Aa

Thương nhớ những bầy chim

Thứ Ba, 19/06/2018 - 06:00

Người Việt có câu “ Đất lành chim đậu”. Chẳng lẽ mảnh đất chúng ta đang trú ngụ lại là mảnh đất dữ để cho những muông thú, những chim chóc và côn trùng phải rời bỏ ra đi. Và nếu đó là mảnh đất dữ thì ai đã biến mảnh đất lành của ngàn năm giờ thành đất dữ? Mỗi chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi đó mà thực ra ai cũng đã có câu trả lời sẵn trong mình rồi!

Vào một đêm mấy tháng trước khi cha tôi mất, ông bỗng tỉnh giấc lúc gần sáng và gọi tôi. Tôi nghĩ cha tôi bị đau nên cần uống thuốc. Khi đến bên giường ông, cha tôi hỏi: “Có phải mòng két về không con?”. Lúc đó, đôi mắt cha tôi như đôi mắt của một đứa trẻ: trong sáng và lấp lánh vui. Tôi đã hiểu ra câu chuyện của cha và ấp úng trả lời: “Vâng ạ”.

Đó là một đêm cuối thu, gần sáng có mưa. Mưa vang lên trên mái ngói và những tán lá trong vườn. Tôi hiểu vì sao cha tôi nghĩ tới đàn mòng két. Hồi lâu lắm rồi, vào những đêm như thế, mỗi khi gần sáng là bầy mòng két bay qua làng tôi về đầm Tuy Lai bên huyện Mỹ Đức sát chân núi đá vôi chạy tới Chùa Hương. Chúng bay về đầm nước để kiếm ăn. Tiếng cánh chúng bay qua nhà tôi như tiếng cơn mưa đêm đổ xuống. Thế rồi, tiếng cánh bầy mòng két cứ thưa dần và mất hẳn. Không biết bầy mòng két đã bỏ đi nơi nào? Từ khi về hưu, cha tôi thường hay dậy lúc gần sáng ngồi im lặng hút thuốc lào. Và khi nghe có tiếng vang lên như tiếng một cơn mưa từ xa kéo đến, cha tôi lại bước ra sân nhìn lên bầu trời còn tối thẫm. Đàn mòng két hàng trăm con bay qua làng tôi. Tiếng vỗ cánh của chúng vang lên như tiếng một cơn mưa rào mùa hạ.

Trước kia, những người dân ở quanh đầm Tuy Lai thường dùng lưới bắt dăm bảy đôi mòng két và mang ra chợ bán. Họ thường dùng tre non đan những chiếc lồng đựng mòng két. Có lồng đựng một đôi chim, có lồng đựng hai đôi. Người ta mua mòng két về thường là để nấu miến. Thịt chim mòng két thơm ngon vô cùng. Có những đêm trời tỏ hơn vì có trăng, tôi nhìn thấy bầy mòng két bay qua làng mình rợp cả một khoảng trời. Lúc đó, tôi nghĩ sao chim trời lại có thể nhiều như thế. Tôi đâu ngờ, chỉ mấy chục năm sau, tôi không còn được nghe tiếng bầy mòng két bay qua làng mình như tiếng những cơn mưa gần sáng nữa.

Chim về!

Chim về!

Bây giờ, mỗi sáng về quê tỉnh giấc, trong khu vườn um tùm cây lá cũng chẳng còn mấy chim. Thi thoảng mới thấy vài ba con chim sâu líu ríu đi kiếm ăn sớm trong vườn hoặc lũ chim sẻ từ những chiếc tổ trên ngọn cau sà xuống. Hồi tôi khoảng mười tuổi, cứ gần sáng là người làng tôi được đánh thức bởi tiếng chim hót ran trong vườn, trên những vòm cây và dọc các bờ ao, bờ đầm. Tiếng chim chèo bẻo, sáo sậu, chào mào, liếu điếu, chích chòe, cu gáy, rẻ quạt, chim khách, chim sâu, chim sẻ...

Hồi đó, trên cánh đồng, những người nông dân như chung sống với cò. Cò nhiều vô kể, chúng luẩn quẩn quanh người làm đồng. Chiều về, dọc các bờ ao, bờ đầm làng tôi cò đậu trắng trên những ngọn tre. Vào những ngày mưa bão, lũ trẻ thường hay đi nhặt cò non bị bão làm rơi từ tổ xuống. Và trên bầu trời nhất là những ngày mùa hạ lúc nào cũng thấy bóng lũ diều dâu lượn từng vòng săn mồi. Cứ lúc nào nghe thấy tiếng con gà mái đang nuôi con kêu cục tác ầm lên là lúc đó phía trên có bóng diều hâu hoặc quạ bay qua. Nhưng giờ đây, tất cả những hình ảnh ấy đã rời xa.

Hồi trước người ta vẫn bẫy chim ngói và chim cu gáy chế biến thành những món ăn đặc biệt để thưởng thức. Nhưng người ta đã không phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Nhưng giờ đây mối quan hệ này đã bị phá vỡ một cách nghiêm trọng. Người ta đã hủy diệt thiên nhiên và đầu độc môi trường thiên nhiên và họ vừa trực tiếp vừa gián tiếp tàn sát thiên nhiên ấy. Biết bao nuông thú, chim chóc, côn trùng đã rời bỏ chúng ta ra đi và không biết bao giờ chúng quay trở lại.

Ngay ở một thành phố lớn như Hà Nội mà tôi đã từng chứng kiến những công dân của thành phố được gọi là trung tâm văn hóa... của cả nước điềm nhiên vác súng hơi săn tìm những con sẻ nâu trở về làm tổ trong những mái nhà và bay lượn trong những vòm cây. Vào mùa hạ, bầy sẻ nâu như đông hơn. Đó cũng là mùa sinh nở của chúng. Có những người đàn ông mặc soọc trắng, áo pull hàng hiệu, đi giày thể thao adidas, tay lăm lăm khẩu súng hơi 12 ký, săm soi tìm những con chim sẻ để tiêu diệt. Tôi đã thấy những người đàn ông khoác súng hơi, đi xe máy Dylan hoặc SH và một dây những chú sẻ nâu bị bắn chết treo ở xe. Trên đường về nhà sau chuyến đi săn, họ ghé vào một quán bia hay cà phê như để tự thưởng cho chiến công của họ. Những người trong quán nhìn thấy dây chim sẻ nâu dài thì ồ lên vẻ thán phục. Hình như không có ai cảm thấy day dứt về những con chim bị đạn chì bắn vỡ ngực.

Những “sát thủ” vô cảm của bầy sẻ nâu kia là ai? Đương nhiên, họ không phải là những người nghèo. Vì nghèo thì làm gì có tiền mua súng. Người sở hữu những khẩu súng hơi hiệu Đức chỉ thuộc hai loại: người giàu có và những công chức khá giả. Nghĩa là, hầu hết họ thuộc những người có học hành chứ không phải những người ít được giáo dục. Lúc này, tôi nhớ là hình như trong sách giáo khoa ở hệ phổ thông cơ sở không có những bài học về cái thế giới kỳ diệu của côn trùng và chim muông. Và bao nhiêu năm nay, trên nhiều kênh truyền hình, người ta quảng cáo về các game thủ chứ có ai nói về những con chim đang chết dần chết mòn trong những vòm cây thành phố đâu.

Những cảnh này còn giữ được bao lâu nữa đây?

Những cảnh này còn giữ được bao lâu nữa đây?

Có những lần tôi thấy trên hè đường ở ngay cạnh Hồ Gươm một cảnh tượng không kém “hãi hùng”. Một người ngồi bán những con sẻ nâu còn sống. Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét. Trong khi đó, người bán hàng điềm nhiên lôi những con sẻ nâu khác từ trong lồng ra và tiếp tục vặt lông. Nhưng cảnh tượng ấy hình như không gây nên bất cứ cảm giác gì với những người đi đường. Và rồi, một người béo tốt nào đó, ăn mặc sang trọng dừng lại mua những con sẻ nâu đã vặt trụi lông đang rúc vào nhau và tươi tỉnh xách đi. Họ đang nghĩ về một bữa tối với những con sẻ nâu bị vặt trụi lông vũ như những đứa trẻ cởi truồng được chiên vàng với bia lạnh hoặc rượu vang đỏ.

Người Việt có câu “Đất lành chim đậu”. Chẳng lẽ mảnh đất chúng ta đang trú ngụ lại là mảnh đất dữ để cho những muông thú, những chim chóc và côn trùng phải rời bỏ ra đi. Và nếu đó là mảnh đất dữ thì ai đã biến mảnh đất lành của ngàn năm giờ thành đất dữ? Mỗi chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi đó mà thực ra ai cũng đã có câu trả lời sẵn trong mình rồi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top