Aa

TP.HCM: Giá dịch vụ chung cư cao nhất 6.000 đồng/tháng

Thứ Năm, 05/04/2018 - 06:00

Đây là khung giá được áp dụng cho việc thu phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.HCM theo quy định của Luật Nhà ở do UBND TP.HCM vừa ban hành.

Theo đó, mức giá tối thiểu là 500 - 1.500 đồng/m2/thông thủy/tháng; Mức giá tối đa: 3.000 - 6.000 đồng/m2/thông thủy/tháng (tùy thuộc vào chung cư không có hay có thang máy).

Mức giá nêu trên chưa có các dịch vụ gia tăng (tắm hơi, bể bơi, Internet, sân tennis, truyền hình cáp hoặc các dịch vụ gia tăng khác) và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Khung giá này được áp dụng cho việc thu phí quản lý, vận hành nhà chung cư (NCC) thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM theo quy định tại Điều 106 Luật Nhà ở. Đây cũng là cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành NCC với chủ sở hữu, người sử dụng NCC. Trường hợp giữa các chủ thể không thỏa thuận được giá dịch vụ quản lý vận hành NCC thì cũng áp dụng mức giá trong khung giá này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khung giá này không áp dụng đối với NCC cũ thuộc sở hữu nhà nước mà chưa được cải tạo, xây dựng lại; NCC xã hội chỉ để học sinh, sinh viên và công nhân ở theo hình thức tập thể nhiều người trong một phòng; đã thống nhất về giá dịch vụ quản lý tại hội nghị NCC; đã có thỏa thuận chung về giá dịch vụ quản lý vận hành NCC trong hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua căn hộ.

Trường hợp doanh nghiệp quản lý vận hành NCC được hỗ trợ giảm giá dịch vụ hoặc chung cư có các khoản thu kinh doanh dịch vụ từ các diện tích thuộc phần sở hữu chung thì phải được tính để bù đắp chi phí quản lý vận hành NCC nhằm giảm giá dịch vụ NCC và có thể thu kinh phí thấp hơn mức giá tối thiểu theo khung giá trên.

Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Khoản 5 Điều 106 Luật Nhà ở quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành NCC để áp dụng cho các trường hợp thu kinh phí quản lý vận hành NCC thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; Làm cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành NCC với chủ sở hữu, người sử dụng NCC; trường hợp không thỏa thuận được giá dịch vụ quản lý vận hành NCC thì áp dụng mức giá trong khung giá dịch vụ do UBND cấp tỉnh ban hành.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận hành Kỹ thuật tòa nhà - CBRE Hà Nội cho rằng, khung giá nêu trên mới chỉ đáp ứng tối thiểu đối với những nhà chung cư trung bình và thấp. 

“Giá dịch vụ này liên quan đến chất lượng dịch vụ của cư dân như tiện ích, thái độ phục vụ... Nếu giá dịch vụ cao, khi đó phí vận hành vẫn đảm bảo được công tác bảo trì thì có thể sẽ không phải sử dụng đến quỹ bảo trì. Ngược lại, khi phí dịch vụ thấp, quá trình bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, kỹ thuật tòa nhà sẽ lấy chi phí từ quỹ bảo trì chứ không lấy ở quỹ vận hành nữa. Chung quy lại cũng là tiền túi của dân. Trong trường hợp mức giá dịch vụ chung cư TP ban hành quá thấp, một số đơn vị quản lý linh hoạt chuyển chi phí bảo dưỡng sang quỹ bảo trì để đẩy chất lượng dịch vụ cao lên”, ông Trung cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, so với mặt bằng bình dân thì đây là khung giá hợp lý. Nếu cư dân thấy khung giá đó không đủ so với nhu cầu tiện ích, dịch vụ của họ thì có thể thỏa thuận với BQL tòa nhà nâng mức giá lên vì đây là câu chuyện tự nguyện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top