Aa

Thương vụ Hương Giang của Bitexco có điều gì đặc biệt?

Thứ Ba, 19/03/2019 - 00:52

Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco mua lại 62,8% cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang với mức giá khoảng 158 tỷ đồng và trở thành cổ đông lớn.

Từ một doanh nghiệp Nhà nước sở hữu những quỹ đất vàng lớn tại Thừa Thiên – Huế, đồng thời cũng được đánh giá là doanh nghiệp có tiếng trong ngành du lịch – khách sạn của tỉnh, song, Công ty CP Du lịch Hương Giang đã được chuyển nhượng lại cho Bitexco với mức giá khoảng 158 tỷ đồng cho 62,8% cổ phần.

Năm 2018, báo Tuổi trẻ đã đăng tải loạt bài liên quan tới phi vụ thâu tóm Công ty CP Du lịch Hương Giang. Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco mua lại 62,8% cổ phần của doanh nghiệp này với mức giá khoảng 158 tỷ đồng và trở thành cổ đông lớn. Phi vụ mua bán cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang đã đặt ra dấu hỏi về những “điểm lạ” trong thương vụ này. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (khi đó) khẳng định: “Chúng tôi làm đúng quy định”.

Thực hư mua bán cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang là như thế nào? Và đâu là “điểm lạ” của thương vụ này đang khiến dư luận đặc biệt tâm?

Hương Giang rơi vào tay Bitexco như thế nào?

Công ty CP Du lịch Hương Giang (trụ sở tại số 2 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) từng có tên gọi là Công ty Du lịch Hương Giang, một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập vào năm 1996. Từ năm 2007 đến 2013, công ty này thực hiện xong cổ phần hóa với vốn Nhà nước chỉ còn 62,86%.

Thực hiện theo chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, ngày 15/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định về việc phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp, giá trị thực tế vốn chủ sở hữu, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm ngày 31/12/2014 và mức giá bán một cổ phần nhằm thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước tham gia vốn điều lệ tại Công ty CP Du lịch Hương Giang.

15 ngày sau (30/3/2016), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định về việc phê duyệt nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP Du lịch Hương Giang.

Khách sạn Sài Gòn - Morin.

Khách sạn Sài Gòn - Morin.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP du lịch Hương Giang cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với tổng số cổ phần chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, cùng mức giá nhận chuyển nhượng là 12.600 đồng/1 cổ phần.

Như vậy, chỉ với 158.409.720.000 đồng, Bitexco đã mua trọn 62,8% cổ phần để trở thành cổ đông lớn của Công ty CP du lịch Hương Giang. Trước đó, Bitexco đã mua 7,6% cổ phần của Công ty CP du lịch Hương Giang vào năm 2007, cùng với số cổ phần mua lại từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, doanh nghiệp này đã sở hữu 70,4% cổ phần.

Những điều lạ trong cuộc thoái hóa vốn

Thứ nhất, theo quyết định về việc phê duyệt nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại không thông qua đấu giá cổ phần mà chọn Bitexco là doanh nghiệp chiến lược.

Trả lời phỏng vấn báo chí liên quan tới lý do lựa chọn Tập đoàn Bitexco, ông Nguyễn Văn Cao lý giải: “Tỉnh đã tìm hiểu và nhận thấy Tập đoàn Bitexco thỏa mãn những yêu cầu phát triển, với những thương hiệu khách sạn đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, tỉnh đã chọn tập đoàn này là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh để phát triển du lịch và các lĩnh vực khác”.

Tại sao Bitexco được lựa chọn là doanh nghiệp chiến lược của tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng đến tháng 10/2016, theo thông tin báo Tuổi trẻ đăng tải, doanh nghiệp này đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp nước ngoài là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 41,7%.

Thứ hai, mức giá 158 tỷ đồng để sở hữu Công ty CP Du lịch Hương Giang, một doanh nghiệp có tiếng ở Thừa Thiên - Huế khi sở hữu nhiều khách sạn trên đất vàng có giá trị, có phải là mức giá hợp lý?

Trước đó, vào năm 2007, Công ty cổ phần du lịch Hương Giang đã đưa ra bán đấu giá cổ phần. Tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, mức giá khởi điểm được đưa ra là 10.700 đồng/cổ phần. Sau quá trình đấu giá, giá cổ phần đã nâng lên thành 32.500 đồng/cổ phần, gấp 3 lần giá khởi điểm. Nhưng đến năm 2016, hơn 60% số cổ phần còn lại đã được tỉnh Thừa Thiên – Huế bán cho Bitexco là 12.600 đồng/cổ, giảm 2,57 lần so với 9 năm trước (2007).

Ngoài ra, một trong những khách sạn nổi tiếng của Công ty CP Du lịch Hương Giang, đó là Khách sạn 4 sao Saigon Morin (Hương Giang liên doanh với Saigon Tourism với mức góp vốn 50%). Cuối năm 2016, khách sạn này được định giá ước tính trong khoảng từ 349 tỷ đồng đến 405 tỷ đồng. Mức định giá của khách sạn này gấp hơn 2 lần số tiền mà Bitexco bỏ ra để mua quyền trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Du lịch Hương Giang.

Đầu năm 2017, một cổ đông lớn của khách sạn La Residence (liên doanh với Công ty cổ phần du lịch Hương Giang) đã bán 51% số cổ phần của mình cho một nhà đầu tư Nhật Bản với trị giá 7,2 triệu USD (tương đương khoảng 158 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ với 51% cổ phần trong một đơn vị liên doanh đã có giá trị bằng 62,86% số cổ phần của cả công ty cổ phần này.

Trong khi đó, Saigon Morin và La Residence mới chỉ là 2 trong số những khách sạn vàng mà Công ty CP Du lịch Hương Giang sở hữu. Công ty CP Du lịch Hương Giang còn góp 40% vốn vào Lăng Cô Beach Resort. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu khách sạn Hương Giang Resort&Spa 4 sao ở số 51 Lê Lợi, TP. Huế; và  một số công ty trực thuộc như Công ty TNHH lữ hành Hương Giang ở số 11 Lê Lợi; Công ty Cổ phần  du lịch Mỹ An ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang.

Như vậy, khoản tiền mà Bitexco bỏ ra để mua 62,8% cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang chỉ tương đương bằng khoảng 1/2 giá trị tài sản của Khách sạn Saigon Morin và cũng chỉ tương đương với ½ giá trị tài sản của khách sạn La Residence (2 trong số khách sạn mà Hương Giang đang sở hữu).

Câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, hay cảng Quy Nhơn cũng là ví dụ điển hình của việc định giá doanh nghiệp thấp. 

Cụ thể, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức về tay Tổng Công ty Vận tải thủy với giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/09/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng.

Điều lạ ở chỗ, Hãng phim truyện Việt Nam đang được bán với giá thấp hơn thực tế trong khi giá trị thương hiệu không được tính vào quá trình thẩm định giá. Đặc biệt, khu đất vàng số 4 Thụy Khuê, tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và những trường quay ở vị trí đắc địa khác tại TP.HCM cũng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Trong khi đó, quá trình thoái hết toàn bộ vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn để chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành cũng chỉ với mức giá 404 tỷ đồng.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Xem thêm các bài  viết về Bitexco tại: Bitexco 

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top