Aa

TP.HCM lo khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng trong năm 2020

Thứ Năm, 14/12/2017 - 02:40

Quy hoạch phát triển xi măng được TP phê duyệt năm 2011 là đến năm 2020 phải di dời toàn bộ các nhà máy, trạm trộn, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố. Việc này có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá. Nhưng nếu không di dời thì lại đặt ra một bài toán về phát triển bền vững cho đô thị.

Lo ngại này được ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây.

Đến năm 2020 sẽ khan hiếm cát, xi măng?

Theo ông Trần Trọng Tuấn, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 9 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất xi măng với 10 trạm nghiền. Trong đó, có 6 cơ sở chưa phát huy hết công suất, số còn lại vượt công suất.

Nhận định nhu cầu về xi măng đến năm 2020 của TP.HCM là 13,44 triệu tấn mỗi năm. Công suất sản xuất của 10 cơ sở hiện nay là hơn 10 triệu tấn.

“Khả năng đầu tư để nâng công suất của 10 cơ sở này là có. Có cơ sở đang đề xuất xin nâng công suất lên. Như vậy sản xuất theo nhu cầu của TP.HCM đến năm 2020 là có thể thực hiện được”, ông Tuấn nói.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM lo ngại “Việc di dời toàn bộ nhà máy xi măng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM lo ngại việc di dời toàn bộ nhà máy xi măng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, quy hoạch phát triển xi măng được TP phê duyệt năm 2011 là đến năm 2020 phải di dời toàn bộ các nhà máy, trạm trộn, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố. Trong khi đó, một số nhà máy đầu tư 2 dây chuyền sản xuất nhập từ Đức về, mỗi dây chuyền khoảng 1.200 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh nghiệp họ mới thu hồi vốn đầu tư nhưng đến năm 2020 phải di dời ra khỏi thành phố theo quy hoạch.

“Việc di dời toàn bộ nhà máy xi măng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá. Nhưng nếu không di dời lại đòi hỏi đô thị phát triển bền vững”, ông Tuấn lo ngại.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clinker sản xuất trong nước và đã xuất khẩu clinker và xi măng ra nước ngoài tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Cả nước có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 98,56 triệu tấn/năm. Nước ta hiện đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clinker nhiều nhất thế giới. Các sản phẩm xi măng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Dự kiến đến hết năm 2017 cả nước sẽ có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 98,56 triệu tấn mỗi năm.

Bên cạnh lo ngại về tình trạng khan hiếm xi măng trong năm 2020, tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng đề cập đến vấn đề nguồn cung cát xây dựng trong thời gian tới. Theo nhận định của vị này, năm 2017 mặt hàng này chịu nhiều biến động, trong đó TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do giá cát tăng cao.

Sở Xây dựng TP.HCM và sở 19 tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ đã thảo luận, tính toán cho thấy, tổng trữ lượng cát có thể khai thác được tại tất cả các địa phương này đến năm 2020 là gần 250 triệu mét khối. Tổng nhu cầu sử dụng là hơn 366 triệu mét khốim lớn hơn nhiều so với trữ lượng.

Trong khi đó, nguồn vật liệu có thể thay thế cát tự nhiên theo ông Tuấn nhìn chung không có nhiều. “Chúng tôi khảo sát tổng hợp trong 19 tỉnh thành thì chỉ 6 địa phương có có nguồn thay thế vật liệu cát tự nhiên.  Như vậy một vấn đề rất lớn được đặt ra là nguồn cung cát xây dựng cũng như vật liệu thay thế phải làm sao để đảm bảo cho thị trường, chất lượng xây dựng. Cơ quan quản lý cần có thảo luận để đưa ra những giải pháp toàn diện về quy hoạch, phát triển, tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Tuấn đề nghị.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp khác cho rằng, sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống hiện nay tại nước ta tiêu tốn nguồn nguyên liệu, năng lượng lớn và góp phần gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất và phát triển các loại vật liệu xây dựng giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường là điều cấp thiết hiện nay.

Tín hiệu lạc quan

Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính,

Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính. 

Mặc dù còn nhiều lo ngại về tình hình vật liệu xây dựng từ nay cho đến 2020 song tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cũng đưa ra những nhận định tương đối khả quan về thị trường này.

Theo đó, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính, trong đó xi măng, kính xây dựng và gạch ceramic đứng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng cũ kỹ, lạc hậu đã và đang được thay thế bằng công nghệ tiên tiến hiện đại trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, giúp ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hoà nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới. 

Sản lượng sản xuất gạch ốp lát các loại (gạch ceramic, granite, cotto) hiện vào khoảng 540 triệu mét vuông/năm, đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20 - 25% tổng công suất.

Đối với đá ốp lát tự nhiên, các doanh nghiệp trong nước đã áp dụng công nghệ khai thác hiện đại, hạn chế tối đa việc nổ mìn ảnh hưởng tới môi trường và an toàn lao động.

Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đạt 14,7 triệu sản phẩm/năm, đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tổng công suất sản xuất kính phẳng xây dựng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn.

Hiện tại, có 5 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 2.600 tấn/ngày tương đương 182 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn/năm. Như vậy, khi các dự án trên đi vào sản xuất, tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam sẽ là 6.680 tấn/ngày tương đương 466 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn/năm.

Tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM… qua đó, khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung với công suất đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên.

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ như sản xuất xi măng tiết kiệm năng lượng; sản xuất kính tiết kiệm năng lượng sử dụng trong tòa nhà; các chất phủ chống bám bẩn trên các vách dựng kính, vật liệu ốp lát trên các công trình; cải tiến công nghệ giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất kính và gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh; sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung trong xây dựng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường; sử dụng tối đa các loại chất thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top