Aa

TP.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất: Thị trường địa ốc lại nhộn nhịp

Thứ Bảy, 30/06/2018 - 14:00

TP.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất: Thị trường địa ốc lại nhộn nhịp; Việt Nam đứng đầu nhóm thị trường bất động sản "kém minh bạch"; Những rủi ro pháp lý nhà đầu tư hay gặp phải nhất khi “bỏ tiền” vào bất động sản; Thị trường bất động sản 2018: Giao dịch ở phân khúc căn hộ chung cư vẫn sôi động nhất;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

TP.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất: Thị trường địa ốc lại nhộn nhịp

Ngày 29/6, UBND TP.HCM có cuộc họp với Hội đồng Thẩm định giá đất của Thành phố, để bàn việc tăng hệ số giá đất. Với động thái này, không ít người cho rằng, giá đất tại TP.HCM sẽ biến động.

Để thực hiện việc điều chỉnh tăng giá đất lần này, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 phương án hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018. Theo đó, ở Phương án 1, hai sở đề xuất giữ hệ số điều chỉnh giá đất như Quyết định số 19 của UBND TP.HCM quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2017. Với Phương án 2, hai sở đề xuất tăng 0,1 lần.

Liên quan thông tin về việc UBND TP.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đại Phúc Land cho rằng, giá đất mà TP.HCM áp dụng chủ yếu cho việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Khi giá đất tăng, tiền thuế đất, tiền giải phóng mặt bằng tăng, kéo theo giá đất và giá nhà dự án cũng tăng theo, nên tạo thêm gánh nặng cho thị trường.

Cũng theo bà Hương, Thành phố đang thiếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, nếu hệ số giá đất tăng thì việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng sẽ còn khó khăn hơn.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biến cố thị trường 6 tháng đầu 2018 có ảnh hưởng đến nửa cuối năm?

Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2018 đối mặt với nhiều biến động như sốt đất nền, sốt đất đặc khu, đặc biệt là áp lực tâm lý từ câu chuyện cháy nổ chung cư... Mặc dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện các dự án mới, thanh khoản vẫn ấn tượng.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm nay sẽ duy trì sự ổn định và sẵn sàng đương đầu với các “đợt sóng” mới. Việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại các đô thị lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản, bởi bất động sản là một sản phẩm ăn theo quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.

Cụ thể, tại Hà Nội đẩy mạnh việc mở rộng tuyến đường vành đai, hoàn thiện, hay mở rộng các trục đường về phía Long Biên, Đông Anh, sẽ phần nào giúp thị trường bất động sản phía Tây và Đông của Thành phố phát triển theo.

TP.HCM cũng công bố nhiều quy hoạch mới với các đường xuyên tâm, đường lớn, giải được bài toán ách tắc giao thông. Trong đó, các khu vực Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái được hưởng lợi từ cú hích hạ tầng đang dần hoàn thiện, bất động sản sẽ sôi động và tăng giá mạnh.

Xem chi tiết tại đây

Việt Nam đứng đầu nhóm thị trường bất động sản "kém minh bạch"

Theo báo cáo “Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu năm 2018” của Jones Lang LaSalle (JLL) chia 100 thị trường bất động sản trên toàn cầu thành 5 nhóm: siêu minh bạch, minh bạch, bán minh bạch, kém minh bạch và không minh bạch. Đáng chú ý, thị trường bất động sản Việt Nam dẫn đầu nhóm “kém minh bạch”.

JLL cho hay, các thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, Hong Kong và Nhật Bản đã có những bứt phá nhằm cải thiện chỉ số minh bạch bất động sản. Cụ thể, Myanmar có chỉ số cải thiện cao nhất toàn cầu, tăng 15 hạng và tham gia vào nhóm “Kém Minh bạch”. Theo báo cáo, quốc gia này tiếp tục mở cửa kinh tế khi ngày càng nhiều nhà đầu tư mong muốn dịch chuyển sang các thị trường thông minh hơn.

TS. Walters cũng cho biết, tại thị trường Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam đều là những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn xếp vị trí cao trong nhóm “bán minh bạch” và “kém minh bạch”. Những cải cách của Thái Lan được củng cố bởi việc thực thi hành lang pháp lý tốt hơn, giới thiệu hệ thống thuế bất động sản mới và công nghệ hóa việc đăng ký quyền sử dụng đất. Macau cũng đã tập trung hơn vào việc phòng chống rửa tiền, do đó các nhà quản lý tài chính phải tăng cường giám sát tốt hơn.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những rủi ro pháp lý nào nhà đầu tư hay gặp phải nhất khi “bỏ tiền” vào bất động sản?

Theo các chuyên gia BĐS, không ít trường hợp nhà đầu tư (NĐT) không tìm hiểu kỹ pháp lý dự án BĐS trước khi “xuống tiền” đã phải chấp nhận rủi ro trên chính tài sản sở hữu của mình.

Các chuyên gia đã chỉ ra những trường hợp rủi ro pháp lý hay xảy ra nhất trên thị trường BĐS hiện nay, bao gồm: Chủ đầu tư chưa được phép bán mà đã bán; Dự án có được bảo lãnh ngân hàng không?; Chưa xong phần móng đã ký hợp đồng mua bán chính thức; Thiếu thẩm định thông tin dự án; Nhiều người đứng tên trên một sổ đó.

Trong đó, có thể thấy, nhiều CĐT tìm các cách khác nhau để "lách luật", trong đó cách phổ biến nhất hiện nay trên thị trường căn hộ đó là: Dự án chưa xây xong phần móng, chưa được cấp phép xây dựng nhưng CĐT đã rao bán và nhận cọc của NĐT, với số tiền cọc từ 5-10% tổng giá trị BĐS.

Đáng nói, rất nhiều NĐT sẵn sàng bỏ tiền ra để đặt cọc, đặc biệt đối với những dự án có vị trí tốt hoặc CĐT uy tín. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, hoạt động này không trái luật nhưng tiềm ẩn rủi ro với NĐT.

Xem chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản 2018: Giao dịch ở phân khúc căn hộ chung cư vẫn sôi động nhất

Chia sẻ tại hội thảo “Sốt bất động sản – cơ hội và rủi ro” diễn ra vào sáng nay tại TP. HCM, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản trong tương lai vẫn còn nhiều tin vui bởi nhiều con số tích cực.

Xét tới mức độ thanh khoản của thị trường, theo phân tích của bà Dung, chu kỳ khủng hoảng của bất động sản là 10 năm và từ năm 2007- 2014, thị trường chứng kiến sự chuyển dịch chậm chạp. Từ năm 2014 đến năm 2018 đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực của thị trường.

Phân khúc căn hộ đang diễn ra với lượng giao dịch lớn. Năm 2017, TP.HCM đã chào đón 40.000 căn hộ mới. Con số này ở Hà Nội là 30.000 - 35.000 căn hộ. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn, số căn hộ được tung ra thị trường là gần 80.000 căn hộ.

Một công cụ khảo sát khác cho thấy năm 2017 có 85 triệu lượt tìm kiếm căn hộ trong đó có tới 45% lượt tìm kiếm ở phân khúc căn hộ trung cấp. Những con số tìm kiếm gần trùng với nguồn cung của thị trường.

Trong các phân khúc căn hộ, đất nền và biệt thự nhà phố, thì lượng giao dịch ở phân khúc căn hộ luôn sôi động nhất vì lượng khách mua thường có 2 mục đích chính: để ở hoặc cho thuê lại. Trong khi đó nhà đầu cơ hướng tới phân khúc đất nền và biệt thự nhà phố.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top