Aa

Tổng giám đốc Đại Phúc Land: "Cần một kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tổn thất"

Thứ Năm, 13/02/2020 - 06:00

Đến thời điểm hiện tại, đại dịch Corona đã trở thành “mồi lửa” tiếp tục đẩy doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với những khó khăn mới.

Theo bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, các cơ quan Nhà nước cần phải nhanh chóng đánh giá mức độ thiệt hại mà đại dịch gây ra cho các ngành nghề, đặc biệt là bất động sản. Bà Hương nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tổn thất cao nhất”.

PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với bà Hương Nguyễn để hiểu rõ hơn những gì doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt và sự chuẩn bị để ứng phó trong giai đoạn nhiều khó khăn này. 

PV: Từ khóa trong những ngày qua đều liên quan đến “dịch Corona”. Bà đánh giá như thế nào về tác động của dịch nCOV đến các doanh nghiệp bất động sản?

Bà Hương Nguyễn: Các ngành nghề đang bị tác động trực tiếp không thể không nhắc tới là nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch… Đặc biệt, những sản phẩm dịch vụ đang có sự sụt giảm nhanh chóng, con số ước lượng có thể lên tới 50 - 70%.

Riêng đối với bất động sản, chúng ta cần xem xét trên 2 góc độ đầu tư.

Thứ nhất, tâm lý đầu tư đang e dè vì xu hướng ngại tụ tập đám đông hay tiếp xúc với người lạ.

Thứ hai, phương án tổ chức tiếp cận với khách hàng đang khó hiệu quả. Do đa phần, các doanh nghiệp ở TP. HCM đều bán hàng thông qua hình thức mở bán, thu hút khách hàng tới tham dự.

PV: Xin bà cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang ứng phó như thế nào trước tác động của dịch Corona?

Bà Hương Nguyễn: Cuối năm ngoái, doanh nghiệp đã có xu thế chuyển sang giải pháp tiếp cận, tư vấn cho khách hàng bằng giải pháp công nghệ. Khách hàng có thể xem thông tin sản phẩm trực tuyến.

Chúng tôi cũng vậy! Trước đó, Đại Phúc đã có giải pháp về công nghệ, chủ động sử dụng phần mềm, tư vấn trực tuyến trên app. Thông qua trải nghiệm trên app, khách hàng có thể hình dung thực tế về chính sản phẩm của mình.

Trong thời điểm ứng phó với dịch Corona, muốn tiếp cận với khách hàng, tôi cho rằng, doanh nghiệp phải thay đổi. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng chuyển dịch, bắt nhịp với công nghệ chậm hơn.

PV: Thị trường bất động sản năm 2019 được nhận định đã trải qua một năm đầy biến động. Những nhận định cho bức tranh năm 2020 còn nhiều gam màu tối. Và đến hiện tại, đại dịch Corona xảy ra, tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường. Có vẻ như thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn chồng khó khăn hơn?

Bà Hương Nguyễn: Chắc chắn lượng khách hàng tiềm năng quan tâm sẽ giảm bởi tâm lý e ngại tiếp xúc đám đông. Doanh nghiệp khó khăn và thị trường chững lại.

Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở vẫn lớn vì đó là nhu cầu bức thiết của mỗi con người. Một thành phố đông dân như TP.HCM, cầu thực về nhà ở vẫn chưa được đáp ứng. Thế nên, với một số doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu ở thực, có phương án bán hàng tốt vẫn đều đặn mang về dòng tiền kinh doanh.

Trong khi đó, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền có thể bị tác động bởi dịch Corona vì khó tổ chức sự kiện mở bán. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc hướng tới nhà đầu tư nên mức độ thanh khỏan chậm sẽ chậm vì lượng giao dịch giảm.

Nhu cầu về nhà ở vẫn lớn.

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò điều tiết của cơ quan Nhà nước đối thị trường bất động sản trong bối cảnh đại dịch Corona như hiện tại?

Bà Hương Nguyễn: Chúng ta cần có một kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tổn thất cao nhất. Chính phủ và các bộ ban ngành cần có báo cáo đầy đủ về mức độ tác động của dịch Corona đến các ngành nghề, thiệt hại dự tính có thể xảy ra. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, khả năng kiểm soát dịch bệnh, phòng chống đang trong tầm kiểm soát. Nhưng rõ ràng, mức độ ảnh hưởng về tâm lý về hiệu quả kinh doanh của các ngành nghề là không nhỏ. Khi có đánh giá tác động của dịch bệnh lên các ngành kinh tế ngắn hoặc dài hạn, doanh nghiệp sẽ có giải pháp để ứng phó, điều chỉnh chiến lược phát triển, biện pháp.

Ví dụ, với bất động sản, tác động Corona đến phân khúc nào, lượng cung còn tồn đọng là bao nhiêu. Chính doanh nghiệp có định hướng phát triển cho sản phẩm của mình. Phía cơ quan Nhà nước cũng có biện pháp hỗ trợ để giải quyết hàng tồn kho. Bởi nếu tồn kho quá lớn, bất động sản bị ảnh hưởng thì chắc chắn cuộc sống của người dân cũng bị tác động tiêu cực. Nếu các lĩnh vực đồng loạt xảy ra hiện tượng sụt giảm đồng loạt trong kinh doanh, mà thiếu đi sự hỗ trợ, thiếu đi chiến lược phát triển kịp thời trên cơ sở đánh giá chung thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ kiệt sức. Lúc đó, đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp sẽ sụt giảm.

Ngay cả đến hiện tại, chứng khoán đang đỏ sàn. Điều gì sẽ xảy ra nếu mức độ lao đao của doanh nghiệp sẽ rất lớn từ tác động của dịch Corona.

Chính phủ và cơ quan ban ngành là phải ứng phó, đưa ra giải pháp để giảm thiểu những thiệt hại tối đa cho doanh nghiệp. Đó là vấn đề rất cần thiết.

PV: Bà có kiến nghị, đề xuất gì với cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản?

Bà Hương Nguyễn: Bất động sản là vấn đề mang tính dài hơi. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể tìm giải pháp tiếp cận khách hàng thuận lợi, phù hợp. Nhưng trong dài hạn, điểm nghẽn về thủ tục hành chính vẫn còn tồn đọng. Nguyên nhân này đã tồn tại từ lâu, khiến doanh nghiệp đã khó khăn, nay còn dễ lao đao trước tác động của Corona. Vậy làm gì để nhịp đập của thị trường bất động sản quay trở lại? Làm gì để sự hoạch định của doanh nghiệp đi vào quỹ đạo ban đầu. 

Để đảm bảo sự phát triển đó, cơ quan quản lý cần có giải pháp rõ ràng, có lộ trình tháo gỡ khó khăn cốt lõi cho doanh nghiệp, đó là thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đánh giá tác động thị trường, khuyến nghị để doanh nghiệp có sức bật. Đây là thời điểm không thể lơ là, không thể tập trung vào những vấn đề ngoài lề mà cần tổng lực giải quyết khó khăn. Hỗ trợ không nhất thiết phải tiền, mà hỗ trợ, tạo sức bật cho doanh nghiệp còn đến từ cơ chế, hành lang pháp lý, thủ tục hành chính.

- Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top