Aa

“Tỉnh lại đi, một giây thôi!”

Thứ Năm, 15/12/2016 - 15:55

Nghe tin trên thế giới, người ta đang chuyển dịch ầm ầm sang đầu tư phát triển năng lượng sạch, trong khi nước mình lại ầm ầm nhập khẩu than đá về sản xuất điện, mà thấy hãi hãi, lo lo...

Hôm vừa rồi, Liên minh Năng lượng Đột phá (BEC), với các thành viên nổi tiếng thế giới, như Bill Gates, Mark Zuckerberg, George Soros và Richard Branson..., đã cam kết đóng góp 1 tỷ USD cho Quỹ đầu tư năng lượng sạch: Breakthrough Energy Ventures.

Rồi lại nghe mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng, 28% lượng điện năng của thế giới sẽ là năng lượng tái tạo trước năm 2021, tăng từ mức 23% hồi năm ngoái. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, năng lượng tái tạo gồm gió, điện mặt trời... đã vượt qua điện năng được sản xuất ra từ than đá trên toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm

Theo Bộ Công Thương, hiện nay có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. (Ảnh minh họa)

Lại các nguồn tin cho hay, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 500 nghìn tấm pin mặt trời được lắp đặt. Tại Trung Quốc, mỗi giờ có khoảng 2 tua bin gió được lắp đặt. Tác giả Shamshad Akhtar, Trợ lý cấp cao Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong năm 2015, các nước khu vực này đã đầu tư tổng cộng 160 tỷ USD cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng sạch...

Vậy mà trong cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây cho biết, hiện nay ở Việt Nam, công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại “phần bé như móng tay” là... năng lượng tái tạo (?!). Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Ngược hẳn với xu thế trên thế giới, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800 MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than mỗi năm, trong đó phần lớn là nhập khẩu(!?).

Trong hội thảo này, PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhận định:“Khi dự án điện hạt nhân được Chính phủ yêu cầu tạm dừng, thủy điện đã gần như khai thác hết các sông suối, nhiệt điện khí quá đắt đỏ thì nhiệt điện than được xem là giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Cùng với đó là sự cảnh báo về bài toán phát triển nhiệt điện và môi trường.

Cho dù độ lượng và có cái nhìn chia sẻ đến đâu chăng nữa thì vẫn phải khẳng định rằng, sản xuất điện từ than đá là “hạ sách” trong thời đại văn minh hiện nay, bởi sự ảnh hưởng của nó đến môi trường sống của con người, không chỉ hiện tại mà cả cho con cháu mai sau.

Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường?

Có nhiều ý kiến cho rằng đây là nhu cầu tất yếu về sự phát triển của nền kinh tế đất nước và là con đường duy nhất về điện năng, trong khi nước ta còn nghèo, không có điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), như điện gió, điện mặt trời...

Trong buổi chất vấn mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định rất rõ ràng, bằng mọi giá phải đảm bảo được cân đối cung cầu điện, nhất là nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống xã hội của nhân dân và đất nước nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng.

Ai cũng đã biết rằng tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21), Chính phủ Việt Nam đã cam kết trước quốc tế về việc giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng sẽ cam kết đóng góp 1.000.000USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020. 

Lời hứa này cũng chính là lời hứa của bậc cha anh hiện tại của đất nước về bảo vệ môi trường sống với các thế hệ mai sau, với những mục tiêu cao cả mà bao đời cha ông đã mong ước.

Vậy Việt Nam lấy gì để đảm bảo lời hứa khi lựa chọn duy nhất một con đường là đốt mỗi năm “khoảng 95 triệu tấn than” vào năm 2025?

Đến đây, có lẽ cũng nên nhắc lại lời cảnh báo cách đây ít lâu của TS. Đặng Đình Thống (Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam) rằng, Việt Nam phải thay đổi ngay lập tức cách tư duy về phát triển NLTT trước khi quá muộn.

Theo ông, từ nhiều chục năm nay, chúng ta đã có những đánh giá và định kiến không tốt đối với NLTT nói chung và điện NLTT nói riêng. Những định kiến phổ biến nhất bao gồm: một là NLTT quá đắt và do đó là các nguồn NL không kinh tế; hai là NLTT khó có thể trở thành nguồn NL thương mại vì khó có thể đáp ứng về công suất và chất lượng điện năng đối với các phụ tải lớn, phụ tải công nghiệp.

Thế nhưng hiện nay, các tiến bộ về khoa học – công nghệ đã và đang đảo ngược tình thế, và ở nhiều nước trên thế giới, chúng đã cạnh tranh ngang ngửa với nguồn điện từ năng lượng hóa thạch.

Nhân đây, xin nêu một nhận định đáng chú ý của các chuyên gia quốc tế rằng, dự kiến chi phí cho các tua bin gió lắp đặt ngoài biển sẽ giảm 15% từ nay tới năm 2021, và chi phí cho các tấm pin năng lượng mặt trời cũng sẽ giảm 25%.

Chẳng hạn, Vương quốc Dubai vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3 cent/kWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện.

Vì thế, xin có lời kêu gọi với các nhà hoạch định chính sách về phát triển năng lượng nước nhà rằng, hãy tĩnh tâm tỉnh lại, dù chỉ một giây thôi, để đặt câu hỏi: Liệu có sai lầm trong vấn đề này chăng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top