Aa

Thực hư về một ông vua không ngai

Thứ Hai, 16/07/2018 - 06:00

Nói chuyện một lúc thì Hạnh nói chụp ảnh “ngài”. Ngài vui vẻ nhận lời, định thay quần áo, Hạnh bảo không cần, cứ cầm dao ra đứng hút thuốc ở chân cầu thang chụp thôi. Dăm bảy lần đèn Flat lóe lên thì ngài bảo: Cho mình tiền hút thuốc chớ. Hạnh rút ra tờ 5 ngàn thì phải, hồi ấy cũng khá lớn, đưa cho ngài. Ngài cám ơn rồi bắt tay chúng tôi rất chặt, về nhé, hôm nào lại đến chơi...

Tôi sinh ra thì đã hết vua rồi. Vua chỉ còn trong lời kể của mẹ và những bài học. Và những gì tôi được truyền lại thì đấy đa phần tuyền những thối nát, lạc hậu, cũ kỹ và cả... phản động. Số chói sáng cũng có, nhưng có vẻ ít và bị phần không chói sáng che lấp. Quy luật là, chế độ sau tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn chế độ trước...

Vậy nên tôi đã tò mò biết mấy khi biết ở nơi tôi sống, tỉnh Gia Lai ấy, có một ông “vua” (Pơtao) đang sống. Và háo hức tìm cách gặp vua bằng được.

Lần đầu tiên gặp “vua” là tôi đi cùng nhà báo Đỗ Quang Hạnh.

Chúng tôi đến, “vua” đang đi vắng, người nhà bảo là “ngài” đang trên rẫy, cho tiền xăng thì sẽ đi kêu về. Thì đưa. Là xăng để đổ vào xe máy chạy đi đón “vua”. Trong khi xe đi đón thì chúng tôi thơ thẩn ngồi chờ.

Ngôi làng này đặc trưng là một làng Jrai với những ngôi nhà sàn liền kề, loi xoi lúp xúp quây quần rất đẹp quanh ngọn núi Chư Tao Yang. Nhà "vua" vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống (da voi), chiêng (Lào), ché cổ...

Rồi thì “ngài” cũng về. Một người đàn ông Jrai như mọi người Jrai khác, vẻ lam lũ, duy có đôi mắt rất sáng. “Ngài” cởi trần mặc cái quần dài rách lê thê. Tên “ngài” là Siu Luynh, người kế nghiệp Pơtao Puih.  Nói chuyện một lúc thì Hạnh nói chụp ảnh “ngài”. Ngài vui vẻ nhận lời, định thay quần áo, Hạnh bảo không cần, cứ cầm dao ra đứng hút thuốc ở chân cầu thang chụp thôi. Dăm bảy lần đèn Flat lóe lên thì ngài bảo: Cho mình tiền hút thuốc chớ. Hạnh rút ra tờ 5 ngàn thì phải, hồi ấy cũng khá lớn, đưa cho ngài. Ngài cám ơn rồi bắt tay chúng tôi rất chặt, về nhé, hôm nào lại đến chơi...

Lễ hội mừng lúa mới của người Jrai.

Lễ hội mừng lúa mới của người Jrai.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, Pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Jrai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa...

Trong hệ thống các "vua" mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm "vua" lửa, "vua" nước, "vua" gió... thì "vua" lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Jrai. Ông "vua" này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh, người mà tôi và nhà báo Đỗ Quang Hạnh gặp lần ấy, là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là "vua" nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng biết... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh. Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì ông cúng cho... mưa? Và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết mưa để khỏi úng? Ông “thừa kế” một thanh gươm nghe đồn là gươm thần được tôi bằng máu người mới nguội. Đây là một thanh gươm cũng nghe đồn là... có thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ.

Tôi sống ở Gia Lai đã gần bốn chục năm, nhiều lần ngồi... uống rượu với “vua”, nhiều lần lờn vờn quanh cái hang ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm với "vua". Theo suy đoán của tôi thì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho thần quyền còn thì ít nhất nó cũng đã gỉ sét hết, và nó cũng tương tự như các thanh gươm hoặc các loại binh khí được tôn làm vật thiêng treo trên các nóc nhà rông (các vật thiêng trên nóc nhà rông ngoài binh khí, nhiều khi chỉ là hòn đá suối hoặc xương thú...). Nguồn gốc thanh gươm, theo truyền thuyết thì nó do anh em T'dia và T'diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về phía nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ(?), và ai sở hữu thanh gươm này, người đó sẽ nói chuyện được với thần linh. Từ năm 1904, một viên sĩ quan Pháp (có tài liệu nói là cố đạo, là nhà khoa học) tên là Odend’hal cùng 4 tuỳ tùng chỉ vì lý do cứ đòi xem gươm cho bằng được, đã bị dân làng giết chết.

Làng "vua" lửa ở là Plei Ơi (Plei = làng) đã được Bộ Văn hoá Thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1993. Khi “vua” Siu Luynh mất, cả  Plei và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường một chút: Không đặt thi hài trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng đông tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng giúp những người kế vị tốt hơn.

Sau khi Siu Luynh chết (cách đây gần hai chục năm), chưa có ai được “nối ngai” nên ngai vàng “vua lửa” đến nay vẫn còn để trống.

Nhà rông ở Tây Nguyên.

Nhà rông ở Tây Nguyên.

Tôi vừa trở lại làng này, Plei Ơi, ngôi làng cũ bây giờ về cơ bản đã khác hoàn toàn. Nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, cột ăng ten ngất nghểu... Ngôi nhà sàn của "vua" để không, cũ nát xiêu vẹo. Bà vợ ông giờ ở một ngôi nhà xây nền xi măng cách nhà cũ khoảng năm chục mét cùng với con cháu. Cái trống da voi trắng để sau lưng cái... tivi. Bộ chiêng cổ xếp dưới gầm giường, bụi và mạng nhện giăng đầy. Có một điều lạ, có thể là vô tình: Khi về đổ ảnh trong máy ra, tất cả những tấm ảnh chụp bộ chiêng, trống cổ của "vua" và bà vợ "vua" đều bị thừa sáng hoặc mất nét, nhòe nhoẹt, còn những bức khác thì không sao...

Huyện Phú Thiện đang xây dựng làng này thành một điểm du lịch, vì ngoài... di tích vua, thì còn ngọn núi Chư Yang Tao, nghe đồn, trong ấy đang để thanh gươm của vua. Phải có gươm này thì vua lửa mới hô phong hoán vũ được. Và cũng đang có kế hoạch phục dựng lễ cầu mưa ở đây, dù giờ vùng này đã có một công trình thủy lợi khổng lồ, tưới cho đến mười ba ngàn năm trăm héc ta đất canh tác, biến nơi đây thành vựa lúa nước khổng lồ. Thôi không gọi mưa nữa thì gọi... người vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top