Aa

Tổng giá trị tài sản Sacombank đang có vấn đề?

Thứ Ba, 16/05/2017 - 06:00

Kế hoạch tái cơ cấu chi tiết cho ngân hàng Sacombank vẫn chưa được công bố. Đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng này được hoãn lịch đến ngày 26/5 tới đây.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín - Sacombank (mã STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 với những con số khá khả quan.

Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 344 nghìn tỷ đồng. Kết thúc quý I/2017, tổng lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 309 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của STB ở mức 4,88%, giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, dù tỷ lệ đã giảm nhưng ngân hàng này vẫn tiếp tục chịu áp lực từ nợ xấu. Lãi ròng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016, mặc dù tăng trưởng tín dụng đã phục hồi với mức tăng trưởng 3,8%.

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp gần 38% vào tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Trong đó, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ đầu tư và hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh tương ứng 133% và 397% so với cùng kỳ.

STB đã cắt giảm chi phí hoạt động gần 6,0% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngân hàng đã không ghi nhận dự phòng trong quý 1 với khoản hoàn nhập 970 triệu đồng, giúp lợi nhuận trước thuế của công ty tăng 55,5%.

STB chính thức công bố trái phiếu đặc biệt Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VAMC) với tổng giá trị 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó, khoản lãi và phí phải thu là 42 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,2% tổng tài sản.

Theo SSI, triển vọng của STB vẫn không chắc chắn do tổng giá trị tài sản có vấn đề (trái phiếu đặc biệt VAMC trị giá 37,8 nghìn tỷ đồng và 10,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu) so với vốn chủ sở hữu là 23 nghìn tỷ đồng.

Theo một báo cáo khác của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Sacombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Không chỉ vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, con số nợ xấu của Sacombank còn cao hơn nhiều so với thực tế. Dù các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều nghi hoặc về “sức khỏe thật” của ngân hàng này, nhưng giá cổ phiếu STB lại có diễn biến khá tốt. Hiện giá giao dịch trên 12.000 đồng/cổ phiếu.

Nhân sự mới của Sacombank đến từ doanh nghiệp BĐS

Ở một diễn biến khác, mới đây, STB công bố thông tin tạm hoãn thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên từ ngày 28/4 sang ngày 26/05/2017 vì ngân hàng chưa chốt danh sách thành viên mới cho HĐQT và Ban Kiểm soát trong giai đoạn 2017-2021.

Tuy nhiên, ngân hàng đã công bố danh sách ứng cử viên cho Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát. Trong đó có bốn thành viên mới đến từ Vietcombank (VCB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) và Chứng khoán Liên Việt.

Gương mặt gây chú ý nhất là ông Nguyễn Đức Hưởng. Trước đó, ông Hưởng đã từ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại LienVietPostBank trong cuộc họp bất thường có thể hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu lại STB. Việc bổ nhiệm ông Hưởng và các thành viên khác từ VCB tham gia "sâu" vào Sacombank có thể là do ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch STB, đã ủy quyền toàn bộ cổ phần tại STB cho Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VAMC) theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Được biết, ông Hưởng có 25 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và đã để lại dấu ấn cực kỳ ấn tượng tại LienVietPostBank. Dù không tham gia hoạt động ban quản trị ngân hàng nhưng ông Hưởng vẫn sẽ tiếp tục là cố vấn cấp cao về chiến lược và đối ngoại của LienVietPostBank.

Ngoài ra, danh sách ứng cử viên cho Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát Sacombank kỳ này còn có bà Nguyễn Thị Bích Hồng - ứng viên thành viên HĐQT độc lập - Tổng giám đốc công ty chứng khoán Liên Việt (Công ty của Him Lam, hiện ông Dương Công Minh là chủ tịch công ty này còn bà Hồng là Tổng giám đốc).

Đáng chú ý, LienVietPostBank là cổ đông sáng lập của CTCP Him Lam. Doanh nghiệp BĐS này cũng là cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank với 14,98% vốn. Chủ tịch LienVietPostBank là ông Dương Công Minh. Ông Minh đồng thời cũng là Chủ tịch Him Lam với 99% vốn điều lệ.

Được biết, ông Hưởng cũng là người sát cánh cùng ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HimLam. Theo tìm hiểu, Him Lam đã đầu tư và đang xây dựng hơn 70 dự án nhà ở, khu đô thị mới, trong đó nhiều dự án gần trung tâm thành phố. Hiện Him Lam đang kinh doanh các dự án Him Lam Phú An, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Riverside (quận 7), The Hyco4, Khu đô thị Him Lam Tân Hưng … Dự án sắp thực hiện của Him Lam có Khu Công viên Công nghệ thông tin Hà Nội tổng vốn 9.500 tỷ đồng...

Him Lam có thể không phải là "kho vốn" để cơ cấu lại Sacombank nhưng hai trong số những nhân sự chủ chốt mới của Sacombank đến từ doanh nghiệp BĐS này cũng khiến dư luận "xôn xao". Dù đặt nhiều dấu chấm hỏi về Sacombank, nhưng hơn bao giờ hết, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi một kế hoạch tái cơ cấu chi tiết hơn, có thể sẽ được công bố trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top