địa bàn.
Liên quan tới một số thông tin trái chiều cho rằng doanh nghiệp không muốn đầu tư dự án nhà ở xã hội nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn “ép” làm, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích: Nhiều địa phương hiện cũng có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, không riêng gì tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện để khuyến khích doanh nghiệp tham gia làm dự án nhà ở xã hội.
“Chúng tôi bị ép về tiến độ triển khai chứ không ép làm dự án”, ông Tuấn khẳng định.
Được biết, giai đoạn 1 của dự án nhà ở KCN Vân Trung có diện tích 10ha liên quan tới 200 hộ dân nhưng chủ đầu tư đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng liên quan tới 42 hộ dân, dẫn tới chậm tiến độ. Các hộ chưa đồng thuận, bàn giao mặt bằng do giá đền bù thấp, không nhất trí với chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, không muốn bán ruộng… Đến nay, chủ đầu tư đã quây rào, triển khai các hoạt động thi công 2 toà nhà ở xã hội.
Tìm hiểu thực tế, tiến độ triển khai dự án nhà ở KCN Vân Trung của Công ty TNHH FuGiang bị chậm. Trong khi đó, KCN Vân Trung hiện đã cơ bản lấp đầy, hàng chục nghìn lao động vẫn sống chen chúc trong các xóm trọ lụp xụp, không bảo đảm an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Nhu cầu nhà ở cho người lao động tại đây là rất bức thiết!
Ông Chác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Tập đoàn FuGiang tại Việt Nam cho biết, dự án nhà ở xã hội là do công ty chủ động đề xuất lên tỉnh Bắc Giang xin một quỹ đất để đầu tư, nhằm đáp ứng chỗ ở cho công nhân trong tập đoàn cũng như công nhân các KCN trên địa bàn. Vì đa phần công nhân đang phải thuê trọ, sống tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống và làm việc.
Trước thông tin cho rằng phía doanh nghiệp “chê” làm dự án nhà ở xã hội lãi ít chỉ 10% nên không mặn mà, đại diện FuGiang bác bỏ: “Điều này hoàn toàn không đúng sự thật, đối tượng được phỏng vấn không được sự uỷ quyền phát ngôn của công ty, cũng không nắm được chính xác thông tin dự án này”.
Chia sẻ về khó khăn của dự án, đại diện chủ doanh nghiệp cho rằng, mặc dù dự án nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế TNDN, nhưng việc bố trí quỹ đất rộng cho dự án là rất khó khăn. Hơn nữa, vấn đề nan giải nhất là khâu giải phóng mặt bằng chậm, chưa đồng thuận, kéo dài nhiều năm khiến doanh nghiệp “ngại” tham gia.
Phía doanh nghiệp này cũng kiến nghị tỉnh cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch cho doanh nghiệp sớm triển khai dự án nhà ở, từ đó, có thêm lợi thế để thu hút thêm công nhân về làm việc tại các KCN. Bên cạnh đó, địa phương cần sớm nâng cấp hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… nhằm tạo kết nối đồng bộ với hạ tầng KCN, đảm bảo ổn định an sinh xã hội để người dân có thể hưởng lợi từ các dự án.