Aa

Tôi muốn nói hai điều nhỏ bé về Đài Loan

Thứ Ba, 26/03/2019 - 06:00

Nếu người ngoại quốc hoặc người Đài Loan nhập cảnh mà mang theo thực phẩm, sẽ bị phạt tiền rất nặng và có thể bị tù. Còn chúng ta thì để cho hàng hóa nhiễm độc và thực phẩm bẩn của chính chúng ta và của một số nước làng giềng tràn ngập thị trường. Chúng ta thực sự đang giết chết chính mình...

ĐIỀU THỨ NHẤT: Tôi vừa trở về từ Đài Loan. Một chuyến đi chỉ năm ngày trên đất Đài Loan là chuyến đi quá ngắn để bất cứ ai có thể tìm hiểu về vùng lãnh thổ này.

Đây là lần thứ hai tôi đến Đài Loan. Lần trước cách đây đã mười năm. Chuyến đi đó do Hội đồng Anh ở Hà Nội tài trợ. Tôi đến đó dự Liên hoan thơ quốc tế. Chuyến đi đó có một điều tôi thực sự ấn tượng, khi trong buổi bế mạc Liên hoan thơ, tôi đã được chứng kiến một người lao động Việt Nam bước lên diễn đàn đọc thơ như một nhà thơ. Chị là người sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình. Chị đã gửi thơ đến Liên hoan thơ quốc tế năm đó và Ban tổ chức đã mời chị đọc thơ. Thơ chị cũng in cùng thơ của các nhà thơ nhiều nước trong Kỷ yếu Liên hoan thơ quốc tế Đài Loan. Chị tên là Phạm Thị Tường, trước kia là công nhân nông trường Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Việc làm đó của Ban tổ chức làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Một điều gì đó thật con người. Không có sự phân biệt trong tình yêu thơ ca giữa một người làm thơ nghiệp dư và một nhà thơ chuyên nghiệp, không có sự phân biệt, đối xử đối với một người đi làm thuê xứ người.

Một lần chị nói với tôi rằng: Cho dù là người làm thuê nhưng chị vẫn luôn gìn giữ lòng tự trọng của một con người với những nét đẹp văn hóa trong cách sống của người Việt Nam “đói cho sạch, rách cho thơm’’. Ý thức sống của chị và cách đối xử với con người thông qua Ban tổ chức Liên hoan thơ quốc tế Đài Loan cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Nghĩ về chị, một người làm thuê mà chúng ta hay gọi là osin và nghĩ về cách hành xử của một nơi mà chúng ta vốn cũng không đánh giá thật cao, tôi lại nghĩ về những chuyện đang diễn ra trong đất nước chúng ta hiện nay mà lòng buồn nhiều hơn vui.

Chị Phạm Thị Tường.

Chị Phạm Thị Tường.

ĐIỀU THỨ HAI: Chuyến đi lần này của tôi tới Đài Loan là chuyến đi du ngoạn. Bởi thế tôi có dịp lang thang nhiều hơn. Có rất nhiều điều để nói về nơi này. Nhưng tôi chỉ muốn nói về một điều mà tôi chứng kiến. Đó là sự sạch sẽ. Tôi thấy từ trung tâm thành phố đến các khu phố nhỏ, rồi đến các làng quê của Đài Loan, nơi nào cũng sạch sẽ đến ngạc nhiên. Ngay ở cả những khu vực ngoài trời được hút thuốc, thì tôi nhiều khi cũng ngại không dám hút, vì thấy sạch quá. Nhìn trên vỉa hè, nhìn xuống lòng đường, đều sạch như ai đó vừa lau chùi cẩn thận. Thế là thấy nếu mình vẩy tàn thuốc xuống thì thật xấu hổ.

Ở Đài Loan, từ nông thôn đến thành thị, nếu ai không hút thuốc đúng nơi qui định sẽ bị phạt mười ngàn Đài tệ (khoảng hơn bảy triệu tiền Việt Nam). Và thế là, những người hút thuốc không dám hút nơi cấm hút và nếu vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm minh chứ không có chuyện vì con ông, cháu cha hay vì những mối quan hệ này nọ mà được tha bổng. Ở đây là sự nghiêm minh của luật pháp và ý thức tự giác của người dân.

Phong cảnh Đài Loan.

Phong cảnh Đài Loan.

Việc ý thức giữ cho nơi chốn mình ở cho sạch đẹp thì người Việt chúng ta không biết bao giờ mới theo kịp nơi này. Tôi chính thức sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 1979. Và cho đến bây giờ, tôi chỉ thấy Hà Nội mỗi ngày một bẩn hơn và vô ý thức hơn. Tôi tin chắc chắn rằng những người đã sống ở Hà Nội lâu năm cũng sẽ đồng ý với tôi.

Và một sự thật mà tôi phải nói rằng: Các nhà quản lý của chúng ta là kém cỏi, thiếu trách nhiệm với đất nước và người dân chúng ta không có ý thức, nên chúng ta mới để môi trường và cảnh quan bừa bộn và nhếch nhác như thế. Như thế là như thế nào? Là đường phố, làng quê, sông hồ… ngập đầy rác thải và ô nghiễm nặng nề.

Ai đã đi Đài Loan đều biết rằng: Nếu người ngoại quốc hoặc người Đài Loan nhập cảnh mà mang theo thực phẩm, sẽ bị phạt tiền rất nặng và có thể bị tù. Còn chúng ta thì để cho hàng hóa nhiễm độc và thực phẩm bẩn của chính chúng ta và của một số nước làng giềng tràn ngập thị trường. Chúng ta thực sự đang giết chết chính mình. Nếu chúng ta không thay đổi cách quản lý và thay đổi ý thức sống thì chúng ta sẽ hết đời này đến đời khác sống trong một môi trường bẩn thỉu và ô nhiễm. Và suốt đời chúng ta nhìn các nước khác với một thèm muốn quá ư vô lý, là làm sao nước ta sạch sẽ được như của họ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top