Aa

Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn vì sao không hấp dẫn?

Mộc Trà
Mộc Trà vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 06/06/2019 - 23:01

Có lợi thế về đất, các dự án đều nằm vị trí trung tâm thành phố và dễ bán,... thế nhưng không hiểu lý do gì lợi nhuận Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn chỉ đi xuống?

Sáng 4/6, UBND TP.HCM đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND quận 1, về công tác tại Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên (SGCC). Theo quyết định này, ông Hải được phân công giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên. Tuy nhiên, ông Hải đã có đơn xin từ chức vào chiều cùng ngày.

Ông Hải là nhân sự do UBND TP.HCM quản lý, vì vậy tổng công ty này sẽ báo cáo sự việc và chờ chỉ đạo của UBND TP.HCM. Chưa rõ ông Hải xin từ chức lãnh đạo và không muốn làm việc tại SGCC vì lý do cá nhân hay do đơn vị SGCC không phải là doanh nghiệp nổi trội.

Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - Sageco là doanh nghiệp nhà nước được thành lập ngày 31/12/1996 của UBND TP.HCM. Năm 2003, UBND TP.HCM quyết định sát nhập Tổng Công ty Vật liệu xây dựng thành phố  -CMC vào Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - Sageco và lấy tên là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - SGCC.

Năm 2006, UBND TP.HCM có Quyết định số: 4198/QĐ-UBND về việc chuyển Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Năm 2010, SGCC được chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

SGCC đã triển khai thực hiện xác định giá trị tại thời điểm 31/12/2016 theo quyết định số 3805 của UBND TP.HCM ngày 25/7/2016. Tuy nhiên, UBND TP vẫn chưa ban hành quyết định giao tài sản cố định là công trình, vật kiến trúc trên đất và phê duyệt phương án sử dụng đất cho tổng công ty để thực hiện cổ phần hóa.

Tổng công ty theo đó vào ngày 17/1/2018 đã có văn bản gửi Ban đổi mới Quản lý doanh nghiệp xem xét trình UBND TP chấp thuận điều chỉnh thời điểm 31/12/2017 là thời điểm xác định giá trị Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV.

Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4957 điều chỉnh thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH MTV.

Kế hoạch năm 2019, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn cho biết sẽ hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả công tác sắp xếp doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại sau khi được UBND Thành phố phê duyệt. Tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa. Như vậy, đây là thời điểm SGCC đang trong giai đoạn chuyển giao phức tạp nhất từ trước đến nay.

SGCC hoạt động trong lĩnh vực chính là xây lắp, đầu tư dự án, tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác liên quan đến bất động sản xây dựng.

Về lĩnh vực xây dựng bất động sản, SGCC có 6 dự án đã triển khai gồm: Chung cư SGCC Bình Quoi tại Bình Thạnh, Cao ốc văn phòng 184 Nam kỳ tại quận 3, Chung cư SGCC Bình Quơi tại Bình Thạnh, Bệnh viện Đa khoa chợ Rẫy – Phnompenh, Chung cư SGCC Nguyễn Cửu Vân, Chung cư Nguyễn Văn Luông.

Hiện SGCC đang triển khai KCN Cái Mép. Dự án có diện tích 670ha tại xã Tân Phước và xã Phước Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu. Thời gian hoạt động dự kiến đến năm 2052. Mục tiêu dự án là đầu tư Xây dựng & kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, bao gồm: hệ thống đường giao thông; hệ thống cấp điện, hệ thống cấp và thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thông tin liên lạc,… và kinh doanh các kết cấu hạ tầng tạo ra.

Được biết, KCN vẫn đang tìm kiếm thêm nhà đầu tư. Hiện nay, KCN Cái Mép đã có 8 nhà đầu tư với diện tích hơn 150ha, với các dự án: Nhà máy xay xát bột mỳ Interflour Việt Nam (28,1ha), nhà máy khí hoá lỏng LPG và dự án Condensate (40,8ha)…

KCN Cái Mép là một trong những điểm nhấn của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gon

KCN Cái Mép là một trong những điểm nhấn của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gon

SGCC tới đây sẽ đầu tư Cao ốc Linh Trung 2 là dự án nhà ở xã hội tại quận Thủ Đức. Diện tích toàn khu là 15.649,3m2 với diện tích xây dựng là hơn 4.600m2. Tòa nhà này dự kiến xây dựng 18 tầng với 801 căn.

Với số dự án bất động sản nắm trong tay, SGCC được đánh giá là doanh nghiệp xây dựng bất động sản bậc trung tại Sài Gòn. Là doanh nghiệp Nhà nước đã có lợi thế về đất, các dự án nhà ở vị trí đẹp quy mô vừa phải dễ bán, chi phí tồn kho theo báo cáo tài chính không đáng kể. Thế nhưng không hiểu lý do gì mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khá lẹt đẹt, và liên tục giảm sút?

SGCC không mắc kẹt nhiều vào hàng tồn kho và chi phí dở dang

SGCC không mắc kẹt nhiều vào hàng tồn kho và chi phí dở dang

BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 741 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 138 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, mảng hợp đồng xây dựng chỉ đóng góp 20% tổng doanh thu (150,5 tỷ đồng); kinh doanh bất động sản góp 15% (114,5 tỷ). Riêng doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 476 tỷ đồng, chiếm đến 64% doanh thu.

Tính đến cuối năm 2018, tài sản ngắn hạn là 1.367 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tiền đương đương đạt hơn 500 tỷ đồng, gấp 10 lần số đầu năm. Đồng thời đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ hơn 600 tỷ đồng xuống còn 10 tỷ đồng. Bất động sản đầu tư của SGCC vẫn giữ ngang mức đầu năm khoảng 52 tỷ đồng, chi phí dở dang dài hạn hơn 735 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp còn 1.200 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với số đầu năm là do giảm thuế và khoản nợ của Nhà nước.

Không chỉ lợi nhuận năm 2018 của doanh nghiệp này giảm mà hai năm trước đó kết quả kinh doanh cũng liên tục đi xuống từ 10 - 40% doanh thu lợi nhuận mỗi năm. Và trong năm 2019 này, SGCC cũng đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thấp hơn năm 2018. Cụ thể, SGCC dự kiến doanh thu năm 2019 đạt 729,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 127,4 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động yếu trong mảng kinh doanh chính mà năng lực quản lý của SGCC cũng cần nhắc tới. SGCC nắm hàng chục công ty con - công ty liên kết nhưng đa phần quy mô nhỏ, làm ăn kém, thậm chí đi đến giải thể như Công ty CP Gạch ngói Sài Gòn (52,86%) và Công ty CP Kim Thạch (89,18%). 

Ông Đoàn Ngọc Hải sinh năm 1969, quê huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trước khi làm phó chủ tịch UBND quận 1, ông Hải là chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, quận 1; phó trưởng Phòng kinh tế quận 1; bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh, quận 1; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 1.

Ông Đoàn Ngọc Hải được nhiều người biết đến từ khi ông thực hiện chiến dịch dọn dẹp, chống lấn chiếm vỉa hè, trả lại lối đi cho người đi bộ bắt đầu từ năm 2017. Từ quận 1, phong trào "Giành lại vỉa hè" đã lan tỏa sang nhiều quận huyện khác của TP.HCM và một số địa phương khác trên cả nước.

Tháng 1/2018, Ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ gửi đơn xin từ chức vì "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân". Ông bày tỏ mong muốn khi trở lại là công dân sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ về các giải pháp căn cơ trong việc lập trật tự vỉa hè.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, ông Hải lại có đơn xin “rút đơn từ chức”. Lý do được ông Hải đưa ra là do đã nhận được nhiều động viên cũng như sự thuyết phục, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo. Ông đã suy nghĩ lại và mong muốn được tiếp tục cống hiến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top