Aa

Tin giả, nguy hại thật

Thứ Năm, 09/01/2020 - 10:39

Về bản chất, thì "tin giả" không có gì mới trong đời sống xã hội. Từ xưa, tin đồn thất thiệt đã được coi là nguồn gây hại lớn. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa làm được gì nhiều để thoát khỏi mối nguy hại này.

Cảnh sát Acmenia bắt khẩn cấp một người đưa tin lên mạng xã hội về chuyện Thủ tướng Acmenia đã gửi điện chúc mừng Mỹ tiêu diệt được tướng Soleimani của Iran. Vào thời điểm vừa rồi, tin đó lan truyền như điện và khiến mạng xã hội ở nước này xôn xao.

Đó là một tin giả. Và để hiểu sự nguy hiểm của nó, cần biết đôi điều về Acmenia.

Đó là một nước nhỏ (từng là nước cộng hòa ít dân nhất trong Liên bang Xô viết trước đây). Các nước xung quanh là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Azecbaijan - đều là những quốc gia Hồi giáo. Phía Bắc giáp Gruzia, là quốc gia theo Thiên Chúa giáo. Nước Nga là quốc gia trong lịch sử thường hậu thuẫn cho Acmenia lại bị ngăn cách bởi Gruzia, nước đang có quan hệ căng thẳng với Nga. Với Thổ Nhĩ Kỳ và Azecbaijan, Acmenia giờ chưa bình thường quan hệ.

Ở một vị trí như thế, Acmenia phải rất khéo léo để cân bằng trong quan hệ với các quốc gia Hồi giáo, mà Iran là một đế chế lớn. Acmenia cũng phải cân bằng quan hệ với một bên là Nga, bên kia là các nước phương Tây.

Tin giả nói ở trên vào thời điểm này sẽ kích hoạt một làn sóng dư luận trong nước Acmenia và theo kiểu nào cũng sẽ vô cùng có hại về chính trị.

Tin giả trên môi trường mạng ở cấp độ chính trị như thế này có thể gây hại khôn lường. Nhưng ở các cấp độ khác thì sao?

Con đường lan truyền của tin đồn.

Các tin giả nhiều hơn thuộc lĩnh vực kinh tế. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thường rất dễ bị tổn thương bởi các tin giả. Giá cổ phiếu của họ ngay lập tức bị đẩy rơi xuống có khi chỉ vì một tin đồn. Dĩ nhiên người ta sau đó có thể chứng minh được đó là tin thất thiệt. Nhưng như người ta nói "Chờ được vạ, má đã sưng". Một thống kê cho thấy mỗi năm các tổ chức kinh tế trên toàn cầu thiệt hại trên 70 tỷ USD vì các tin giả.

Các chính phủ là những thể chế đầy quyền lực. Cho nên kẻ tung tin giả như kẻ ở Acmenia bị cho vào nhà giam ngay. Tất nhiên phức tạp hơn khi tin giả tung ra từ nước ngoài. Nhưng các chính phủ có trong tay bộ máy thông tin và các kênh để phản ứng. 

Các tổ chức kinh tế có thể không có quyền lực lớn như vậy, nhưng họ cũng có tiềm lực để tự bảo vệ, bác bỏ và đòi công lý.

Câu chuyện có khác ở cấp độ tin giả đối với cá nhân.

Về luật pháp mà nói, thì nếu tung tin bôi xấu, xúc phạm cá nhân, sẽ bị xử lý đích đáng. Nhưng đó là trên lý thuyết. Đa số các hành vi bôi xấu bằng thông tin giả đối với các cá nhân đều bị bỏ qua. Tất nhiên ở mỗi nước thì có khác. Nhưng rất khó khăn để mỗi vụ việc đều "làm ra nhẽ". Mất rất nhiều thời gian, công sức và đơn giản có thể là làm không xuể.

Nếu nói về bản chất thì chuyện "tin giả" không có gì là mới trong đời sống xã hội. Từ xa xưa tin đồn thất thiệt đã được coi như một nguồn gây hại lớn. Tuy nhiên nhiều thế kỷ đã trôi qua nhưng xã hội chưa làm gì nhiều được để thoát khỏi mối nguy hại này.

Các tin giả có thể được sản xuất và tung ra có chủ ý. Như trường hợp kẻ tung tin ở Acmenia nói ở trên. Nhưng một tỷ lệ rất lớn tin giả có nguồn gốc khác. Nó là sự biến dạng dần dần của các nguồn tin không chính xác lúc đầu, không có ác ý. Nó thành thông tin tai hại kiểu như một cục tuyết càng lăn càng lớn lên một cách tự nhiên.

Để đối phó với tin giả, bản chất là sự bịa đặt xuyên tạc có chủ ý, thì công cụ luật pháp là chính. Nhưng để đối phó với tin giả "không có động cơ ác độc từ đầu" thì cần văn hóa tiếp nhận thông tin đủ trưởng thành để có thể miễn nhiễm. Vì như đã nói trên, khó có thể xử lý theo pháp luật cái biển các hành vi "đồn nhảm" mỗi ngày. Nhưng nếu đông đảo mọi người có tư duy và thói quen không theo đuôi các kiểu "đồn đại", thì khi đó những kiểu xuyên tạc, xúc phạm, bôi xấu sẽ không dễ lan truyền.

Đó chắc chắn là vấn đề tư duy.

Có một lần, tôi có dịp vào một khu làm việc của một ngân hàng đa quốc gia ở phương Tây. Một số lượng nhân viên rất đông làm việc. Góc mỗi tầng có một nơi để tự pha cà phê, ăn nhẹ. Như chỗ thư giãn chung của nhân viên. Tôi đọc thấy một "khẩu hiệu" viết găm trên tường: "Đừng nhìn vào cá nhân con người, mà hãy nhìn vào sự việc". Thông điệp rõ ràng: Không nên đánh giá hay nghe theo đánh giá của người khác về cá nhân ai đó. Hãy căn cứ vào sự việc. Nếu có sự việc thì mới có cơ sở nói về cá nhân ai đó. Sự việc không có, chưa rõ, chưa được xác minh, thì chưa có đánh giá.

Tôi nghĩ đó là văn hóa.

Cũng như thế, ở bình độ lớn hơn là cuộc sống cộng đồng và xã hội, nếu người ta có thói quen lấy sự việc làm gốc, thì tin đồn khó có tác động nhiều.

Phải rất nhiều thời gian mới xây dựng được một cách sàng lọc thông tin lý tính như thế. Nhưng có lẽ đó là con đường tất yếu, là cái sẽ chuyển biến trong cuộc sống hiện đại.

Khi nào chúng ta bỏ được thói quen phản ứng kiểu "Ô thế à!", "Ghê quá nhỉ", mà khi tiếp nhận thông tin, cái đầu tiên xuất hiện trong đầu là câu hỏi: "Sự việc thế nào?", "Có gì để chứng minh?" - Khi đó chúng ta mới ít bị dẫn dụ bởi tin giả và các đồn đại thất thiệt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top