Aa

TP.HCM: Cảnh báo "bẫy giá" đất nền

Thứ Bảy, 30/03/2019 - 14:01

TP.HCM: Cảnh báo "bẫy giá" đất nền; Nỗ lực thổi giá bất thành của cò đất Vân Đồn;Đà Nẵng, bất động sản hạng sang trở lại... là những tin tức nổi bật 24h qua.

TP.HCM: Cảnh báo "bẫy giá" đất nền

Trong vai người đi mua đất nền vùng ven TP.HCM, phóng viên Báo Hà nội mới gặp một người đàn ông tên Hùng (hoạt động dịch vụ nhà đất tại ấp Bình An, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) giới thiệu khu đất có diện tích gần 17.000m2 nằm ở mặt tiền đường Rừng Sác thuộc ấp Bình An, xã Bình Khánh. Ông Hùng cho biết, khu đất trên có 2.300m2 là đất thổ cư (đất xây dựng nhà ở), còn lại là đất nông nghiệp. "Anh mua tôi sẽ bán lại với giá 8,5 triệu đồng/m2 . Mức giá này là "mềm" (thấp hơn) so với các khu đất lân cận", ông Hùng ngã giá.

Cũng theo lời ông Hùng, từ sau Tết Nguyên đán 2019, giá đất khu vực huyện Cần Giờ đã tăng tới 50%. "Sau khi có thông tin sắp xây cầu Cần Giờ, người dân quận 2, quận 9 qua đây mua rất đông. Người mua nhiều hơn người bán. Phòng công chứng huyện bây giờ tôi chen chân còn không được. Nếu anh đầu tư lớn thì nên mua sớm khi giá đất còn rẻ", ông Hùng nói.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa nguồn lực đất đai vào khai thác đúng tiềm năng, giá trị.

TP.HCM sẽ đưa nguồn lực đất đai vào khai thác đúng tiềm năng, giá trị.

Tuy nhiên, thực tế mức giá 8,5 triệu đồng/m2 là mức giá đã được dân đầu cơ, "cò đất" đẩy lên gấp nhiều lần so với giá trị thực. Trước Tết Nguyên đán, giá đất khu vực huyện Cần Giờ (đất nông nghiệp có tỷ lệ nhỏ thổ cư) cũng chỉ ở mức 2-3 triệu đồng/m2. Còn tại quận 9, khảo sát của phóng viên cho thấy, giá đất nền mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn gần giao cắt với Xa lộ Hà Nội) không có lô nào dưới 100 triệu đồng/m2 , có lô lên tới 160 triệu đồng/m2 , tăng từ 20 đến 30% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2019. Được biết, đây là mức giá khá cao so với mặt bằng giá cả của thị trường nhà đất tại TP.HCM hiện nay.

Theo Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần bảng giá đất của thành phố. Điều này là bất thường, khiến công tác quản lý tài nguyên đất đai và chiến lược phát triển đô thị của thành phố bị ảnh hưởng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, sốt ảo giá đất nền là do giới đầu nậu và "cò" móc nối với chủ đất để phân lô, tách thửa tràn lan.

Xem chi tiết tại đây.

Đà Nẵng, bất động sản hạng sang trở lại

Nhà ở xây sẵn và căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng đang tỏ ra hấp dẫn giới đầu tư, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, các dự án tung ra đều “cháy hàng”. Bên cạnh nhu cầu tăng do giới giàu có tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đổ tiền vào phân khúc này, sức hút của bất động sản hạng sang tại Đà Nẵng còn được lý giải bởi khả năng sinh lời cao. Ghi nhận của CBRE Việt Nam cho thấy, phân khúc nhà phố, biệt thự hạng sang tại Đà Nẵng có giá trị khai thác từ việc cho thuê đạt 3-6%/năm, đặc biệt mức phổ biến nhất là 4-5%/năm.

Một cách đầu tư khác cũng khá phổ biến hiện nay đối với nhà ở, căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng là tích lũy hoặc bán lại, khai thác lãi trên vốn. Đây là kênh đầu tư hứa hẹn biên lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng, hoặc nếu nhắm đến khả năng khai thác thương mại có thể thu về dòng tiền tối thiểu 3-4%/ năm.

Dự án hạng sang ven sông do VN Đà Thành và Đất Xanh Đà Nẵng đang phát triển hứa hẹn tỏa sáng năm 2019.

Dự án hạng sang ven sông do VN Đà Thành và Đất Xanh Đà Nẵng đang phát triển hứa hẹn tỏa sáng năm 2019.

Với tiềm năng gia tăng giá trị to lớn, phân khúc bất động sản hạng sang ở Đà Nẵng đang là kênh đầu tư được nhiều khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, giao dịch ở phân khúc này thời gian gần đây không còn dễ dàng do sự thiếu hụt về nguồn cung.

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản cho biết, trong quý IV/2018, tại Đà Nẵng hầu như không có dự án cao cấp được chào bán, ngoài một số sản phẩm đất nền ở khu vực xa trung tâm. Các sản phẩm được giao dịch phần lớn là từ những dự án đã chào bán từ những quý trước. Như vậy, tiềm năng tài chính mạnh cũng không đảm bảo cơ hội sở hữu bất động sản hạng sang tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Các chủ đầu tư thậm chí còn có “quyền lực” chọn những cư dân “đủ chuẩn”, phù hợp với triết lý thiết kế và phong cách sống văn minh, thượng lưu mà dự án hướng tới.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiều đại gia địa ốc tấn công thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo ghi nhận, cuối năm 2018, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư kinh doanh bất động sản, từ những ông lớn đến những doanh nghiệp nhỏ, các nhà phân phối đều cùng lúc tham gia thị trường. Đây cũng là thời điểm bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành cơn sốt mới của giới địa ốc, chính quyền phải vào cuộc ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng trái phép.

Đến thời điểm này, bất động sản nơi đây tiếp tục rục rịch. Hoạt động mua bán, các NĐT quay trở lại thị trường và những kế hoạch mở bán sản phẩm mới của doanh nghiệp bất động sản cũng bắt đầu chộn rộn trở lại.

Lợi thế biển đẹp trải dài là điểm nhấn khiến khu vực này tạo tiềm năng riêng

Lợi thế biển đẹp trải dài là điểm nhấn khiến khu vực này tạo tiềm năng riêng

Trước đó, thị trường nhà đất nơi đây vốn sôi động khi hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đổ bộ. Chẳng hạn, Công ty Hưng Thịnh triển khai hơn 400 sản phẩm đất nền, Công ty Bất động sản Eximrs đầu tư dự án đất nền sổ đỏ Baria Central, hay Công ty Danh Khôi có 427 căn nhà phố thương mại thuộc dự án khu đô thị Barya Citi; Công ty Allgreen Vượng Thành - Trùng Dương đầu tư dự án biệt thự biển Regency ở Chí Linh, TP.Vũng Tàu và một dự án ở Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tập đoàn Novaland cũng từng tham gia vào dự án khu nghỉ dưỡng quy mô Palm Beach Vũng Tàu.

Mới đây, Công ty CP Yeshouse cho biết, năm 2019 sẽ triển khai một dự án mới về du lịch sinh thái tại Bà Rịa. Dù chưa cụ thể thời điểm mở bán trong năm nhưng đại diện đơn vị này tiết lộ, đây là dự án có quy mô lớn với tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng cao. Dự án liền kề khu hành chính Bà Rịa và các tiện ích đã hiện hữu. Đơn vị này cũng cho hay, hiện đang hoàn thiện về mặt pháp lý trước khi giới thiệu dự án mới nhằm giảm thiểu rủi ro và tính thanh khoản cao khi ra hàng.

Xem thêm tại đây.

Cắt cơn sốt đất, hết thời chụp giật ở Khánh Hòa

Đánh giá về bất động sản Khánh Hòa, ông Văn Dũng Chinh, Tổng Giám đốc Cát Lợi Real, cho rằng, thị trường năm 2018 đã có bước chững lại, khi trải qua tăng trưởng nóng năm 2016, 2017. Chững lại về giao dịch, giảm giá từ 10 - 30% là sự cần thiết. Sang năm 2019, thị trường có giao dịch trở lại, nhưng đạt dấu mốc như 2017 là khó xảy ra.

“Đặc biệt, Khánh Hòa đang có sự vào cuộc quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương, thanh tra về quy hoạch xây dựng, sử dụng đất công. Vì thế sản phẩm tung ra thị trường từ giữa 2018 đến nay không nhiều. Chỉ có vài dự án đáp ứng điều kiện và tung ra thị trường. Những sản phẩm này tập trung ở dòng sản phẩm trên dưới 1 tỷ, đây là nhu cầu thực của người tiêu dùng”, ông Chinh nhận định.

Chủ tịch hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, ông Trần Đình Quý, cũng cho rằng, thị trường hạ nhiệt từ năm 2018 vì năm 2017 đã phát triển quá nóng.

“Chính quyền thấy được sự phát triển nóng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nên siết chặt từ chủ đầu tư đến môi giới. Muốn mua bán phải có đầy đủ pháp lý, dẫn đến thị trường tốt theo hướng chuyên nghiệp”, ông Quý nói.

Cũng theo người đứng đầu hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, trong 1 tháng trở lại đây, nhiều địa phương trong cả nước có hiện tượng sốt đất ảo, cho thấy sự phát triển chụp giật. Trong năm qua Khánh Hòa siết chặt, nên không có tình trạng này.

“Khánh Hòa giờ đã qua thời kỳ sống chung với đất ảo, hướng tới là một thị trường bất động sản ổn định bền vững, ăn chắc mặc bền. Đây là thời điểm người mua được quyền chọn lựa, so kè giá, so kè chất lượng, quyền lợi người mua… Đây là giá trị tốt. Thị trường có thể khởi sắc nhưng không “hot” như trước”, ông Quý nhận định.

Xem thêm tại đây.

Nỗ lực thổi giá bất thành của cò đất Vân Đồn

Anh Tuấn (Hà Nội) dừng xe trên Đại lộ Vân Đồn, địa phận ngay đầu huyện đảo này - nơi có tin đồn cơn sốt đất đang diễn ra. Anh vừa mở cửa ôtô, người đàn ông đi xe máy đỗ ngay trước mặt và nói một tràng: "Anh đi mua đất phải không? Có nhu cầu như thế nào, em giới thiệu cho. Trong này có 2 lô, chủ nhà nói nếu được giá sẽ bán", người đàn ông vừa nói vừa chỉ tay về phía dự án đang san nền, làm hạ tầng còn ngổn ngang. Anh này còn cho biết, khoảng 2 tháng nay, chủ lô đất đòi tăng giá bán 2 triệu đồng mỗi m2 theo diễn biến của những khu vực xung quanh. 

Hai năm nay, cứ thấy ôtô biển số từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... là người dân ở đây đoán khách đến tìm mua đất. Tận dụng là thổ địa, nhiều người biết thông tin các lô đất cần bán đã trở thành môi giới. 

Khoảng năm rưỡi trước, Vân Đồn là "tụ điểm" của hàng trăm môi giới từ các tỉnh phía Bắc đổ về. Tuy nhiên, từ khi lệnh dừng giao dịch tại Vân Đồn được áp dụng, môi giới tại đây gần như vắng bóng.

Hai tháng gần đây, cảnh ôtô biển số ngoại tỉnh đến Vân Đồn săn đất đầu tư mới trở lại, đặc biệt từ khi các tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thông xe. Nhà đất cũng có giao dịch trở lại khi một vài dự án khu đô thị, khu dân cư, nghỉ dưỡng có những động thái mới như khởi công, ký kết với đối tác hoặc rục rịch mở bán.

Ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch huyện Vân Đồn cho biết, từ đầu năm đến nay, sau khi chính quyền cho mở cửa trở lại, các giao dịch trên địa bàn có tăng nhẹ. Song ông cũng khẳng định không xảy ra tình trạng sốt giao dịch hay giá bán.

Đà tăng giá của bất động sản Vân Đồn đã dừng lại, lượng giao dịch chững khiến một số nhà đầu tư không thoát được hàng. Tại thị trấn Cái Rồng - trung tâm huyện Vân Đồn, đường 334 là trục giao thông chính và cũng là nơi giá đất cao nhất. Anh Ngọc, một môi giới là người dân bản địa cho biết, có một lô đất tại đây vừa được rao bán với mặt bằng giá mới, vào khoảng 70 triệu đồng một m2, tăng khoảng 10 triệu đồng so với cuối năm ngoái.

Xem thêm tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top