Aa

Thuốc giả, ai chịu trách nhiệm?

Chủ Nhật, 24/02/2019 - 06:01

Một khi nói đến chất lượng thuốc, thuốc thật hay thuốc giả thì phải gọi ngay các dược sĩ ra chịu trách nhiệm, chứ không phải là các bác sĩ.

Không phải là bác sĩ. Chắc chắn vậy!

Tôi phải nói ngay thế bởi gần đây sau một phiên tòa xét xử tai biến y khoa, có bác sĩ đã ghi vào dưới đơn thuốc kê cho bệnh nhân dòng chữ, “bác sĩ không chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc”! Thật là mơ hồ ngộ nhận và có chút gì như là giận lẫy của trẻ con. Bởi tất cả những ai làm việc trong ngành y tế hiện nay đều biết, việc sản xuất, vận chuyển, cung ứng thuốc đến tay bệnh nhân hoàn toàn không liên quan đến bác sĩ. Việc đó do các dược sĩ đảm nhiệm. Bác sĩ chỉ khám bệnh kê đơn, ra y lệnh sử dụng thuốc gì cho bệnh nhân của mình mà thôi. Còn chất lượng thuốc hoàn toàn nằm ngoài trách nhiệm của bác sĩ. Có một hệ thống dược thống nhất trong các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc toàn quốc theo các chuẩn quy định của WHO ( tổ chức y tế thế giới) đảm nhiệm việc này.

Với bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện, khoa dược sẽ là nơi chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc. Với bệnh nhân điều trị ngoại trú theo đơn của bác sĩ, các nhà thuốc sẽ là nơi chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc. Quy định của thế giới là vậy, Việt Nam cũng không có ngoại lệ. Tóm lại, một khi nói đến chất lượng thuốc, thuốc thật hay thuốc giả thì phải gọi ngay các dược sĩ ra chịu trách nhiệm, chứ không phải là các bác sĩ.

Gần đây trên mạng lan truyền thông tin rất bi quan rằng, ngành y tế nước nhà để thuốc giả tràn lan.

Có thực như vậy không? Tôi cũng xin trả lời ngay là không. Tuyệt đối không. Tỷ lệ thuốc giả bị phát hiện lưu hành trong hệ thống của ngành y tế quản lý rất thấp. Có thể nói là cực thấp. Mà việc kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng thuốc là việc làm thường quy, có cả một bộ máy hàng ngày âm thầm làm việc này để nếu phát hiện ra sai sót lập tức công bố, thu hồi, hủy thuốc ngay không cho đến bệnh nhân. Còn như bà con ta đi mua thuốc theo quảng cáo trên mạng, tại các địa chỉ không có giấy phép kiểu như mấy tay sản xuất than tre đóng viên chữa ung thư Vinaca thì cái đó không thuộc trách nhiệm của bất cứ ai trong ngành y tế, dược sĩ hay bác sĩ, mà là của cơ quan thực thi pháp luật!

Và tiện đây xin nhắc lại, Tổ chức y tế thế giới cấm tuyệt đối việc quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng! Vì vậy, mọi người tuyệt đối không mua thuốc theo quảng cáo trên facebook, không giả thì cũng oan gia tốn tiền!

Trên thực tế thì hiện nay vẫn có rất nhiều lời kêu ca về chất lượng thuốc.

Về điều này, tôi xin kể các bạn nghe vài câu chuyện của bản thân...

ột khi nói đến chất lượng thuốc, thuốc thật hay thuốc giả thì phải gọi ngay các dược sĩ ra chịu trách nhiệm, chứ không phải là các bác sĩ (ảnh minh họa)

Nói đến chất lượng thuốc, thuốc thật hay thuốc giả thì phải gọi ngay các dược sĩ ra chịu trách nhiệm, chứ không phải là các bác sĩ (ảnh minh họa)

Chuyện thứ nhất: Bởi biết tôi là dược sĩ nên nhiều bạn bè văn chương hay tư vấn thuốc men. Tôi có một ông bạn nhà thơ thân thiết trên thành phố. Anh ấy bỗng nhiên bị một cái nhọt khá to ở đùi. Điện thoại hỏi. Tôi bảo đến ngay bệnh viện khám. Cần thì họ tiểu phẫu. Không cần thì họ cho kháng sinh về uống. Ông bạn tôi khám bảo hiểm xã hội và được cấp cho một lô kháng sinh Ampicillin về uống. Tôi bảo, anh có uống cả tấn cái thuốc này cũng không đỡ. Mau quay lại bệnh viện đề nghị họ đổi thuốc. Ông bạn tôi không tin, cố uống hai hôm nhưng hoàn toàn không thấy đỡ, càng đau sưng hơn... Quay lại viện, họ nói bảo hiểm chỉ có thuốc đó. Tôi nói anh xin đơn điều trị tự túc và ra mua thuốc xxx... Kết quả là sau 7 ngày uống thuốc anh ấy khỏi hẳn.

Vấn đề ở đây là tại sao bị nhọt uống kháng sinh Ampicillin không khỏi? Có phải đó là thuốc giả không? Xin thưa là Ampicillin rất xịn, kiểm tra định tính định lượng đều cho kết quả tốt. Thế nhưng các thày thuốc nơi đó đã không cập nhật kiến thức để biết rằng, kháng sinh Ampicillin đã bị kháng khuẩn hầu như 100%! Thế nên cho uống kháng sinh đó với trường hợp này cũng tương đương với uống thuốc giả, vì không có tác dụng. Và tất nhiên lời kêu ca sẽ được phát ra...

Chuyện thứ hai: Cũng một ông bạn văn, kiêm MC nổi tiếng. Gọi tôi nói, rất gay, bị viêm họng, đau sốt, nói không ra hơi. Uống thuốc kháng sinh mấy ngày không đỡ. Tôi hỏi uống thuốc gì? Trả lời: Bác sĩ cho Amoxycillin, mọi lần vẫn uống tốt, sao lần này uống ba ngày không ăn thua!

Tôi cười nói thay Amoxycillin đi, mua thuốc xxx mà uống. Sau ba ngày lại thấy gọi điện nheo nhéo rủ đi uống bia lạnh cho nó mát! Hết sốt hết đau rồi! Vấn đề ở đây cũng là Amoxycillin đã bị kháng khuẩn hầu hết, thế nên một khi viêm họng do nhiễm khuẩn thì uống cả ký lô vào cũng không có tác dụng chứ không phải Amoxycillin bị làm giả. Và nếu không được tôi tư vấn phân tích kỹ thì ông bạn tôi sẽ lại phát ra những lời kêu ca chê trách, có khi quy luôn bác sĩ cho mình uống thuốc giả...

Dẫn hai ví dụ trên để các bạn hiểu rằng, bệnh nào phải dùng thuốc đó mới khỏi. Và nữa, trong y khoa, người ta dùng từ “chẩn đoán”- đoán kia mà! Dù bây giờ có rất nhiều phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ, nhưng sự chẩn đoán của bác sĩ vẫn là quyết định. Chẩn đoán đúng, chỉ định đúng thuốc bệnh nhân sẽ mau khỏi. Chỉ định sai thuốc sẽ không khỏi và gây hại, tốn kém cho bệnh nhân và thậm chí sẽ là điều tiếng cho bác sĩ và cơ sở điều trị. Nhưng bác sĩ vốn học rất sâu về bệnh mà không được học sâu về thuốc nên nhiều khi hiểu và cập nhật kiến thức về thuốc không kịp thời, cũng gây ra những bất cập.

Để xử lý vấn đề này, mấy chục năm gần đây, một chuyên ngành mới của ngành Dược đã ra đời: Dược Lâm Sàng. Chuyên ngành này đặc biệt quan trọng trong bệnh viện. Nó quán xuyến đến từng phác đồ điều trị cho từng người bệnh. Mà tại bệnh viện, việc chỉ định dùng thuốc đúng luôn là ưu tiên hàng đầu trong điều trị cho bệnh nhân.

Bởi chỉ định đúng, bệnh nhân mau khỏi bệnh. Tiết kiệm chi phí. Và đương nhiên là sẽ giảm đi những lời kêu ca phàn nàn với bác sĩ về cả thuốc thật giả, thuốc kém chất lượng nọ kia...

Nhân ngày thày thuốc Việt Nam sắp tới, có đôi lời để mọi người yên tâm tin tưởng vào các bác sĩ của chúng ta. Và các bác sĩ cũng cứ yên tâm mà thực thi trách nhiệm cao cả chữa bệnh cứu người của mình. Trong chuyên môn hãy tôn trọng và làm đúng các nguyên tắc nghề nghiệp cơ bản đã được học, chống sai sót. Làm đúng như vậy thì tuyệt đối không ai dám quy kết trách nhiệm về chất lượng thuốc cho mình!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top