Aa

TP.HCM: "Cầu chờ đường, đường chờ cầu" và hàng chục dự án dang dở

Thứ Bảy, 11/07/2020 - 16:15

Trong giai đoạn 2018 - 2020, TP.HCM dự kiến đầu tư 85 dự án giao thông, nhưng đến nay chỉ có 14 dự án hoàn thành, đạt 16%.

Dự án Cầu Bưng được khởi công từ năm 2017, đến nay mới đạt 35% tiến độ

“Cầu chờ đường, đường chờ cầu”

Tại phiên thảo luận về các dự án giao thông trọng điểm, đại biểu Lê Minh Đức cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, Thành phố dự kiến đầu tư 85 dự án, nhưng đến nay chỉ có 14 dự án hoàn thành (16%). Như vậy, tỷ lệ đạt được còn thấp, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giao thông rất khó khăn.

Nguyên nhân là thiếu nguồn vốn đầu tư, vướng mặt bằng, sự thiếu quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương trong bàn giao mặt bằng, có nhiều dự án triển khai chậm hoặc triển khai đến mức độ nào đó thì dừng lại.

Lấy ví dụ từ dự án cầu Nam Lý (quận 9), ông Đức cho biết, dự án khởi công từ tháng 10/2016 và dự kiến 1,5 năm xong, nhưng dự án phải dừng lại 2 năm nay để chờ mặt bằng, lý do là “cầu chờ đường, đường chờ cầu”.

“Cầu làm xong rồi, nhưng hai đường vào cầu không có mặt bằng thi công. Điều này, người dân rất bức xúc. Cử tri mong muốn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương trong việc cam kết với Thành phố về bàn giao mặt bằng thực hiện thi công cần tính toán có xử lý, kiểm điểm trách nhiệm hay không? Vì nếu không làm mạnh thì sự quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền không có”, ông Đức nói và nhấn mạnh, “nhiều dự án rất chậm và… ngâm chưa biết đến ngày nào xong”.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, hiện nay số lượng công trình giao thông trọng điểm đề ra rất nhiều, nhưng so với tình hình thực hiện, tính khả thi rất khó để làm. Chưa kể, nhiều dự án được khởi công mới, trong khi đó nhiều dự án triển khai kéo dài chưa được tập trung giải quyết dứt điểm.

“Trong thời gian tới, Thành phố cần có giải pháp quyết liệt. Đó là có nguồn lực bao nhiêu thì nên đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, thứ tự ưu tiên để sắp xếp công trình trọng điểm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tháo gỡ nút thắt về đơn giá bồi thường”, ông Nhựt kiến nghị.

Vẫn câu chuyện mặt bằng

Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho rằng hiện có nhiều dự án giao thông còn chậm tiến độ. Điển hình, các công trình như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (quận Bình Tân và Tân Phú)… đã khởi công từ lâu nhưng kéo dài đến nay chưa xong.

“Các dự án chậm tiến độ không những gây ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”, ông Tuyến nói.

Nói về những khó khăn hiện nay, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho rằng, hiện nay, vấn đề các công trình giao thông chậm tiến độ có một phần trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn khảo sát, nhà thầu thi công. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lớn mà quan trọng là vấn đề vướng mắc về giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi cam kết khi có mặt bằng sạch sẽ đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành theo kế hoạch”, ông Phúc nói.

Còn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Trần Quang Lâm cho rằng, về thứ tự ưu tiên, tất cả dự án trong danh mục ưu tiên đầu tư để giải quyết giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đều thực hiện theo quy hoạch và xuất phát từ nhu cầu phát triển của các quận, huyện.

Trước đây, có dự án do quận, huyện chủ động đề xuất, có dự án do Sở chủ động đề xuất. Sắp tới, theo Luật Đầu tư công mới thì quận, huyện cùng Sở lập đề xuất đầu tư và trên cơ sở đó trình HĐND Thành phố thông qua.

“Hiện nay, Sở đang phối hợp với các sở, ngành để tham mưu UBND Thành phố phân cấp rõ. Mặt khác, hiện nay, Sở đã có Trung tâm mô phỏng giao thông, căn cứ vào mức độ ùn tắc giao thông dự báo để xây dựng thang điểm ưu tiên cho từng dự án”, ông Lâm cho biết.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết, đối với dự án cầu đường Bình Tiên, trước đây dự định thực hiện theo hình thức BT và có nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án. Quá trình làm chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện và nhà đầu tư triển khai chậm.

Đặc biệt, sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì hình thức BT bị ngưng nên dự án không còn triển khai thực hiện nữa và sẽ nghiên cứu đầu tư theo hướng khác.

Riêng với dự án cầu Bưng, ông Hoan khẳng định, dự án này xử lý không gặp khó. “Chúng ta không bồi thường về đất cho doanh nghiệp vì đất là của chúng ta. Khi thu hồi đất thì có hai vấn đề, một là xem tài sản trên đất có bị ảnh hưởng không thì hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp. Hai là phần diện tích thu hồi thuộc về đầu tư công thì rõ rồi, phần đất còn lại (bị thu hẹp) thì ký lại hợp đồng cho doanh nghiệp thuê theo hướng giảm giá thuê. Không có gì khó khăn cả”, ông Hoan nói.

Còn Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, trong quá trình HĐND Thành phố đi giám sát dự án cầu Bưng thì không thấy liên quan gì đến hai doanh nghiệp và vướng mắc, ở đây là sự phối hợp của các quận và các sở/ngành.

“Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường cứ đẩy qua đẩy lại, gửi lên Bộ cũng gặp tình trạng này. Khu vực này chỉ có hàng rào, cái sân thôi”, bà Lệ nói và đề nghị UBND Thành phố cần quan tâm và phải có chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ cây cầu này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top