Aa

Tiếng kêu cứu của một hồn ma

Thứ Ba, 06/11/2018 - 06:00

Sau này, khi đã trưởng thành, nhiều khi nghĩ lại câu chuyện ma đó, lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn vô hạn và cũng hiểu rằng: Sự sống đã hiện hiện trên thế gian này sẽ chẳng bao giờ mất đi. Cái chết chỉ là sự kết thúc của vật chất, đó là thân xác chúng ta, còn tinh thần của sự sống ấy sẽ mãi mãi còn...

Một trong những chuyện ma mà bà tôi, rồi đến mẹ tôi, hay kể cho chúng tôi nghe, là ma nồi chõ. Nồi chõ là tên gọi cái chõ đồ thức ăn ở làng tôi, nhà nào cũng có. Người ta gọi là chõ đồ xôi, nhưng chõ còn được dùng để đồ nhiều thứ khác nhau như đồ ngô, đồ bánh khúc, bánh khoai, bánh tẻ, bánh sắn, đồ cá để nướng... Anh Hường, anh cả tôi nói cho mấy đứa em chúng tôi là anh ấy bị ma nồi chõ đuổi khi anh ấy đi cắm cần câu hóc ban đêm dưới các bờ ao làng.

Cần câu hóc là gì? Tôi phải nói qua một chút trước khi vào câu chuyện ma nồi chõ cụ thể để những người trẻ bây giờ hoặc những người ở thành phố hình dung được. Đó là một loại cần câu đặc biệt. Người ta dùng một thanh tre già vót mỏng chỉ còn cật tre ở phần trên cho nó mềm rồi buộc một đoạn cước dài chừng 50cm có một chiếc lưỡi câu to dùng để câu cá quả. Người ta móc một vài loại tôm cá làm mồi như cá đuôi cờ, rô ron, chạch hoặc tôm càng. Sau đó họ cắm cần câu vào bờ ao, bờ đầm hoặc cắm trên một khúc thân cây chuối thả trên mặt ao, mặt đầm vào ban đêm. Khi cắm cần câu hóc, phải làm sao cho con mồi nổi lập lờ trên mặt nước. Lũ cá quả đi ăn đêm thấy vậy lao lên đớp mồi và bị mắc lưỡi câu. Sáng sau người ta chỉ việc nhổ cần câu hóc thu cá.

Cho đến bây giờ, chúng tôi cũng không biết anh tôi bị ma nồi chõ đuổi hay anh do bịa hoặc là do nghe bà và mẹ kể chuyện ma nồi chõ nhiều quá mà anh tưởng tượng ra. Hơn nữa, đến thời anh em tôi nghe bà và mẹ kể câu chuyện ma nồi chõ thì từ lâu con ma nồi chõ đã không hiện về nữa. Nhưng chuyện ma nồi chõ ở làng tôi hầu như ai ở thế hệ tôi trở về trước cũng biết vì nó gắn với câu chuyện đau thương của làng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Làng tôi thuở trước chia làm hai phần bởi con đường làng. Một bên là nhà cửa còn bên kia là ao đầm với cây dại mọc um tùm. Ban đêm, việc đi lại rất khó khăn bởi con đường đất gập ghềnh và ít ánh sáng do bóng tre và các loại cây che phủ. Người làng vẫn đi lại rất khuya. Nhưng đến một ngày có chuyện đã xẩy ra. Đó là vào một đêm khuya, một người làng đi kéo vó tôm ngoài đầm trở về thì thấy tiếng khóc phía sau. Ông quay lại để xem ai và có chuyện gì nhưng không thấy bóng người nào. Thấy vậy, ông lại rảo bước về nhà. Khi ông đi được mấy bước, lại nghe thấy tiếng khóc và tiếng người nghe thật ai oán: “Giúp tôi với, giúp tôi với!”. Ông quay lại và nhận ra một vật tròn đen lăn lông lốc theo ông. Ông sững người rồi quát: “Đứa nào trêu chọc gì tao thế? Tao cho một gậy thì hết đời bây giờ”.

Từ cái vật tròn đen vẫn phát ra tiếng khóc và tiếng rên rỉ: “Giúp tôi với, giúp tôi với! Xin đưa tôi về nhà!”. Đến lúc đó, thì ông mới cảm thấy hơi lạnh tỏa ra từ cái vật đen tròn. Ông thực sự sợ hãi, vội quay đầu đi như chạy. Cái vật tròn đen cứ lăn theo ông, vừa lăn vừa khóc vừa gọi: “Giúp tôi với, giúp tôi với! Xin đưa tôi về nhà!”. Người đàn ông ù té chạy một mạch về nhà. Ông kể với người nhà và hàng xóm. Nhưng ai nghe xong cũng cười bảo ông thần hồn nát thần tính. Thường trong đêm tối người ta nghĩ đến có người đi đằng sau thì tự nhiên họ nghe thấy tiếng chân ai đó bước theo. Nhưng người đàn ông vốn là người hay đi kiếm cá đêm nên không phải là người sợ bóng tối. Ông tin chuyện kỳ dị đó là có thật.

Rồi một người đàn ông khác trong làng cũng gặp điều tương tự. Khi nhìn thấy cái vật tròn và đen đi theo ông vừa khóc vừa kêu: “Giúp tôi với, giúp tôi với! Xin đưa tôi về nhà!” thì người đàn ông này hỏi: “Mày là ai? Có chuyện gì mà kêu giúp?”. Cái vật tròn và đen lúc đó không lăn theo ông nữa mà lăn ngược trở lại. Vừa lăn vừa khóc và kêu giúp. Người đàn ông liều đi theo. Đến bên bờ ao, cái vật tròn và đen rơi xuống ao và mất tích. Người đàn ông mang chuyện đó kể cho những người trong làng nghe. Người làng gọi cái vật tròn và đen ấy là ma nồi chõ vì chắc nó to bằng cái chõ đồ xôi.

Sau hai người đàn ông ấy thì một số người làng khi đi đêm cũng lại gặp con ma nồi chõ lăn theo họ và vừa khóc vừa kêu giúp như thế. Người nào càng bỏ chạy thì con ma nồi chõ càng đuổi theo. Có người sợ quá ngã xuống ngất đi. Có người cứng vía thì dừng lại và hỏi to như quát. Thế là con ma nỗi chõ lại lăn ngược lại về phía bờ ao rồi rơi tùm xuống ao và biến mất. Sau tất cả những câu chuyện ấy, người làng tôi phát hiện ra một điều là chưa bao giờ họ nghe chuyện một hồn ma cứ đi theo người sống và xin giúp đỡ. Thường là những hồn ma hiện ra dọa nạt người sống hoặc quấy phá gì đó.

Một điều lạ là con ma nồi chõ này cứ nói như van xin với người sống là “Xin đưa tôi về nhà!”. Vậy thì nhà con ma kỳ dị ấy ở đâu? Sao con ma ấy lại không giống những con ma khác ít nhất cũng có hình thù của người chỉ khác là mặt xanh hoặc trắng, đầu trọc lốc hoặc xõa tóc như người tâm thần, mắt đen ngòm và lưỡi đỏ như máu hoặc răng như răng bừa... mà chỉ là một vật tròn và đen? Những câu hỏi như thế luôn luôn được người làng đặt ra khi họ ngồi bàn tán với nhau. Đã có câu hỏi thì thế nào cũng phải có câu trả lời. Mà mọi điều trong cuộc sống đông tây kim cổ sớm hay muộn đều có câu trả lời. Cuối cùng người làng tôi cũng tìm được câu trả lời về con ma nồi chõ ấy.

Khi quân đội Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Một số vùng đã bị máy bay quân đội Pháp ném bom. Làng tôi là một làng bị máy bay Pháp ném bom hai lần. Một số người làng đã chết vì bom giặc Pháp. Có những người bị bom xé tan thây. Gia đình người xấu số phải đi gom từng mảnh thi thể để chôn cất. Có một chuyện còn đau thương hơn mọi đau thương: Một người đàn ông làng tôi bị mảnh bom cắt phăng mất đầu và bay đi đâu đó mất.

Gia đình người xấu số đó đã tìm mọi nơi mà không thấy cái đầu của ông. Họ phải mai táng ông mà không có đầu. Những người sống đau đớn và thương cảm đến nhường nào với người chết mà khi chôn chẳng có đầu chôn theo thân. Khi nhớ lại câu chuyện về người đàn ông chết bom không tìm thấy đầu thì những người trong làng nghĩ đến con ma nồi chõ. Họ chợt hiểu ra rằng: Có thể con ma nồi chõ đó chính là hồn ma của cái đầu của người đã chết. Chính vì thế mà hồn ma kêu khóc và nhờ những người sống giúp đỡ.

Hồn ma năn nỉ đau đớn: “Xin đưa tôi về nhà!” nghĩa là đưa cái đầu ấy trở về với cái thân của mình. Khi suy đoán như vậy, người làng tôi tìm đến chiếc ao mà con ma nồi chõ vẫn lăn đến đó và rơi xuống ao rồi im lặng. Lúc đó chiếc ao đang trồng rau cần. Ở một góc ao có một đám rau cần tốt tươi hơn cả, xanh um cả một vòm. Gia đình của người đàn ông chết mất đầu lội xuống ao nhổ đám rau cần đó lên và đào sâu xuống. Và thật kinh ngạc, họ tìm thấy một cái đầu lâu. Đó chính là cái đầu của người đàn ông bị bom giặc Pháp giết.

Gia đình vội mang nước ngũ vị đến rửa sạch cái đầu lâu rồi bọc vào miếng vải điều. Họ thắp hương khấn vái rồi đưa chiếc đầu lâu ra phần mộ của người đàn ông, làm lễ và mở chiếc chiếc quan tài mai táng người đàn ông và đặt chiếc đầu lâu vào đó.

Từ ngày đó cho đến tận bây giờ, không một ai ở làng tôi đi đêm còn gặp con ma nồi chõ lăn theo vừa khóc vừa xin giúp nữa. Đến lúc đó, gia đình nạn nhân và người làng tôi mới hoàn toàn tin cái đầu đó là của người đàn ông chết bom không tìm thấy đầu. Họ cũng hoàn toàn tin hồn ma hiện ra mà họ gọi ma nồi chõ là hồn của người đàn ông bị bom Pháp giết chết đã hiện về chỉ cho người làng tôi cái đầu của ông ở đâu.

Hồi còn nhỏ, khi nghe bà và mẹ tôi kể câu chuyện ma nồi chõ, anh chị em tôi chỉ sống trong một cảm giác vừa bị kích động trí tò mò vừa sợ hãi. Nhiều ngày mới chập tối anh chị em tôi chẳng mấy ai dám ra khỏi bậc cửa vì sợ ma nồi chõ đuổi theo. Nhưng sau này khi đã trưởng thành, nhiều khi nghĩ lại câu chuyện ma đó, lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn vô hạn và cũng hiểu rằng: Sự sống đã hiện hiện trên thế gian này sẽ chẳng bao giờ mất đi. Cái chết chỉ là sự kết thúc của vật chất, đó là thân xác chúng ta, còn tinh thần của sự sống ấy mãi mãi còn. Chỉ có điều chúng ta có nhận ra sự tồn tại của tinh thần ấy hay không mà thôi.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top