Aa

Tiết lộ đường đi của “nước Sông Đà” vào nhà máy nước sạch

Thứ Ba, 22/10/2019 - 14:36

Trước khi nguồn nước sông Đà đến khu xử lý của nhà máy, “dòng Đà Giang” sẽ phải vượt chặng đường 3,3km kênh dẫn nước tự chảy, trong đó có 2,5km lộ thiên và sau đó hòa vào các nguồn nước khác trong hồ Đầm Bài.

Nhà máy nước sạch có lấy nguồn nước sông Đà không?

Không phải đến thời điểm này, dự án Nhà máy nước Sông Đà do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đầu tư mới được truyền thông, dư luận nhắc đến. Vào những năm đầu Thế kỷ 21, công trình này được coi là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, cũng như giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân Hà Nội.

Được biết, dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà khởi công xây dựng từ những năm 2005. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, với công suất thiết kế 600.000m3/ngày đêm. Quy mô xây dựng nhà máy gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 công suất 300.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 công suất 300.000 m3/ngày đêm. Đường tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch sông Đà về đến Hà Nội có chiều dài 47,5km.

Nhắc đến Nhà máy nước sạch sông Đà, nhiều người nghĩ rằng nguồn nước để sản xuất nước sạch 100% là nước sông Đà. Thực tế có đúng là như vậy hay không? 

Quá trình sản xuất nước sạch, Viwasupco có lấy nguồn nước mặt sông Đà. Khu vực này nằm ở phía hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, thuộc địa phận xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). 

Cụ thể, một kênh tự chảy dài khoảng 3,3 km dẫn nước từ sông Đà đến trạm bơm nước sông của nhà máy. Kênh nước sạch này chảy trên địa phận xã Hợp Thành và có đến 2,5 km là đường kênh lộ thiên. Từ trạm bơm nước sông Đà, nước được bơm từ kênh dẫn lên hồ Đầm Bài. Trạm bơm này có công suất thiết kế 345.600 m3/ngày đêm. Nước sau khi bơm lên hồ Đầm Bài sẽ có chức năng sơ lắng và cũng để phục vụ tưới cho các xã xung quanh.

Từ hồ Đầm Bài, sẽ có trạm bơm nguồn nước từ hồ lên kênh dẫn dài 500m và đến khu xử lý của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sau quá trình này, nước sẽ chảy ra bể trung gian để đẩy vào tuyến ống truyền tải nước sạch. Cuối cùng, mạng lưới được phân phối vào nội thành Hà Nội thông qua trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ.

Một điểm đáng chú ý, hồ Đầm Bài có diện tích rộng 69ha, diện tích lưu vực lớn khoảng 16km2. Nguồn nước dẫn vào hồ Đầm Bài không chỉ có nước sông Đà được Viwasupco bơm vào, mà còn có nhiều con suối nhỏ chảy vào đây. 

Đáng nói, nguồn nước khác (từ các dòng suối) chảy về hồ Đầm Bài lại nằm tiệm cận với trạm bơm nguồn nước từ hồ lên kênh dẫn dài 500m và đến khu xử lý của nhà máy, thuộc xóm Vật Lại. Còn vị trí nước sông Đà được bơm lên từ kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài (chu vi hồ khoảng 1,5km) thuộc địa phận xóm Đồng Bài, xã Phú Minh. 

Lo ngại nguồn nước sản xuất nước sạch bị ô nhiễm!

Đường đi của “dòng Đà Giang” đến với Nhà máy nước sạch sông Đà được nhiều chuyên gia đánh giá là có tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, nếu nhìn vào toàn cảnh việc sản xuất nước sạch của Viwasupco, có thể thấy lỗ hổng lớn nhất chính là khâu kênh dẫn nước từ sông Đà đến trạm bơm để dẫn lên hồ Đồng Bài. Bởi vì, kênh nước sạch dẫn nước từ sông Đà vào trạm bơm nước sông sẽ phải vượt qua phần lớn chặng đường là lộ thiên (khoảng 2,5 km lộ thiên trong tổng chiều dài 3,3km).

Theo ông Nguyễn Văn Mậu - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn) cho biết, Viwasupco đặt trạm bơm đẩy nước từ sông Đà qua đoạn kênh nước sạch dài hơn 3km về nhà máy xử lý để cấp nước cho Thủ đô Hà Nội.

Hai bên kênh nước sạch là khu vực sản xuất nông nghiệp của bà con, khoảng 500m là có dân sinh sống. Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chắc chắn sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng nguồn nước sạch lộ thiên. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, việc ảnh hưởng đến đường kênh dẫn nguồn nước sông Đà là không đáng kể. 

“Kênh nước sạch sâu, xung quanh có đê cao súc vật không xuống được, người dân không sử dụng nước sạch này để sản xuất, hệ thống kênh mương nội đồng tách biệt, không liên quan đến kênh nước sạch”, ông Mậu khẳng định.

Dù vậy, những lo ngại về nguồn nước sông Đà dẫn qua kênh vào trạm bơm nước sông của Viwasupco không phải là không có cơ sở, đặc biệt là sau vụ đổ trộm dầu thải hôm 8/10/2019. Về vấn đề này, tỉnh Hoà Bình cũng đã yêu cầu Viwasupco thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước, trong đó có việc sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy xử lý nước sạch.

Tỉnh cũng đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Ngoài ra, Viwasupco cũng cần có thêm phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời với sự cố. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, công ty phải ngừng sản xuất ngay và báo cáo với cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. 

Ngoài vấn đề lo ngại trên, hồ Đầm Bài có diện tích rộng 69ha cũng lấy nước từ nhiều suối nhỏ chạy dọc các khu dân cư, vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về hồ. 

Ông Nguyễn Trọng Lê - Chủ tịch UBND xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn) cho biết, quanh các suối chảy về hồ Đầm Bài hiện có khoảng hơn 100 hộ dân các xã: Yên Quang, Phú Minh, Hợp Thành sinh sống. 

Tính riêng xã Phú Minh có 46 hộ dân xóm Vật Lại sinh sống, hơn 100 nhân khẩu. Xóm Chằm Cun thuộc xã Yên Quang, trực tiếp liên quan đến suối Chằm Cun chảy về suối Trầm ra hồ Đầm Bài thì đông dân sinh sống. 

"Hồ Đầm Bài hiện có 2 suối chính chảy vào là suối Vật Lại (điểm xuất phát từ suối Chằm Cun đến suối Trầm) và suối Hém (xóm Vật Lại, xã Phú Minh) chảy xuống hồ Đầm Bài. Hai suối trên đều là các suối có lượng nước lớn cạnh khu dân cư thì mọi sinh hoạt, rác thải, chăn nuôi khi mùa mưa chắc chắn sẽ chảy ra 2 suối rồi về hồ Đầm Bài…", ông Lê thông tin. 

Dưới đây Reatimes tái hiện chặng đường vất vả của "dòng Đà Giang" đến với Nhà máy nước sạch sông Đà:

Viwasupco có lấy nguồn nước mặt sông Đà dẫn vào hồ Đầm Bài để sản xuất nước sạch. Vị trí này nằm ở phía hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, thuộc địa phận xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Tuy nhiên, hồ Đầm Bài hiện cũng có 2 suối chính chảy vào là suối Vật Lại (điểm xuất phát từ suối Chằm Cun đến suối Trầm) và suối Hém, xóm Vật Lại, xã Phú Minh. (Ảnh: N.Tiến)

Kênh tự chảy dài khoảng 3,3 km dẫn nước sông Đà đến trạm bơm nước sông của nhà máy. Kênh nước sạch này chảy trên địa phận xã Hợp Thành và có đến 2,5 km là đường kênh lộ thiên. Hai bên kênh nước sạch là khu vực sản xuất nông nghiệp của nhân dân, khoảng 500m là có dân sinh sống. Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng nguồn nước sạch lộ thiên. (Ảnh: N.Tiến)

Sau quá trình vượt qua con kênh với quãng đường 3,3 km (2,5 km là đường kênh lộ thiên), dòng nước sông Đà được bơm vào hồ Đàm Bài. Trạm bơm có công suất thiết kế 345.600 m3/ngày đêm. (Ảnh: N.Tiến)

Từ trạm bơm nước sông Đà, nước được bơm thường xuyên từ kênh dẫn nước lên hồ Đầm Bài. Tuy nhiên, không chỉ có nguồn nước sông Đà mà hồ Đầm Bài có diện tích rộng (69 ha), diện tích lưu vực lớn (16 km2) còn nhiều con suối nhỏ chạy dọc các khu dân cư dẫn nước vào hồ. Vì thế việc bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về hồ gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: N.Tiến)

Công trình hồ Đầm Bài được xây dựng năm 1994, đưa vào sử dụng năm 1998. Ban đầu, hồ tưới tiêu cho 500ha lúa và hoa màu của ba xã Phú Minh, Hợp Thịnh, Hợp Thành của huyện Kỳ Sơn. Năm 2005, hồ thêm nhiệm vụ chứa nước và bể sơ lắng cho dự án cấp nước sinh hoạt của TP. Hà Nội, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Từ hồ Đầm Bài, sẽ có trạm bơm dẫn nguồn nước hồ lên kênh dẫn dài 500m đến khu xử lý của nhà máy nước sạch sông Đà. (Ảnh: N.Tiến)

Sau khi nước từ hồ Đầm Bài được bơm vào kênh dẫn dài 500m sẽ đến khu xử lý của nhà máy nước sạch sông Đà. Khu xử lý nằm trong khu vực của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà sẽ có 6 công đoạn. Sau quá trình này, nước sẽ chảy ra bể trung gian để đẩy vào truyến ống truyền tải nước sạch. Mạng lưới được phân phối vào nội thành Hà Nội thông qua trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ. (Ảnh: N.Tiến)


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top