Aa

Tiềm năng bất động sản từ điểm sáng thị trường bán lẻ

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 02/02/2020 - 10:30

Theo đánh giá của JLL, sự sôi động cùng tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư bất động sản trong nước và khu vực.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Số lượng doanh nghiệp tăng cao, ngành sản xuất phục hồi, kiều hối tăng, lãi suất cho vay giảm… là những nhân tố chính góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của người dân. Kết quả là một làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua. Những tiềm năng của ngành bán lẻ đã mở ra cơ hội cho loại hình bất động sản phục vụ ngành này.

Tại Việt Nam, ngoài những dự án trung tâm thương mại độc lập, thị trường đang chứng kiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ đáng kể từ loại hình khối đế thương mại tại các tòa nhà chung cư. Nhu cầu thuê tốt đã đảm bảo cho hiệu suất hoạt động lạc quan cho các trung tâm thương mại, đặc biệt là các dự án tại khu vực trung tâm, đắc địa.

Bất động sản bán lẻ vẫn giàu tiềm năng. Ảnh minh họa.

Theo JLL, giá thuê tại các trung tâm vẫn duy trì ổn định. Các dự án có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm vẫn là những lựa chọn được ưa thích nhất của nhiều nhà bán lẻ. Điều này cho thấy bất động sản trung tâm thương mại cho thuê với mức giá cao và tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, loại hình bất động sản bán lẻ này đang “chật vật” trong việc tìm hướng đi và mô hình phù hợp do những hạn chế về quy mô, thiết kế, chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm vận hành cũng như vấp phải cạnh tranh cao. 

Theo quan sát và nghiên cứu của JLL, các khối đế thương mại chung cư ở khu vực ngoài trung tâm đang gặp phải tình trạng để trống, không được phát triển hoặc tỷ lệ lấp đầy thấp khiến cho việc quản lý và hình ảnh của các trung tâm chưa được hiệu quả. 

Kết thúc năm 2019, diện tích trống vẫn duy trì ổn định khoảng 90% ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Thậm chí, các khách có nhu cầu thuê với diện tích trên 1.000m2 rất khó có thể tìm được một vị trí phù hợp trong các trung tâm bán lẻ hiện tại.

Hầu hết các khách thuê yêu cầu diện tích lớn phải chờ đợi và tìm kiếm nguồn cung tương lai hoặc đợi từ những trung tâm bán lẻ đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp.

Nguyên nhân cho sự trống vắng này là bởi đa số các chủ đầu tư của dự án chung cư không có kinh nghiệm và chuyên môn trong việc phát triển bất động sản bán lẻ. Do đó, chủ đầu tư khó lòng đưa ra một mô hình/ý tưởng bán lẻ phù hợp với quy mô, diện tích, đặc điểm của dự án và khu vực lân cận.

Do vậy, theo các chuyên gia, đối với loại hình này, chủ đầu tư nên tập trung cung cấp tiện ích cho cư dân trước tiên. Ngoài ra, có thể cân nhắc đến các mô hình khác như không gian văn phòng chia sẻ , hệ thống giáo dục, hay thậm chí là tủ khóa thông minh.

Để nắm bắt được cơ hội thành công, các đơn vị điều hành bán lẻ cần nghiên cứu kỹ để nhận biết rõ hơn xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ trong thời gian tới.

Theo đó, ngoài xu hướng tập trung vào các nhóm ngành F&B (Food and Beverage – dịch vụ ăn uống) và giải trí nhằm tăng lưu lượng khách đến các trung tâm thương mại. 

Thậm chí, xu hướng phát triển không gian bán lẻ xanh hay việc áp dung công nghệ và dữ liệu lớn, mô hình bán lẻ hợp kênh (omni channel) cũng như các nỗ lực sáng tạo khác... sẽ giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng; đồng thời tạo điểm nhấn rõ nét hơn trên thị trường bán lẻ. 

Trước sự thay đổi hành vi mua sắm và cạnh tranh khốc liệt từ thương mại điện tử, “trải nghiệm” và “mô hình phù hợp” sẽ là từ khóa cho sự thành công của các bất động sản TTTM vật lý truyền thống./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top