Aa

TP.HCM: Doanh nghiệp địa ốc Nhật Bản cam kết sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển hạ tầng đô thị

Thứ Ba, 06/03/2018 - 03:10

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM phấn đấu di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 căn hộ trên và ven kênh rạch. Trong quá trình thực hiện kế hoạch đó, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn tham gia vào các dự án lớn này, góp phần giải quyết các thách thức như kẹt xe, tập trung dân số, ô nhiễm môi trường đồng thời cam kết sẽ áp dụng công nghệ hiện đại để đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị cho TP.HCM.

Tại hội thảo: "Chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM" do Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) và Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái (J-CODE) tổ chức mới đây, ông Keiji Kimura, Chủ tịch J-CODE cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hoá nhanh mà Nhật Bản đã trải qua nên thấu hiểu và mong muốn hợp tác để giải quyết các thách thức như kẹt xe, tập trung dân số, ô nhiễm môi trường. Phía Nhật Bản cam kết sẽ áp dụng công nghệ hiện đại để đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị cho TP.HCM.

"Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị cho Việt Nam là trách nhiệm và là sứ mệnh của Nhật Bản trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Nhật Bản cũng ưu tiên việc doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng cơ quan quản lý TP.HCM để đầu tư, xây dựng hạ tầng đô thị thành phố hiện đại và thân thiện với môi trường", ông Keiji Kimura, Chủ tịch J-CODE, chia sẻ tại hội thảo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản tham gia như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Hankyu, Mitsubishi Corporation…

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhằm xây dựng TP này là đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, thân thiện môi trường, là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Nhật Bản thấu hiểu và mong muốn hợp tác để giải quyết các thách thức như kẹt xe, tập trung dân số, ô nhiễm môi trường

Các doanh nghiệp Nhật Bản thấu hiểu về những vấn đề xảy ra trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam như kẹt xe, tập trung dân số, ô nhiễm môi trường và mong muốn hợp tác để giải quyết.

Theo ông Châu, lãnh đạo thành phố đã đưa ra 21 chương trình mục tiêu trọng điểm nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trong đó, có Chương trình thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch; Chương trình xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố gắn với Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM.

Bên cạnh đó, còn có khoảng 1.200 dự án phát triển bất động sản của các doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện vẫn là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhu cầu vốn khoảng 25.745 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP.HCM chỉ có 2.508 tỷ đồng, cần phải huy động hơn 23.000 tỷ đồng nữa mới đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND TP.HCM đã phát hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư đối với các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị của Thành phố như: Dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven Bờ Nam Kênh Đôi, Quận 8; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp); dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ven và trên Rạch Văn Thánh…

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, hơn 20 năm qua, thành phố đã di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên, nhà ở trên và ven kênh rạch, ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn khoảng 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung chủ yếu ở quận 8, quận 7, quận 4.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố phấn đấu di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã phân loại 3 nhóm dự án bao gồm nhóm chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (53 dự án, kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng), nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (3 tuyến kênh rạch, chi phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng) và nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công ty PPP (6 dự án, kinh phí bồi thường khoảng 19.024 tỷ đồng).

Đối với chương trình cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng, nguy hiểm, đến năm 2020 TP.HCM phấn đấu cải tạo, sửa chữa, xây mới thay thế 50% chung cư cũ hư hỏng trong tổng số có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Đặc biệt phải hoàn thành tháo dỡ, xây mới thay thế chung cư hư hỏng cấp D. 

Hiện nay, UBND TP.HCM đã uỷ quyền, phân công cho UBND các quận thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đầu tư, cải tạo, sửa chữa, xây mới chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Nhưng hiện vẫn có 13 chung cư cấp D chưa có chủ đầu tư và hàng loạt chung cư cần cải tạo, chỉnh trang.

Chương trình "Chỉnh trang và phát triển đô thị" từ nay tới năm 2025, TP.HCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập. Theo đó, kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ 2015 - 2020 sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn 2 từ năm 2020 – 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top