Aa

Tima kiếm lời từ các "chủ nợ"?

Thứ Tư, 24/04/2019 - 22:01

Tưởng rằng khi người vay phải chịu lãi cắt cổ thì người đầu tư dưới dạng cho vay sẽ được hưởng lợi nhuận cao tương ứng. Nhưng dường như những gì có lợi nhất đều “đi lòng vòng” để về với Tima?

 

2 tuần “biếu không” Tima gần 4 triệu

Sau hành trình đi vay tiền ở Tima như trong bài viết Tôi thành "con nợ" của Tima, sau đó 2 tuần, tôi đã tiến hành tất toán khoản vay của mình. Theo đó, việc tất toán cho đến thời điểm hiện tại, tôi phải nộp số tiền gần 28.000.000 đồng.

Liên hệ với tổng đài của Tima, tôi được nhân viên trực tổng đài cho biết, số tiền gốc phải trả cho đơn vị này là 25.000.000 đồng. Kèm theo đó là khoản tiền bị phạt do tôi phá vỡ hợp đồng là gần 3.000.000 đồng nữa.

Cũng theo hướng dẫn của nhân viên tổng đài, giao dịch của tôi sẽ được thực hiện theo mã hàng giao dịch để thực hiện chuyển khoản qua các số tài khoản nằm trên card mà tôi - “con nợ” của Tima đã được nhận trước đó.

Sau khi nhận thông báo từ tin nhắn tổng đài của Tima về số tiền phải hoàn trả lại cho phía Tima gồm gốc, lãi và phí phạt thì tôi sẽ phải thực hiện hoàn trả qua tài khoản cá nhân với “cú pháp”: “họ tên khách hàng + số chứng minh nhân dân hoặc số điện thoại đã đăng ký thực hiện vay”.

Khi giao dịch hoàn trả thành công, nhân viên tổng đài Tima cho biết, phía Tima sẽ chủ động báo lại khi nhận được tiền chuyển khoản tất toán hợp đồng vay của tôi. Lúc đó, tôi tiếp tục nhận được thông báo xác minh tình trạng hợp đồng vay đã được đóng.

Nhưng dù tôi đã cố chuyển khoản cùng hệ thống ngân hàng Vietcombank với mong muốn sớm nhận được xác minh đóng hợp đồng vay của Tima để chấm dứt chuỗi ngày làm con nợ với mức lãi suất “cắt cổ”.

Tuy nhiên, sau gần 01 ngày không thấy hồi âm từ phía Tima, tôi đã chủ động liên hệ lại rất nhiều lần thì mới được biết khoản vay này đã được tất toán xong, đồng thời lúc này tôi mới được thông báo là hợp đồng kết thúc.

Không giống như khi đi vay, tôi có được một "thỏa thuận hợp tác tài chính" (ghi "nguyện vọng vay 30.000.000 đồng" và chỉ có chữ ký xác minh của tôi, nhưng không có xác nhận của phía Tima), thì đến khi tất toán hợp đồng thậm chí tôi còn không được nhận bất cứ một giấy tờ nào để chứng minh mình đã trả đủ nợ.

Các số tài khoản khách hàng phải đóng tiền cho Tima.

Các số tài khoản khách hàng phải đóng tiền cho Tima.

Nếu một ngày nào đó, phía Tima “thò” ra xác minh đã vay của tôi để đòi nợ lần nữa thì tôi biết cãi đường nào vì phía tôi không có giấy trắng mực đen xác minh như phía Tima? Thậm chí nếu chẳng may sàn giao dịch cho vay của Tima cũng tự nhiên bị mất dữ liệu thì biết đâu tôi – sẽ trở thành "con nợ" của Tima mãi mãi?

Cùng cảnh ngộ giống tôi, một số khách hàng vì cần tiền cũng đã ngậm ngùi cắm sổ đỏ để vay Tima, tuy nhiên do thế chấp bằng giấy tờ có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay nên với những hợp đồng – đơn hàng này sẽ được Tima tiếp đãi nhiệt tình hơn. Tuy nhiên, với mức lãi, phí phạt và nhiều thủ tục khác nữa thì những khách hàng đi vay bằng tài sản đảm bảo vẫn phải chịu mất số tiền mà khi quy đổi ra % lãi chẳng khác lãi tôi đã từng phải trả cho Tima tính ra trên 60%.

Bên cạnh đó, qua câu chuyện đi vay của tôi đã cho thấy nhiều vấn đề đáng báo động về tình trạng hoạt động của sàn kết nối tài chính lớn nhất Việt Nam – tima.vn.

Thứ nhất, Tima chỉ là sàn kết nối tài chính nghĩa là chỉ được phép môi giới cho khách hàng có nhu cầu vay và cho vay giao dịch nhưng tại sao trong hợp đồng cho vay nguồn tiền xuất cho khách cũng như nguồn tiền tất toán nhập về đều có tên hưởng thụ là Tập đoàn Tima.

Thứ hai, có thể Tima có thế mạnh về công nghệ tiếp cận khách hàng và được hưởng lợi từ việc pháp luật tại Việt Nam chưa có quy định ràng buộc cho mô hình hoạt động của Tima. Tuy nhiên, theo thực tế mà chúng tôi thu thập được qua quá trình đóng vai đi vay và cho vay ở Tima cho thấy cách tính mọi chi phí để quy về lãi của Tima đang bỏ xa quá nhiều khoảng cách khi so với các tổ chức tín dụng.

Đây chính là kẻ hở trong hoạt động tín dụng để Tima ký sinh nhưng đây cũng chính là báo động cấp thiết về vấn đề Kiểm soát an ninh tiền tệ của Ngân hàng nhà nước đã bị tuột khỏi tầm tay vì không có luật quy định cho mô hình vay này.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải ra tay để dẹp bỏ mô hình cho vay vừa không được cấp phép vừa có cơ hội lợi dụng kẻ hở pháp luật để trục lợi.

Bởi trong vấn đề lãi suất của Tima không chỉ người dân chịu bất công mà ngay cả các tổ chức tín dụng cũng vấp phải đối thủ không cân sức. Bởi tổ chức tín dụng cho vay có quy định và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng còn Tima thì 0.

Tham gia cho Tima vay cũng mập mờ không kém?

Trong vai một khách hàng có nhu cầu tham gia cho vay qua sàn giao dịch Tima, chúng tôi lại được một nữ nhân viên tiếp đón qua lời chào thân thiện qua điện thoại. Sau khi trình bày có nhu cầu muốn đầu tư một khoản tiền không nhỏ để cho vay, nữ nhân viên này cho biết, phía Tima có hai hình thức đầu tư.

Dù có biến thành

Dù có biến thành "con nợ" thì Tima vẫn có lãi.

Hình thức thứ nhất là Ủy quyền cho Tima hay còn đựơc hiểu là dịch vụ “trọn gói”. Nếu đồng ý, tôi chỉ cần đăng ký số tiền muốn đầu tư thì sẽ được tư vấn chăm sóc tận “chân răng” với lãi suất thỏa thuận là 18%/năm. Với hình thức này, tôi có thể nhận lãi thông qua tài khoản do mình cung cấp hằng tháng hoặc hằng năm, còn lại mọi việc đã có Tima lo liệu.

Hình thức thứ hai là Tima sẽ mở cho tôi một mã giao dịch trên sàn giao dịch Tima.vn với mức lãi suất do tôi tự đưa ra và được cập nhập trên hệ thống. Tuy nhiên, số tiền và lãi suất là do tôi và bên khách vay nhờ phía Tima kết nối qua sàn thỏa thuận.

Ở hình thức này Tima chỉ thu phí dịch vụ giao dịch qua sàn Tima.vn từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng trên mỗi một đơn hàng giao dịch của người cho vay và được vay thành công. Tất cả mọi thao tác giao dịch buộc phải thực hiện trên hệ thống online của website tima.vn.

Sau một hồi tư vấn, tôi lại được nhân viên Tima hẹn một cuộc điện thoại khác để tìm hiểu rõ hơn về thông tin khách hàng rồi sẽ thực hiện quy trình ký hợp đồng. Tuy nhiên sau hẹn mấy ngày nhưng tôi chờ mãi mà vẫn không thấy Tima liên hệ lại. 

Vì Tima không cần đến tiền của các nhà đầu tư? Hay Tima thừa hiểu với vai trò là người kết nối cho hai bên vay và cho vay thông qua trên sàn thì Tima chẳng có lợi lộc gì ngoài mấy chục nghìn đồng tiền phí mỗi lượt nên “bỏ qua” nhà đầu tư là tôi. Thậm chí dù có biến thành "con nợ" thì Tima vẫn có lãi bởi tôi cho Tima vay thì lãi tôi nhận được có 18%/năm, nhưng Tima cho tôi vay thì lãi lên đến 60%/năm. Đây cũng có thể là cái cớ để Tima muốn chứng minh mình là sàn kết nối tài chính chứ không phải tổ chức vay và cho vay nhằm qua mặt cơ quan chức năng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top