Aa

Tiền và lễ giáo

Thứ Tư, 13/06/2018 - 06:00

Nói ra điều này, tôi phải thành thật xin lỗi trước những thầy cô và những ai đang vắt kiệt mình cho tương lai ở những nơi núi cao rừng thẳm, những làng quê nghèo hẻo lánh: Càng ngày càng ít người còn can đảm, sự trong sạch và trách nhiệm để hiến dâng cho tương lai, khi phần lớn đều mải kiếm tiền bằng mọi giá để chứng tỏ mình hơn người, kể cả các bậc làm thầy? Với cách hành xử thô lậu như vậy, chính bản thân chúng ta đã và đang đẩy nhau đến chỗ có muốn quay lại cũng rất khó...

Giáo dục, từ nguyên của nó, gốc Latin, là E-ducere, có nghĩa là: Rút từ bên trong ra. Nó giống như trai làm ngọc, yến xây tổ, tằm nhả tơ…tức là phải hy sinh rất lớn lao, phải đau đớn hóa thân mới mong tạo ra được thứ gì có thể để lại.

Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu và ngày ngày bận tâm bởi triết lý tạo dựng tương lai đơn giản này?

Từ cổ sử, mối quan hệ thầy trò đã là một trong ba mối quan hệ lớn, thiêng liêng nhất của con người, đặc biệt trong xã hội trọng lễ giáo phương Đông. Giờ đây nhiều tiêu chí đạo đức đã thay đổi, vì thế quan hệ thầy trò cũng mang một hình thức khác xưa. Nhưng dù có “khác” thế nào thì cốt lõi của nó vẫn là sự kính trọng và yêu thương. Vì thế, hoàn toàn có thể coi mối quan hệ thầy trò như một chỉ số phản ánh chất lượng của nền giáo dục. Bởi vì đây là mối quan hệ thiết lập trên nền tảng của học vấn và nhân cách, nhằm tạo ra học vấn và nhân cách. Nó đòi hỏi một bên thì hy sinh vô bờ bến, một bên thì tu dưỡng bản thân không ngừng. Mối quan hệ này nhất định phải là thuần túy tinh thần.

Có một thời chúng ta sống thật đẹp, đến mức trong quan hệ thầy trò mà nhắc đến tiền thì thấy rất xấu hổ. Hồi đó học trò muốn tặng thầy một cái gì làm kỉ niệm là cả một sự chuẩn bị công phu để nó không bị nhiễm mùi vật chất. Tất nhiên trong sạch mà nghèo khó thì cũng chẳng hay ho gì. Nói khác đi, cứ bám lấy lý do giữ trong sạch để cỗ vũ sự nghèo khó là nhẫn tâm. Thế nhưng từ nghèo khó, từ cái chỗ nhắc đến tiền là đỏ mặt, từ cái chỗ mà giáo dục trẻ con ghét đồng tiền, cho đến chỗ mở miệng là nói đến tiền, mắt sáng lên khi nhìn thấy tiền, không nói ra mồm nhưng vẫn coi tiền là tất cả, tiền là chìa khoá vạn năng, tiền là tiêu chí để đánh giá sự thành đạt…thì lại là chuyện khác.

Giáo sư Văn Như Cương với học sinh - Một hình ảnh đẹp về Tình cảm Thầy và Trò.

Giáo sư Văn Như Cương với học sinh - một hình ảnh đẹp về Tình cảm Thầy và Trò.

Và cái gì cũng có giá của nó. Ở đâu mà những tình cảm thầy trò bị vật chất, thô tục hoá, bị lợi dụng vào những mục đích tầm thường, thì lễ nghĩa bị đẩy ngay ra rìa. Những món quà, những chiếc phong bì khi đó trở thành những vật đổi chác lạnh lùng. Người bỏ tiền có quyền ra điều kiện. Những đứa trẻ phải làm quen với nghệ thuật đút lót, nói dối từ bé và bị nhiễm bẩn trong môi trường tiền bạc như vậy mà không tàn nhẫn, lạnh lùng... mới là chuyện lạ. 

Nói ra điều này, tôi phải thành thật xin lỗi trước những thầy cô và những ai đang vắt kiệt mình cho tương lai ở những nơi núi cao rừng thẳm, những làng quê nghèo hẻo lánh: Càng ngày càng ít người còn can đảm, sự trong sạch và trách nhiệm để hiến dâng cho tương lai, khi phần lớn đều mải kiếm tiền bằng mọi giá để chứng tỏ mình hơn người, kể cả các bậc làm thầy? Với cách hành xử thô lậu như vậy, chính bản thân chúng ta đã và đang đẩy nhau đến chỗ có muốn quay lại cũng rất khó. Thay vào đó, chúng ta không thể tránh được một cuộc Đối mặt với tương lai - với tất cả ý nghĩa cay đắng của cụm từ đó.

Làm Thầy khó lắm. Nếu mà hiểu đúng chữ Thầy thì làm Thầy còn khó hơn là làm cha. Làm cha có thể nói dối, có thể thô lỗ chứ làm Thầy thì tuyệt đối không. Số tiền mà cha mẹ học sinh phải bỏ ra cho những lễ nghĩa trá hình như vừa nêu ở trên - thực chất là trả thù lao miễn cưỡng cho thầy - suy cho cùng, không phải quá lớn so với nhiều khoản chi khác của họ. Số tiền thầy, cô nhận được cũng không ghê gớm gì so với thu nhập của nhiều đối tượng khác. Nhưng tất cả chúng ta, trong đó có các thầy cô, phải trả thù lao rất đắt, đắt gấp ngàn lần, cho việc học lại cái điều đơn giản nhất: Làm một người tử tế với nền tảng vĩnh cửu là sự lễ nghĩa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top