Aa

Tìm giải pháp tối ưu cho Tòa nhà số 8B Lê Trực, Kỳ 2: Bài học từ các cụ xưa để lại!

Thứ Tư, 15/02/2017 - 07:13

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, lỗi đầu tiên chắc chắn thuộc về nhà đầu tư. Cho dù nhận thức sơ đẳng nhất, ai cũng hiểu cái giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền là một văn bản có giá trị pháp lý như thế nào. Thế nhưng, hơn 6.000m2 sàn dôi ra kia nó to quá, tạo ra một khoản lợi nhuận lớn quá, một ma lực mạnh mẽ quá, khiến ai nhắc đến nó, tim không khỏi đập mạnh.

Tòa nhà xây sai phép 8B Lê Trực.

Tòa nhà xây sai phép 8B Lê Trực.

Nghe nói, giá một mét vuông nhà ở đây trên dưới 70 triệu đồng, 100m2 là 7 tỷ, 1.000m2 là 70 tỷ, 6.000m2 là 420 tỷ. Cho dù có phải “đi đêm” 1/4 số đó để kiếm “gậy chống lưng” thì số tiền còn lại vẫn... hoa cả mắt.

Tiếp nữa là đến lỗi của các cơ quan quản lý. Nhiều người dân nói rằng, khi làm nhà, họ chỉ làm nhô ra một cái mái che, hoặc như đặt một cái container làm nhà tạm trong vườn như vụ quán cafe Xin Chào thôi là đã bị các cơ quan thẩm quyền cho “lên bờ xuống ruộng” rồi. Vậy mà một dự án lừng lững, ngay trung tâm Thủ đô, vi phạm khủng như thế cả một thời gian dài cho đến khi “gạo đã nấu thành cơm”, hẳn là vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Các cụ xưa nói: “Luật pháp bất vị thân”, TP. Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các phần công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc… đảm bảo theo đúng giấy phép xây dựng được cấp. 

Thế nhưng đến nay, sự việc có vẻ phức tạp hơn nhiều so với mong muốn.

Thứ nhất, tầng 19 vi phạm đã tháo dỡ xong, đến phần giật cấp phải xử lý thì đến nay, không ai dám đứng ra bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình về trước mắt cũng như lâu dài. Và kể cả giả định đã xử lý phần giật cấp xong thì phần chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng độ cao của các tầng, khiến tổng chiều cao công trình tăng cả chục mét so với giấy phép, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn... vô kế xử lý. Như vậy, nghe chừng mục tiêu xử lý “triệt để các sai phạm” muôn phần nan giải.

Thứ hai, nay xử lý công trình vi phạm này, vậy những công trình đã vi phạm khác, Hà Nội có tiến hành “xử lý kiên quyết, triệt để” không? Xin nêu một trong hàng chục ví dụ có thể nêu, theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tại Tòa nhà hỗn hợp VP 6 Hoàng Liệt, quy hoạch được phê duyệt Tòa nhà cao 25 tầng +2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã tiến hành xây dựng lên tới 35 tầng +1 tầng mái + 1 tầng hầm (xây dựng vượt 10 tầng so với quy hoạch được phê duyệt).

Về diện tích tầng hầm, theo quy hoạch được phê duyệt là 4.941m2, tuy nhiên tại bản vẽ thiết kế thi công chỉ có 2.637,4m2 (giảm 2.304m2). Diện tích xây dựng, quy hoạch được phê duyệt là 1.170 m2, trong khi bản vẽ thiết kế thi công khoảng 1.800m2 (tăng gần 700m2). Một sai phạm khủng không thua gì Tòa 8B Lê Trực!

Thứ ba, để xảy ra tình trạng “nhờn phép nước” trong lĩnh vực xây dựng như hiện nay chắc chắn không thể hoàn toàn đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp, mà một nguyên nhân rất quan trọng là sự yếu kém của bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Vì thế, việc tìm một giải pháp ít xấu nhất cho các lỗi lầm đã qua và có những định chế nhằm ngăn chặn những sai lầm trong tương lai là một việc các bên liên quan phải cùng chia sẻ và cùng phải làm.

Suy cho cùng, mọi tài sản trên đất nước Việt Nam đều thuộc về nhân dân, về Tổ quốc. Các cụ xưa nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luật pháp nghiêm minh nhưng cũng rất nhân đạo, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”...

Phạt thật nặng cao hơn giá trị vi phạm có lẽ là phương án cần nghĩ đến, bởi đất nước còn nghèo, phá đi cái gì cũng tiếc. Mà làm như vậy, tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật vẫn được thể hiện và duy trì.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top