Aa

Tọa đàm Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0

Thứ Năm, 25/06/2020 - 07:58

Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức tọa đàm chủ đề: "Không gian sống trong đô thị hiện đại" - Số 02: Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0

Song hành với sự phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam, những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại đang hình thành ở các thành phố lớn. Nhu cầu về việc tạo lập những giá trị sống mới với những tiêu chuẩn về vật chất và tinh thần ngày một cao. Ngôi nhà đối với mỗi cư dân không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, đó phải là một không gian sống đầy đủ tiện ích, giao hòa với thiên nhiên để con người có thể nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng, là “chốn” ghi dấu những kỷ niệm trong cuộc đời.

Từ lý do trên, được sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại. Sau số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hưởng ứng của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và truyền thông.

Tiếp nối chuỗi Tọa đàm, để kiến tạo nên những không gian sống hiện đại, phải kể đến vai trò của kiến trúc và những giải pháp xây dựng, cốt lõi là những công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Do đó, với mong muốn tập trung đi sâu vào góc nhìn chuyên môn mang tính giải pháp, Tọa đàm số 02 sẽ có chủ đề: “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0”.

Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội vào ngày 25/6/2020, với sự tham dự của: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia về lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí - truyền hình.

Tọa đàm tập trung luận bàn về vai trò của việc ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào xây dựng, việc sử dụng những công nghệ và vật liệu mới để tạo nên không gian sống xanh và bền vững; phân tích những hạn chế và khoảng cách giữa doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn thiết kế thường xuyên gặp phải; từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, thu hẹp khoảng cách để doanh nghiệp và đơn vị tư vấn có thể thấu hiểu, đi đến sản phẩm cuối cùng ăn khớp, hoàn hảo nhất để tạo nên những dự án chung cư, khu đô thị đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân, nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn đến khách hàng.

Tiêu điểm sự kiện

    11:28

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan kết luận Toạ đàm

    Chú thích ảnh

    Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận. Thực ra còn rất nhiều những điều cần chia sẻ, nhưng chúng ta cũng đã phần nào bàn thảo và đưa ra hầu hết các vấn đề. Như chúng ta đều biết, ứng dụng công nghệ vào xây dựng và kiến trúc có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các đô thị cũng như dự án bất động sản trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay. Các chia sẻ đóng góp của quý chuyên gia ngày hôm nay chúng tôi sẽ ghi lại và lấy làm tư liệu để triển khai đề tài nghiên cứu về không gian sống trong đô thị hiện đại, để sau đó có thể kiến nghị lên cơ quan quản lý Nhà nước để có chính sách phù hợp cho vấn đề này. Một lần nữa rất cảm ơn các chuyên gia đã nhiệt tình chia sẻ.

    Xin trân trọng cảm ơn!

    Chú thích ảnh

    11:19

    TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận chia sẻ quan điểm

    Chú thích ảnh

    Trong quá trình thực thi dự án, chúng tôi thấy công nghệ mới thường xuyên được sử dụng, đó là các vật liệu xây dựng mới. Ví như xây các kè bê tông của các con sông thì có thể thấy việc thoát nước, hấp thụ ánh sáng mặt trời ra sao thì chúng tôi có đưa ra các phương án như kè mềm chứ không dùng kè bê tông, sử dụng vật liệu chống thấm.

    Hiện nay, trong các công trình nhà ở đều thấy quảng cáo rằng xanh, tiết kiệm năng lượng nhưng không lý giải rằng xanh như thế nào. Theo quan điểm của tôi, phát triển đô thị không nên dàn trải mà chỉ cần tập trung nguồn lực ứng dụng công nghệ, xây dựng các đô thị thông minh, giao thông thông minh để phát triển các đô thị sống động với các năng lượng xanh.

    Hiện nay, chúng ta sử dụng nhiều tiêu chí để đánh giá công trình xanh, nhưng các tiêu chí này không đồng nhất với nhau. Như vậy để thấy, các công nghệ sử dụng để đánh giá các công trình xanh cũng cần phải đưa vào một quy chuẩn và bắt buộc chủ đầu tư phải đưa vào ứng dụng trong các công trình và xây dựng các công trình theo các tiêu chí đó.

    11:18

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận

    Chú thích ảnh

    Thưa TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, như bà đã trình bày thì công nghệ mới đã trở thành xu hướng tất yếu trong ứng dụng xây dựng công trình cao tầng. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về việc ứng dụng công nghệ mới đã được cụ thể hóa như thế nào trong thi công các công trình cao tầng tại Việt Nam?

    11:6

    Ông Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ

    Chú thích ảnh

    Chúng tôi có cơ hội được làm các dự án liên quan đến câu chuyện đáng sống, xanh, bền vững và thông minh cho chính phủ Singapore. Câu chuyện ở đây là mục đích: Công trình xanh để làm gì, đáng sống để làm gì… Vấn đề của Singapore cơ bản gói gọn trong 3 điểm chính:

    Thứ nhất là về nước. Với tư cách là hòn đảo nhập khẩu 45% nguồn nước từ Malaysia. Để đạt kế hoạch đến năm 2065 sẽ tự túc về nước thì 70% Singapore hiện nay thu nước mưa tích trữ để dùng lại, vì thế đô thị phải xanh. Chính phủ đất nước này cũng đã có chương trình kiểm soát nguồn nước. Để làm được thì họ có làm một dự án 1 công viên, thực chất hiện nay là khoảng đất trống xanh, đặt ở vị trí chiến lược.

    Để phát triển đô thị tại vị trí chiến lược này - khu vực nằm trong 1 lưu vực quan trọng nhất của Singapore, vấn đề quan trọng là thoát nước bề mặt và chảy xuống hồ điều hòa của thành phố. Mục tiêu đặt ra là dự án 30ha, khi xây xong, lượng nước chảy ra từ dự án ấy phải tương đương với trước khi xây, vì thế chúng tôi phải làm rất nhiều thứ, áp dụng nhiều công nghệ. Đó là yếu tố xanh, xanh ở chỗ là nguồn nước được đảm bảo về chất lượng.

    Quy hoạch của chúng tôi thực hiện đã được Singapore chấp nhận nhưng triển khai thực tế cực khó vì áp dụng công nghệ thiên nhiên chứ không dùng hóa chất.

    Thứ hai là chúng tôi có được làm việc với IBM, Singapore đưa ra chương trình quốc gia thông minh. Họ định giải quyết 2 vấn đề cốt lõi: Một là con người - dân số già và hai là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế mở. 

    Công nghệ sẽ giải quyết 2 việc: Với người già là y tế tại nhà, y tế từ xa, có hệ thống báo động cấp cứu, chuyển khu đô thị thành nơi người già sống rất an tâm; với doanh nghiệp nhỏ và vừa là câu chuyện chung: Khi nền kinh tế càng toàn cầu hóa thì cơ hội của nhóm doanh nghiệp này càng nhỏ.

    Chúng tôi có đề xuất đưa ra platform mới về công nghệ để các doanh nghiệp cập nhật được data thị trường (đã bị độc chiếm bởi các tập đoàn lớn), thứ 2 là thông tin người dùng, chúng ta có điện thoại di động để tương tác trên platform để chia sẻ thông tin, thay cho việc nghiên cứu thị trường. 

    Trên đây là một vài mục đích dẫn dắt sự phát triển của Singapore.

    Qua đó để thấy, từ góc độ quốc gia, thành phố, nhà đầu tư cần quan tâm đến việc: Mục đích làm dự án đó là gì, khi không có mục đích thì không thể làm.

    11:5

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Đỗ Dũng

    Chú thích ảnh

    Nhân câu chuyện mà ông Đoàn Châu Phong chia sẻ thì chúng ta thấy rằng, trong một đô thị, dù có thông minh đến mấy thì quan trọng nhất là nó có nhân văn hay không, có hướng đến người sử dụng hay không? Và muốn có một thành phố thông minh, thành phố nhân văn, đô thị vị nhân sinh thì rõ ràng chúng ta cần những khu đô thị nhỏ, cần những tòa nhà mà ở trong đó có các nhà đầu tư nhân văn, nhà đầu tư vị nhân sinh cho đến các nhà tư vấn thiết kế, kiến trúc vị nhân sinh và chúng ta cũng cần cả những con người, cư dân sống tại đó là những con người nhân văn. Làm sao để hài hòa tất cả những câu chuyện đó là một điều rất hay.

    Với kinh nghiệm công tác tại Singapore - quốc gia điển hình trong việc ứng dụng công nghệ phát triển đô thị xanh và bền vững, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của Singapore đã áp dụng để tạo ra một khu đô thị đáng sống?

    11:2

    Chuyên gia CTX Vũ Hồng Phong chia sẻ

    Chú thích ảnh

    Công trình xanh là xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam. Đứng đằng sau lowtech thì giá trị chất xám của kiến trúc là cực cao, phải nghiên cứu về môi trường, khả năng ứng dụng để đưa vào các công trình.

    Đối với công trình xanh, chúng tôi đề cao ứng dụng thụ động bởi, để tiết kiệm được tài nguyên năng lượng thì đầu tiên chúng ta phải giảm được nhu cầu sử dụng. Khi chúng ta có giải pháp ứng dụng thụ động tốt thì việc giảm tiêu tốn năng lượng sẽ tốt hơn nhiều. Ứng dụng công nghệ không phải cứ thông minh là tốt mà quan trọng là ứng dụng có hiệu quả, tạo ra các giá trị.

    Chủ đầu tư xây dựng xanh nhưng gói vay của ngân hàng hỗ trợ tài chính để xây dựng dự án xanh, người mua nhà ở xanh, căn hộ xanh là không có. Về công nghệ, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ ngay từ đầu để quản lý và định hướng các dự án công trình xanh, trong đó có dự án của Văn Phú. Dự án được nhập lên các thông tin về tầng cao, không gian xanh, diện tích đất, vật liệu xây dựng, khả năng tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi giám sát từng chỉ tiêu và có thể định hướng với các kiến trúc sư để có thể thay đổi nếu thấy các chỉ tiêu và tiêu chí chưa phù hợp.

    11:0

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho chuyên gia CTX Vũ Hồng Phong

    Chú thích ảnh

    Ngày nay chúng ta thường nhắc đến không gian sống chất lượng. Với không gian sống ấy, bên cạnh tiêu chí về tiện ích thì xanh và bền vững được xem là những tiêu chí hàng đầu. Chuyên gia công trình xanh (CTX) Vũ Hồng Phong đánh giá như thế nào về vai trò ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới trong công trình nhà ở xanh? Việc ứng dụng công nghệ 4.0 thực tế đã giúp các toà nhà tiết kiệm năng lượng ra sao và góp phần nâng cao chất lượng không gian sống như thế nào?

    10:53

    TS. KTS. Trần Minh Tùng chia sẻ quan điểm

    Chú thích ảnh

    Có 3 từ khóa quan trọng mà tôi muốn đề cập, đó là: 4.0; kiến trúc - xây dựng và chung cư.

    4.0 xuất phát từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệp 4.0 đã có tác động không nhỏ tới kiến trúc, giúp kiến trúc phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nhờ vào trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn.

    Kiến trúc 4.0 là kiến trúc có trí tuệ, có thể hiểu được người dùng, dự án, tạo ra sự rõ ràng. Ví dụ, trong dự án có chủ đầu tư, người quản lý, người sử dụng thì giữa các đối tượng đó có thể chia sẻ dữ liệu, chia sẻ quan điểm về thiết kế...

    Vào năm 2000 - khi Vinaconex xây dựng những chung cư cao tầng thì tôi là 1 kiến trúc sư vừa mới ra trường, và khi nhìn lên dự án chung cư của Vinaconex tôi thấy rất ấn tượng. Do đó mà 10 năm sau, luận án bảo vệ tiến sĩ của tôi nói về đề tài khu đô thị mới.

    Với kiến trúc 4.0, tôi mong muốn có những căn hộ chung cư hiểu được người sử dụng. Bên cạnh đó, khi cải tạo ngôi nhà, có một vấn đề là lượng rác thải rất lớn. Tôi chỉ ước ao rằng tường đó không phải bằng gạch mà bằng một chất liệu khác để tôi có thể thay đổi nó dễ dàng. Cho nên, kiến trúc 4.0 là kiến trúc có trí tuệ, có thể cải tiến theo cuộc sống của con người. Trước xây 1 ngôi nhà có thể sống 10, 20 năm. Còn nay họ có thể thay đổi không gian đó trong khoảng thời gian ngắn hơn nên vai trò của công nghệ lại càng quan trọng.

    Trước đây là kiến trúc định nghĩa người dùng. Nhưng có lẽ, trong tương lai sẽ là người dùng định nghĩa kiến trúc, người dùng sẽ góp phần tạo ra không gian kiến trúc cho ngôi nhà.

    Tôi thấy rằng trong thời đại 4.0, chúng ta đã nói rất nhiều về công nghệ hightech, nhưng trong quá trình nghiên cứu, làm nghề, tôi cho rằng người Việt Nam mình có vẻ lowtech nhiều hơn hightech. Tôi rất thích ý kiến của anh Lê Anh Tuấn là thông minh hóa chung cư trong điều kiện lowtech.

    Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng công nghệ thông minh là phải đưa thật nhiều thứ, nhiều công nghệ mới vào, nhưng ông Tuấn cũng có nói rằng, trong kiến trúc cổ của người Việt Nam sử dụng rất nhiều biện pháp lowtech để làm cuộc sống hấp dẫn hơn, trong kiến trúc gọi là kiến trúc thụ động.

    10:52

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho TS. KTS. Trần Minh Tùng

    Xin cảm ơn ông Đoàn Châu Phong với những chia sẻ rất hay. Chúng ta đang bàn luận về câu chuyện 4.0 trong phát triển đô thị, từ quy hoạch 4.0 đến xây dựng 4.0. Để tạo dựng không gian sống tốt, không gian sống nhân văn, thông minh thì yếu tố kiến trúc trong đô thị hiện đại cũng rất quan trọng. Xin mời TS. KTS. Trần Minh Tùng cắt nghĩa cụ thể về kiến trúc 4.0. Việc ứng dụng giải pháp kiến trúc 4.0 sẽ có tác động như thế nào trong việc kiến tạo không gian sống trong đô thị hiện đại?

    10:42

    Ông Đoàn Châu Phong chia sẻ

    Tôi may mắn được là một trong nhóm người tiên phong đi đầu xây dựng nhà chung cư ở Việt Nam, tôi rất tự hào được tham gia dẫn dắt cuộc chơi, dẫn dắt người ở hiểu nhà chung cư như thế nào. Đó là năm 2000, tôi bắt đầu phát triển khu Trung Hòa - Nhân Chính, khi đó, cả Hà Nội cũng như cả nước có 2 nhà phát triển bất động sản lớn khu vực phía Bắc là HUD và Vinaconex. Khi ấy, HUD đã làm được tòa nhà 9 tầng.

    Vinaconex đã đặt vấn đề với Hà Nội để làm khu Trung Hòa - Nhân Chính, xây dựng chung cư, thấp nhất 17 tầng, cao nhất 30 tầng. Chủ tịch Thành phố lúc bấy giờ đã hỏi rằng: Vinaconex vẽ ra để chơi hay làm? Tôi khẳng định, những gì chúng tôi vẽ ra sẽ là hiện thực trong tương lai. Như vậy, năm 2000, Vinaconex đã thi công xây dựng liền lúc 6 tòa nhà cao tầng. Và chúng tôi đã ứng dụng công nghệ mới ngay từ thời điểm đó.

    Chú thích ảnh

    Chúng tôi đã đặt vấn đề với chuyên gia của Áo và Bỉ để đưa công nghệ mới vào. Khi đó, điều rất vui là lúc chúng tôi làm, có rất nhiều người dân Hà Nội đến xem Vinaconex làm như thế nào. Khi chúng tôi đưa sản phẩm chung cư ra thị trường thì được người dân đón nhận. Với ý chí của người đứng đầu Vinaconex bấy giờ, quyết định việc định hướng người dân Hà Nội ở chung cư cao tầng là quyết định đúng đắn. Chúng tôi đã xây dựng, hướng dẫn và định hướng người dân đón nhận sản phẩm, đưa vào sử dụng.

    Để có đô thị bền vững, chúng tôi cho rằng cần làm đô thị làm sao để đón nhận người dân về sinh sống, có cả người dân đã từng sống ở phố cổ chật hẹp để hưởng không khí thoáng mát, người tỉnh lẻ đến định cư ở Hà Nội. Lấy gì làm trung tâm để thiết kế đô thị, đó chính là tiện ích của con người.

    Chúng tôi đã đưa ra tiêu chí: Đô thị phải vì con người, nếu không con người sẽ quay lưng lại với đô thị. Cho nên từ quy hoạch đến thiết kế đến dịch vụ sau đầu tư đều phải hướng đến con người.

    Sự bền vững trong đô thị không chỉ là bền vững trong môi trường mà phải bền vững trong cộng đồng, xã hội, tiện ích. Thực tế, nhiều đô thị xây dựng lên tốn kém nguồn lực đất đai nhưng đô thị không bền vững, không tạo được môi trường cho cộng đồng nên sẽ xuống cấp rất nhanh, lãng phí tài nguyên. Nếu đập đi xây lại sẽ có nhiều rào cản pháp lý,…

    Chú thích ảnh

    Muốn có một đô thị bền vững, thứ nhất, chủ đầu tư phải đưa ra được hoạch định, định vị đô thị ở thương hiệu nào và tính trường tồn bao lâu, điều này sẽ quyết định sự thành công của chủ đầu tư và dự án.

    Thứ hai, nhà thiết kế đô thị phải có ý tưởng cụ thể hoá ý tưởng nhà đầu tư mang tính bền vững, lâu dài. Thứ ba, yếu tố công nghệ không thể thiếu trong xây dựng, công nghệ giải quyết được yếu tố kỹ thuật, thoả mãn các nhà thiết kế và quy hoạch và thoả mãn nhà đầu tư. Công nghệ còn giải quyết bài toán về kinh tế khi giá thành giảm, thời gian được rút ngắn.

    Cuối cùng, chủ đầu tư hay nhà thiết kế đều phải hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Để hiểu khách hàng cần gì, phải đặt cái tôi của mình xuống, coi khách hàng là thượng đế, thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ được đón nhận

    Ngoài ra, tôi cho rằng, phí dịch vụ phải thu ở mức thấp nhất và bù vào bằng việc khai thác các dịch vụ công cộng khác. Khi người dân vào ở chung cư thì đừng để họ bị áp lực bởi các khoản chi phí dịch vụ. Nếu chủ đầu tư thấu hiểu, chia sẻ cùng người dân thì cả hai bên cùng đồng hành tạo ra sự bền vững cho công trình.

     

    10:40

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho ông Đoàn Châu Phong

    Xin trân trọng cảm ơn TS. KTS. Trương Văn Quảng. Là một chuyên gia xây dựng, người gắn bó với việc phát triển đô thị, xây dựng chung cư từ những giai đoạn đầu, xin ông Đoàn Châu Phong chia sẻ quan điểm về vai trò của kiến trúc xây dựng 4.0 với các dự án bất động sản và tạo lập ra dự án bất động sản mang tính biểu tượng xanh - thông minh - nhân văn?

    Chú thích ảnh

    10:26

    TS. KTS. Trương Văn Quảng trình bày quan điểm

    Chú thích ảnh

    Phát biểu của các chuyên gia liên quan tới nhiều ý mà câu hỏi nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt ra. Tôi rất ấn tượng tới bài phát biểu của chuyên gia Nguyễn Đỗ Dũng. Thực tế trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam hiện có cái được và cũng có nhiều vấn đề chưa đạt mong muốn. Dù tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hay như Đà Nẵng... cũng có vấn đề trong công tác quy hoạch mắc phải, chưa ổn. Vừa qua Bộ Xây dựng có làm đánh giá 10 năm đô thị hóa và kế hoạch phát triển đô thị trong thời gian tới. Xác định tại thời điểm này tốc độ đô thị hóa của chúng ta đạt 40%. Giá trị kinh tế đô thị góp phần lớn, là động lực trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam hiện đại.

    Trong quá trình phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện vẫn có nhiều tồn tại như vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

    Chúng ta có cách nhìn, tầm nhìn chưa đủ cho dự án nên bài toán về quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nhu cầu phát triển đô thị ngày càng lớn, nhu cầu về nhà ở cũng rất lớn.

    Vừa rồi, qua khoảng thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 chúng ta thấy được rằng chất lượng môi trường đô thị đã được cải thiện đáng kể do hoạt động kinh doanh, hoạt động giao thông dừng lại, môi trường trong lành hơn, người dân cảm thấy dễ chịu hơn.

    Việc lập quy hoạch chưa đánh giá hết được tác động của kinh tế thị trường, nhiều thứ rất lãng phí vì chưa khai thác trực quan, đô thị chưa có nhiều dấu ấn. Kiến trúc còn nhiều yếu tố từ bên ngoài du nhập vào.

    Thực tế cũng cho thấy có không ít các công trình công cộng không có giải pháp thiết kế toàn diện, không ứng dụng công nghệ. Chúng ta vẫn thiếu các công trình ứng dụng công nghệ có thể sánh vai với các quốc gia trên thế giới.

    10:26

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho TS. KTS. Trương Văn Quảng

    Rõ ràng xanh, thông minh và nhân văn đang là những tiêu chí rất quan trọng trong phát triển không gian sống thời hiện đại, đặc biệt là trong việc phát triển các khu chung cư. Để hình thành được các yếu tố đó thì công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực kiến trúc quy hoạch đô thị. Ở góc độ chuyên gia quy hoạch và là Phó Tổng Thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam với nhiều trăn trở, quan sát, nghiên cứu bức tranh đô thị Việt, xin đề nghị TS. KTS. Trương Văn Quảng đánh giá về vai trò của công nghệ trong phát triển, quy hoạch xây dựng các chung cư, đô thị Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như hiện nay.

    Chú thích ảnh

    10:25

    Bắt đầu phiên thảo luận

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam điều phối phiên thảo luận.

    Chú thích ảnh

    10:0

    Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Chuyên gia quy hoạch, Giám đốc điều hành EnCity (Singapore) tham luận

    Chú thích ảnh

    Encity là nhà tư vấn giải pháp đô thị quốc tế. Để giải quyết vấn đề triển khai dự án, thiết kế hay xây dựng chỉ là 1 giải pháp mà thôi. Có mấy giải pháp chính: Đầu tiên là chính sách và quy hoạch, chiến lược, nghiên cứu về đầu tư. Thứ 2 là thiết kế đô thị, cảnh quan, công trình. Thứ 3 là mảng công nghệ (về giao thông, xử lý nước, cấp nước, chống ngập, phân tích không gian…)

    Công nghệ quyết định sự phát triển của đô thị. Công nghệ giao thông là công nghệ quyết định toàn bộ sự phát triển của đô thị. HÌnh dung nếu trong tương lai chúng ta có đường sắt cao tốc, chúng ta có thể mua nhà, sống ở vùng ven như Phủ Lý, Ninh Bình...

    Công nghệ quyết định giá trị thực sự của đất đai và tạo ra nhiều cơ hội cho bất động sản.

    Encity có 3 điểm mạnh:

    Thứ nhất là chúng tôi có kinh nghiệm từ thực tế triển khai phát triển đô thị.

    Thứ 2 là có chúng tôi am hiểu sự sâu sắc về đô thị học, văn hóa, sự phát triển kinh tế xã hội của châu Á.

    Thứ 3 là chúng tôi vượt khỏi giải pháp khuôn khổ bản vẽ, dùng công nghệ hoàn toàn mới để tạo ra sự phát triển đột phá cho phát triển đô thị, bất động sản.

    Chú thích ảnh

    Vai trò của nhà tư vấn kiến trúc quy hoạch:

    Các nhà đầu tư khi muốn xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị đầu tiên cần phải có hồ sơ xin được quy hoạch phù hợp, công việc các nhà tư vấn kiến trúc quy hoạch lúc này là làm là hồ sơ tư vấn giúp các nhà đầu tư.

    Bước thứ hai là bán hàng, lúc này nhà đầu tư thường sẽ mời các nhà tư vấn đến để có thể đưa ra các ý tưởng về đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái.

    Bước thứ ba tạo ra giá trị lâu dài là xây dựng được thương hiệu cho chủ đầu tư. Các nhà đầu tư lớn hiện nay đã tạo ra thương hiệu với các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng, Ecopark… Nhà tư vấn lúc này đóng góp vai trò tạo ra giá trị thương hiệu, gia tăng của đất đai, làm sao để giá trị đất đai có thể gia tăng theo thời gian và bền vững, quan trọng hơn giá trị này phải gắn liền với xã hội và môi trường.

    Tôi xin đưa ra một số ví dụ: Về kiến tạo giá trị. Ví dụ như một dự án ở ven biển, có không khí mặt biển, hay như một dự án ở trên núi, có thể biến nó thành điểm du lịch,… Hay như thành công của Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà - đó là thiết kế tạo ra giá trị của dự án.

    Ví dụ Ecopark - họ có tầng hầm nổi để đỗ xe, chủ đầu tư không bán tầng hầm cho người dân khi mua nhà, đậu xe phải trả tiền, tiền đó trả lại để chi trả chi phí vận hành dự án. Điều này giúp cho đơn vị vận hành chỉ cần trả một nửa chi phí vận hành hàng tháng.

    Ngoài ra, tại Ecopark, chủ đầu tư đã chuyển đổi đậu xe từng dự án thành đậu xe tập trung, như vậy, ban ngày khi trung tâm thương mại hoạt động thì chỗ đậu xe dành cho thương mại, ban đêm đóng cửa trung tâm thương mại thì bãi đỗ xe dành cho cư dân. Điều này giúp giảm chi phí, đồng thời khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.

    Ở yếu tố giá trị bền vững, hiện ở Ecopark có Trường Đại học Việt Anh, ĐH Y Nhật Bản, Trung tâm đào tạo Vietcombank - đó là cơ hội, nếu 3 trường liên kết với nhau sẽ tạo ra trung tâm, có sự hỗ trợ, tương tác… sẽ tạo ra giá trị lâu dài sau này. Có thể thấy điều này không tạo giá trị ngay lập tức nhưng tạo ra giá trị cho hàng chục năm sau.

    Vấn đề của bất động sản là dòng tiền, do đó tỷ lệ lợi nhuận cần cao. Và khi nghĩ đến phát triển bền vững thì đó là việc để cân bằng dòng tiền cho nhà phát triển bất động sản.

    Chú thích ảnh

    Về khoảng cách giữa nhà phát triển và nhà tư vấn, theo tôi, nhà phát triển dự án phải làm được 3 việc: thứ nhất là định vị được thương hiệu, có mô hình phát triển riêng; thứ hai là xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng dự án, cùng 1 dự án phát triển ở Hà Nội sẽ khác với Phú yên, một nơi để ở, một nơi phát triển du lịch; thứ 3 là phải biết triển khai, có đội ngũ triển khai vì để biến hình ảnh thiết kế, bản vẽ đẹp thành hiện thực là rất khó.

    Bên cạnh đó, nhà tư vấn quy hoạch cần hiểu pháp lý và thị trường, cần có rất nhiều ý tưởng và hiểu về mô hình vận hành để giải quyết bài toán cho chủ đầu tư và cần có kinh nghiệm triển khai từ thực tiễn. Khi đáp ứng được các yếu tố này, 2 bên đến gặp nhau.

    Nhưng ngược lại, 2 bên sẽ không thể gặp nhau nếu nhà phát triển dự án không có định vị thương hiệu, không có chiến lược kinh doanh, kỳ vọng ý tưởng kinh doanh sẽ đến từ tư vấn – đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm vì có nhiều yếu tố nội bộ, phải tìm ra bài toán kinh doanh để làm việc với tư vấn. Và đội ngũ quản lý thiết kế của nhà phát triển đòi làm thay tư vấn, như vậy sẽ rất khó hợp tác.

    Còn nhà tư vấn quy hoạch nếu phụ thuộc hoàn toàn vào đề bài của nhà phát triển dự án, cho rằng có thể đưa ra chiến lược kinh doanh cho nhà đầu tư và đặc biệt là chưa có kinh nghiệm triển khai thực tế thì sẽ rất khó cho nhà phát triển hợp tác cùng.

    Khi vẽ rất đẹp, nhưng làm thực tế sẽ có rất nhiều biến số, nếu ko hiểu thị trường và ko hiểu triển khai thực tế sẽ ko làm được. Quy hoạch tốt ko phải quy hoạch đẹp mà là quy hoạch đạt được mục đích. Chúng ta phải hiểu được mục đích của từng dự án là gì thì mới đưa ra được cách giải quyết bài toán.

    Với những người coi quy hoạch là bản vẽ kiến trúc mà không hiểu gì về quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Quy hoạch là chuyên môn, chuyên biệt, người tư vấn quy hoạch được nhà ở nhưng chưa chắc đã quy hoạch được các khu như sân bay, giao thông. Nếu nhà tư vấn không hiểu sự tương thích của các loại đất, vẽ bản quy hoạch không thiết thực thì sẽ dẫn đến thất bại của khu đô thị. Có thể nói, gặp một nhà tư vấn không am hiểu, chủ đầu tư có thể phá sản

    Chúng ta phải hiểu rằng quy hoạch tạo ra khung của sự phát triển và tính toán từng diện tích đất, diện tích sàn thương mại, căn hộ cho phù hợp. Một bản quy hoạch nhìn có thể đơn giản nhưng phải thấu đáo, dễ triển khai trong thực tế và thuận tiện nhất cho người dùng.

    9:25

    KTS. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Nghiên cứu ứng dụng Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest tham luận về Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh học và Công nghệ xây dựng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng

    Chú thích ảnh

    Các yếu tố cần chú ý khi xây dựng, phát triển dự án là vấn đề môi trường, hài hòa cảnh quan và xử lý rác thải. Tư tưởng của chủ đầu tư khi đứng trước sự lựa chọn cho một dự án là làm sao để phát triển bền vững, đặt ra các vấn đề cụ thể của điều kiện từng địa phương khi phát triển dự án, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.

    Khi một doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào một dự án thì đầu tiên cần tính đến hiệu quả cho xã hội. Khi Văn Phú - Invest thực hiện các dự án về đô thị, nhất là nhà chung cư thì đã đưa ra quy trình ứng dụng, tức là: Đối với sản phẩm như thế này thì làm thế nào để đạt xanh, đạt tiêu chuẩn về năng lượng mà Chính phủ yêu cầu. Đồng thời, Văn Phú - Invest cũng đã ứng dụng, tham chiếu các quy chuẩn để từ đó đưa ra tiêu chí chung cho sản phẩm thiết kế của mình, để làm sao đầu ra có những đóng góp tốt nhất cho xã hội, cho người dân.

    Cụ thể, có 3 nội dung cần lưu ý: Thứ nhất là công nghệ xử lý chất thải rắn sinh học; Thứ hai là công nghệ xây dựng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng; Thứ ba là ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế, giám sát, BIM.

    Đầu tiên, về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh học, trong phát triển đô thị hiện tại, chủ đầu tư đối diện với nhiều tình huống khi xây dựng đô thị và cả khi đi vào vận hành. Trong vài năm nếu không giải quyết triệt để vấn đề chất thải rắn sinh học sẽ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sống của cư dân cũng như uy tín chủ đầu tư.

    Phân loại rác tại nguồn là vấn đề quan trọng nhất trong chu trình thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt trong xây dựng - quy hoạch đô thị bền vững, mục đích cho tái sử dụng và giảm khối lượng đốt, chôn lấp ở mức thấp nhất. Một số công nghệ phổ biến trên thế giới đang được ứng dụng tại Việt Nam như:

    Một, công nghệ điện rác: đốt rác, đốt plasma, thu hồi nhiệt để sản xuất điện được ưu tiên ứng dụng ở Châu u, Nhật Bản… Hiện nay công nghệ này của Nhật được ứng dụng cho nhà máy xử lý rác URENCO ở Nam Sơn, Sóc Sơn, thu hồi sản xuất khoảng xấp xỉ 2MW điện/năm (trong đó 85% hỏa lưới, 15% dùng lại cho quá trình vận hành. Như nhà máy Đốt rác phát điện Cần Thơ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, Cần Thơ với công nghệ tương tự (mỗi ngày xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000Kwh/năm).

    Để giải quyết vấn đề này triệt để hơn thì cần tính đến câu chuyện kết nối, để sản phẩm đô thị không chỉ là 1 tòa chung cư mà là 1 cụm chung cư, áp dụng công nghệ chung để xử lý rác thải rắn.

    Hai, công nghệ kết hợp cơ sinh nhiệt đồng thời xử lý rác thải với sản xuất năng lượng tái tạo. Ví dụ như Dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất Biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: tái tạo sản xuất 10.000 tấn đất sạch và phân bón mỗi năm; sản xuất 10MW điện/năm.

    Ba, công nghệ nhiệt phân, xử lý rác nhựa cao su, giấy ra thành phẩm dầu.

    Thứ tư, công nghệ thủy nhiệt. Công nghệ này được áp dụng nhiều ở các nước đang phát triển giống Việt Nam như Malaysia.

    Về những công nghệ xây dựng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hiện nay có nhiều công nghệ được áp dụng từ giai đoạn thiết kế đến khi ra công trường xây dựng.

    Tiếp đó là về những công nghệ xây dựng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hiện nay có nhiều công nghệ được áp dụng từ giai đoạn thiết kế đến khi ra công trường xây dựng.

    Đối với nhà ở thấp tầng (dưới 6 tầng), tuy quy mô không cao nhưng có nhiều công nghệ hợp lý và giúp rút ngắn nhiều thời gian, ví dụ như đổ bê tông liền khối bằng vật liệu định hình, sử dụng bê tông có tỷ lệ tro bay cao không cần xây tường - tro bay là tro của các nhà máy nhiệt điện. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã ứng dụng tro bay để làm gạch nung, san lấp mặt bằng… phục vụ cho ngành xây dựng.

    Hay công nghệ bê tông cốt thép ứng dụng lực tiền chế; ứng dụng tấm tường bê tông nhẹ thay cho gạch nung truyền thống, ví dụ như tấm tường acote, Xuân Mai hoặc tấm tường bê tông PolyStyren Nucewall do Đại học Xây dựng nghiên cứu.

    Với biện pháp giàn giáo leo trong thi công cao tầng, một trong những minh chứng rõ ràng và toàn diện nhất về công dụng của giàn giáo leo chính là sự thành công của tòa nhà Burj Dubai với phần thô đã trở thành kết cấu cao nhất thế giới có trụ lõi của công trình cao 601m tính từ mặt trên của bản móng. Nhà thầu thi công công trình này đã tạo nên một kỷ lục thế giới trong lịch sử khi sử dụng công nghệ giàn giáo leo với số lượng cũng như mật độ cực lớn trong suốt thời gian thi công

    Một công nghệ khác cũng rất phát triển và thành công ở Úc là công nghệ bê tông đúc sẵn Precast Panels, đã được ứng dụng từ những năm 50 - 60 ở các nước trên Thế giới. Nhưng ứng dụng của nó chỉ giới hạn hạn hẹp trong xây dựng chung cư thấp tầng (từ 10 - 15 tầng). Tuy nhiên sau này Úc trở thành nhà tiên phong ứng dụng thành công công nghệ này tại các chung cư cao tầng, và đã được áp dụng tại Việt Nam cũng nhưu một số công trình của Văn Phú - Invest.

    Ưu điểm khi sử dụng Precast Panels có thể kể đến như: Thời gian thi công nhanh hơn từ 30 - 50%; Giá trị phần thô rẻ hơn từ 20 - 30%; Sử dụng ít thép hơn 50%; Sử dụng ít bê tông hơn 25%; Không dầm, không cột; Không thấm; Không gạch ốp lát, sử dụng các bề mặt hoàn thiện sẵn; Mát hơn vào mùa hè, ấm hơn vào mùa đông; Cách âm tốt giữa các căn hộ; Không phải sử dụng giàn giáo bên ngoài (do thi công từ bên trong); Chất lượng công trình cao hơn;…

    Cuối cùng là ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế, giám sát, BIM (Building Information Modeling).

    Chú thích ảnh

    Với ứng dụng công nghệ hiện đại như hiện nay, Văn Phú - Invest tư duy rằng: Trong giai đoạn thiết kế, cần mô hình hóa 3D ngay từ đầu. Điều này không chỉ để kiểm soát vấn đề thẩm mỹ mà còn kiểm soát câu chuyện chất lượng, có bền vững hay không, thiết kế đó tương thích với nắng, gió như thế nào,…

    Cụ thể hơn về ứng dụng trong thiết kế, sẽ tiến hành mô hình hóa 3D trong toàn bộ các giai đoạn thiết kế, ứng dụng phần mềm RENO, Lumion trong concept, revite autodesk trong các giai đoạn phát triển thiết kế; kết nối các phần mềm xử lý BIM (BIM là một quá trình tạo dựng thông tin công trình trên 1 mô hình 3D, 4D, 5D hay 6D duy nhất, được áp dụng từ giai đoạn hình thành ý tưởng thiết kế thi công, áp dụng cho: Chủ đầu tư; quản lý cơ sở hạ tầng; cho thiết kế cấu trúc; cho nhà thầu; cho nhà thầu phụ và xưởng chế tạo).

    Như vậy, tất cả các nhóm tư vấn thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu tương tác với nhau trên mô hình 3D. Tất cả trở thành 1 đội lớn xây dựng 1 tòa nhà. Tương tác này sẽ tạo ra nhiều hiệu quả, không những kiểm chứng kết quả giá trị ý tưởng, kiểm chứng ý tưởng của chủ đầu tư đưa vào có hiệu quả hay không mà còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng công trường, tránh được sai sót, đặt ra chu trình sử dụng dòng tiền hợp lý, tiết kiệm. Từ đó, vòng đời ban đầu của dự án được kiểm soát.

    Hệ thống 3D có tất cả các dữ liệu có giá trị trong quá trình khai thác. Khi xuất hiện sự thay đổi với môi trường xung quanh thì đều có tương tác và điều chỉnh được ghi nhận bằng hệ thống dữ liệu, 3D. Bên cạnh đó, ứng dụng thiết kế thụ động đối với các mô hình năng lượng cho dự án. Cải tiến, ứng dụng BIM tương thích với đặc thù xây dựng và quản lý vận hành.

    9:10

    TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng) tham luận về chủ đề công nghệ mới trong xây dựng chung cư thời đại 4.0

    Chú thích ảnh

    Xu thế mới, các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, bước ngoặt đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro. Nhận thấy rõ các lợi thế tích cực cũng như những rủi ro trong ứng dụng công nghệ 4.0 trong kiến trúc quy hoạch đô thị, chúng ta cần có một định hướng và lộ trình phù hợp là điều cần thiết lúc này.

    Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang và sẽ có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn, và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.

    Trong quá trình phát triển đô thị bền vững việc sử dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh trong thiết kế xây dựng, góp phần giảm thiểu lượng ô nhiễm phát thải ra môi trường và tiết kiệm năng lượng từ quá trình xây dựng, vận hành đến sử dụng lâu dài về sau là cần thiết. Việc tìm ra các nguồn năng lượng thông minh thay thế cho nguồn năng lượng tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, giúp tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận hành công trình, cũng như các vật liệu xanh sử dụng trong quá trình thiết kế xây dựng công trình, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành xây dựng, góp phần đáng kể cho công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.

    Các nước phát triển trên thế giới đã ứng dụng từ rất lâu các công nghệ này trong thiết kế xây dựng, mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Vì thế, chúng ta cần có những giải pháp và quy định cụ thể để có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến này tại Việt Nam.

    Hiện tại có 10 công nghệ nổi bật đang được ứng dụng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam đã làm thay đổi ngành xây dựng về thời gian, chất lượng công trình, nhân công. Có thể kể đến như:

    Bê tông tự liền: Bê tông tự liền là vật liệu xây dựng tuyệt vời và được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Với sự ra đời của công nghệ này, tuổi thọ của công trình sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc sẽ giảm thiểu số lượng sắp thép phải sử dụng.

    Aerogel - vật liệu rắn nhẹ nhất trên thế giới: Một trong những lợi ích chính của loại vật liệu này là khả năng cách nhiệt tuyệt vời, cung cấp năng lượng và tiết kiệm chi phí do giảm thất thoát không khí trong nhà. Nó cũng có khả năng cho không khí xuyên qua, chống cháy và có thể thấm cả dầu lẫn nước. Aerogel vừa có thể làm dây dẫn điện vừa có thể trở thành một chất cách điện tốt nhất từ trước tới nay khi được pha trộn với một số vật liệu khác. Trên tất cả, nó thân thiện với môi trường và có thể tái chế, tái sử dụng.

    Mái lợp Thermochromi: Với xu hướng công trình xanh đang ngày một tăng lên mạnh mẽ và bức thiết, ngói lợp và tấm tôn thermochromic đã có sự lên ngôi ngoạn mục.

    Công nghệ thực tế ảo - VR: Trong kiến trúc, xây dựng, VR cung cấp cho người xem những trải nghiệm không gian trực quan nhất. Công nghệ này có thể sử dụng để trình bày một dự án kiến trúc, mô phỏng 3D công trình, giúp kiến trúc sư định hình rõ hơn về thiết kế, so sánh tỷ lệ thực. Công nghệ này cũng giúp ích cho những chủ đầu tư, khách hàng có trải nghiệm trực quan và tương tác với không gian tương lai của mình

    Chú thích ảnh

    Một số giải pháp sử dụng công nghệ kết hợp các giải pháp truyền thống: Khai thác đặc điểm tự nhiên, khí hậu nhằm tận dụng nguồn năng lượng có sẵn trong tự nhiên để ứng dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh trong xây dựng chung cư sinh thái. Đây là mô hình thích hợp cho khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, giúp tận dụng tối đa thông gió tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên và tạo môi trường vi khí hậu tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống của các cư dân trong chung cư. Sử dụng năng lượng thông minh năng lượng tái tạo được hiểu là những nguồn năng lượng hay những phương pháp khai thác năng lượng mà nếu đo bằng các chuẩn mực của con người thì là vô hạn.

    Vô hạn có hai nghĩa, hoặc là năng lượng tồn tại nhiều đến mức mà không thể cạn kiệt vì sự sử dụng của con người (thí dụ như năng lượng mặt trời) hoặc là năng lượng tự tái tạo trong thời gian ngắn và liên tục (thí dụ như năng lượng sinh khối) với các quy trình còn diễn tiến trong một thời gian dài trên Trái đất. Giải pháp kiến trúc động, linh hoạt những yếu tố khí hậu như mặt trời, gió là những yếu tố thay đổi theo giờ trong ngày và theo mùa trong năm, để công trình kiến trúc đáp ứng được những thay đổi trên của khí hậu và cả những thay đổi bất ngờ của thời tiết, cần có những giải pháp kiến trúc biến đổi linh hoạt, có thể chuyển động để thích ứng với điều kiện khí hậu hiện thời.

    Sử dụng vật liệu xanh là các vật liệu được sản xuất và sử dụng theo các phương pháp thân thiện với môi trường. Tiêu chí đánh giá có thể là: Tổng năng lượng tiêu tốn trong quá trình khai thác, vận chuyển, xây dựng, sử dụng và phá dỡ; tổng lượng chất thải và các chất gây ô nhiễm phát ra trong các quá trình trên. Như vậy, một vật liệu được coi là vật liệu xanh khi tiêu tốn năng lượng thấp và ít gây ô nhiễm cho môi trường. Nói cách khác, việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh là cách để hướng tới các giải pháp xây dựng bền vững.

    Ví dụ như ở chung cư nói chung, tường ngoài là bộ phận chịu tác dụng của bức xạ mặt trời lớn nhất. Diện tích dùng kính trên mặt nhà không nên vượt quá 20 - 35%, cần phải sử dụng các vật liệu cách nhiệt trên mặt đứng công trình, kết hợp với các giải pháp che nắng. Lưu ý không bao giờ sử dụng kính 1 lớp cho nhà ở chung cư cao tầng. Cần phải sử dụng kính 2 lớp và kính màu, kính phản quang để giảm lượng bức xạ mặt trời chiếu vào nhà.

    Ứng dụng công nghệ vào xây dựng các dự án nhà ở thông minh đang là xu hướng. Tại Việt Nam, nhà thông minh đã phát triển trong 10 năm trở lại đây. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhà thông minh được xem là sản phẩm xa xỉ và chỉ phù hợp với các biệt thự hay căn hộ sang trọng, đến nay, chi phí để lắp đặt một ngôi nhà thông minh đã giảm nhiều và nó gần như phù hợp với phần lớn khách hàng. Việc lắp đặt các thiết bị cũng nhanh chóng và thuận tiện.

    Ngôi nhà được giám sát an ninh tự động từ xa, tiết kiệm năng lượng thông qua hệ thống bật tắt đèn thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc sử dụng công nghệ điều khiển bằng cử chỉ, bằng giọng nói… Chủ nhà có thể hưởng thụ sự tiện nghi, an toàn và hiện đại từ những giải pháp giám sát an ninh toàn diện, tự động điều khiển mành rèm, điều khiển từ xa các thiết bị gia dụng, các hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, hệ thống tưới cây, hệ thống giải trí… trong ngôi nhà thông minh.

    Một căn hộ chung cư có thể lắp đặt hạ tầng kết nối mọi thiết bị trong dự án như hệ thống kiểm soát an ninh, thang máy, các cảm biến thông minh, máy chủ và các dịch vụ phần mềm. Các dự án thông minh được trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động với cảm biến cháy được lắp đặt khắp các tầng hầm, hành lang, trong từng căn hộ để phát hiện cháy, vòi phun nước tự động khi phát hiện có cháy để dập lửa. Hệ thống thông báo có cháy qua loa, chuông và qua ứng dụng di động với chỉ dẫn thoát nạn khẩn cấp khi có cháy xảy ra…

    Ngành xây dựng là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, kể cả trong quá trình thi công xây dựng đến vận hành công trình sau này. Ứng dụng các nguồn năng lượng thông minh, vật liệu xanh trong xây dựng nhà chung cư thông minh chính là lối thoát để bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hoá nhanh tại Việt Nam, đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.

    Chúng ta cần hệ thống hóa các giải pháp, đưa ra nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn thiết kế trong việc ứng dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh khi xây dựng nhà ở tại Việt Nam. Đặc biệt cần đưa ra thành bộ tiêu chuẩn thiết kế về sử dụng năng lượng và vật liệu trong nhà chung cư thông minh để các nhà thiết kế có thể áp dụng, cũng như làm cơ sở cho các nhà quản lý và đầu tư tham khảo khi quyết định xây dựng các công trình chung cư. Bên cạnh đó, ứng dụng các công nghệ 4.0 vào phát triển các dự án bất động sản giúp chủ đầu tư dễ dàng quản lý và vận hành dự án và từ đó, tác động lớn đến việc hình thành các tòa nhà trong phát triển thành phố xanh, thông minh.

    8:55

    Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn tọa đàm

    Chú thích ảnh

    Theo số liệu thống kê của Viện Năng lượng Mỹ, các công trình xây dựng chiếm khoảng 40% năng lượng tiêu thụ trên toàn cầu. Báo cáo của Hội đồng doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững cũng công bố số liệu tương tự và cho biết thêm, các toà nhà tạo ra lượng CO2 chiếm khoảng 30%. Ở Việt Nam, khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà cao tầng ở mức rất cao, chiếm khoảng 37 - 38% năng lượng tiêu thụ của cả nước.

    Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, như tại Hà Nội những ngày qua đạt mức nhiệt cao trên 40 độ C; thậm chí, trưa ngày 23/6, nhiệt độ ngoài trời đo được vượt mức 65 độ C, không khí oi bức bao trùm toàn thành phố…, đã cho thấy thực trạng mất cân bằng sinh thái cũng như việc sử dụng năng lượng lãng phí, thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn.

    Thực trạng đó cũng đặt ra những bài toán mới cho các nhà phát triển dự án chung cư cao tầng nói riêng, các nhà quản lý - kiến thiết đô thị nói chung: Đó là làm sao vừa phát triển đô thị, kiến tạo nên những tòa nhà cao tầng hiện đại, khang trang hơn; vừa có thể cân bằng được không gian sống văn hóa, văn minh, thân thiện. Đó cũng là bài toàn làm sao vừa có thể bán được hàng nhanh, thu được lợi nhuận tốt; vừa có thể ứng dụng các giải pháp kiến trúc - công nghệ - kỹ thuật - quản lý và vận hành, đem lại những lợi ích thiết thực và bền vững cho khách hàng - những cư dân của đô thị mới.

    Trên thực tế, với sự định hướng và kêu gọi của Chính phủ, sự vào cuộc, kết nối và vận động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các tổ chức công trình xanh quốc tế, chúng ta đã chứng kiến một số chủ đầu tư đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh, sống nhân văn lên hàng đầu, dần trở thành những nhà phát triển bất động sản chuyên tâm, tạo những giá trị sống đích thực như Tập đoàn Văn Phú - Invest, Tập đoàn Capital House, Tập đoàn Phúc Khang…

    Dù mới chỉ là bước đầu, và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những xu hướng xây dựng chung cư xanh - thông mình đã dần được các khách hàng đón nhận và xã hội ghi nhận. Quan trọng hơn, đó là những hành động “góp gió thành bão”, nhân lên những giá trị tốt đẹp, cùng chung tay bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, chúng ta có thể nên ra một vài dẫn chứng để thấy vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp về kiến trúc và xây dựng chung cư trong thời đại 4.0 như:

    Theo tính toán của các chuyên gia Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30 - 50% lượng nước sử dụng của tòa nhà, mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50 - 90% các loại rác thải khác.

    Giới chuyên gia cho rằng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển bất động sản được chia thành ba nhóm chính. Ngoài nhóm giải pháp công nghệ chiến lược do chính quyền thực hiện; phải kể đến nhóm giải pháp công nghệ quản lý (bao gồm quản lý điều hành, giám sát, tư vấn thiết kế, phân phối thông minh trên nền tảng 4.0, mô hình 3D, 4D, quản lý BIM…) và nhóm giải pháp công nghệ xây dựng (thiết kế theo tiêu chuẩn bền vững, sử dụng công nghệ vật liệu mới cho kiến trúc và kết cấu, vật liệu tái chế, các thiết bị công trình có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng…

    Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 trong kiến trúc, xây dựng, vận hành khu đô thị sẽ giúp giải quyết bài toán về thời gian, chi phí và cơ hội, mang lại giá trị bền vững cho ngành bất động sản nói riêng và là bước đệm hướng tới xây dựng các thành phố thông minh hiện đại. Cụ thể, có thể đảm bảo tối ưu thời gian thi công rút ngắn từ 25 - 40%, chi phí kết cấu móng công trình giảm từ 15 - 20%, kết cấu thân giảm 20%, tổng năng lượng tòa nhà giảm tối thiếu 20%...

    Khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, những dự án thi công nhanh, có giải pháp tốt về kiến trúc, vật liệu và công nghệ xây dựng luôn được khách hàng đón nhận và là những sản phẩm có nhu cầu cao, tính thanh khoản tốt trên thị trường. 

    Suy cho cùng, chính sự tỉnh táo, sáng suốt trong lựa chọn của khách hàng - những chủ nhân và là chủ thể của đô thị hiện đại vừa là thách thức, xong cũng chính là cơ hội cho những chủ đầu tư chuyên tâm và luôn tự nâng cấp sự chuyên nghiệp, bài bản trong quản trị và tổ chức triển khai dự án, để đảm bảo tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện dự án. Điều đó chỉ có thể giải quyết tốt, nhanh và tiết kiệm nhất, khi doanh nghiệp phát triển bất động sản sử dụng hoặc liên kết được với đội ngũ tư vấn thiết kế, kiến trúc sư chuyên nghiệp và có năng lực tốt.

    Xuất phát từ thực tiễn trên và với mong muốn tạo lập những diễn đàn mở để trao đổi, thảo luận về những điều cư dân, nhà đầu tư và xã hội đang quan tâm, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại. Sau số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hưởng ứng của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và truyền thông.

    Chú thích ảnh

    Tiếp nối chuỗi Tọa đàm, để góp những góc nhìn mới về vai trò của kiến trúc và những giải pháp xây dựng, cốt lõi là những công nghệ mới trong xây dựng chung cư, Tọa đàm số 02 hôm nay sẽ tập trung vào chủ đề: “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0”, tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

    Một, thảo luận về vai trò và tầm quan trọng của kiến trúc và xây dựng chung cư trong thời đại 4.0 từ những yếu tố như: Vấn đề vai trò của việc ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào xây dựng, những công nghệ mới trong xử lý chất thải rắn, các giải pháp giảm thiểu thời gian thi công; Vấn đề quản lý, điều hành, giám sát, tư vấn thiết kế phân phối thông minh trên nền tảng 4.0, mô hình 3D, 4D; Vấn đề vật liệu mới trong xây dựng công trình.

    Hai, chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn về giải pháp khắc phục khoảng cách giữa tư vấn thiết kế và doanh nghiệp phát triển dự án.

    Ba, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ những chủ đầu tư tạo nên những không gian sống xanh - thông minh, chất lượng và nhân văn.

    8:50

    Toạ đàm bắt đầu diễn ra

    Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia: TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam; TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng); TS. KTS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng; Chuyên gia CTX Vũ Hồng Phong - Chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); ThS, Kỹ sư Xây dựng Đoàn Châu Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest; KTS. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Nghiên cứu ứng dụng Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest; Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Chuyên gia quy hoạch, Giám đốc điều hành EnCity (Singapore).

    Về phía Ban tổ chức có: Ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam; Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

    Chú thích ảnh
    Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam
    Chú thích ảnh
    Ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
    Chú thích ảnh
    ThS, Kỹ sư Xây dựng Đoàn Châu Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest
    Chú thích ảnh
    TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng
    Chú thích ảnh
    TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

     

    Chú thích ảnh
     Ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)
    Chú thích ảnh
    Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Chuyên gia quy hoạch, Giám đốc điều hành EnCity (Singapore)
    Chú thích ảnh
    TS. KTS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

     

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Thương hiệu dẫn đầu

    Lên đầu trang
    Top