Aa

TP.HCM: Giải bài toán ngược trong phát triển những khu đô thị mới

Thứ Tư, 17/01/2018 - 05:40

“Thậm chí, TP.HCM phải phát triển các khu đô thị mới có quy mô lớn xuống cả các khu vực như huyện Nhà Bè, khu vực Hiệp Phước và một phần Cần Giờ… nơi có nền đất rất yếu, thường xuyên có nguy cơ ngập nước, không thuận lợi cho phát triển đô thị. Trong khi đó, các khu vực trong vùng như Nhơn Trạch - Đồng Nai, Thuận An, Dĩ An - Bình Dương…, nơi rất thuận lợi cho phát triển đô thị với nền đất cao lại thiếu động lực để phát triển”.

Ý kiến này được ông Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra trong tham luận tại Hội thảo thực trạng quản lý đô thị và nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam.

Các đô thị trong vùng bộc lộ nhiều bất cập

Nhìn nhận về quá trình phát triển đô thị tại TP.HCM trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vùng đô thị TP.HCM thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết, những năm gần đây, các bộ, ngành Trung ương đã ngày càng nhận thức đúng hơn về tầm quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng trong quản lý phát triển vùng và các đô thị; chú trọng tới công tác quản lý Nhà nước trong cải tạo, phát triển đô thị như ban hành Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định của Chính phủ… và nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch xây dựng từ cấp độ vùng tới đô thị.

Tuy nhiên, do công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trong thời gian đầu còn bị chậm, chưa thay đổi kịp thời theo cơ chế kinh tế thị trường, thậm chí còn chạy theo thực tế phát triển nên thực trạng phát triển của các đô thị trong Vùng, nhất là các thành phố lớn như TP.HCM còn bộc lộ khá nhiều bất cập, ảnh hưởng tới công tác quản lý phát triển bền vững tại các đô thị và cả Vùng trong tương lai.

thành phố lớn như TP.HCM còn bộc lộ khá nhiều bất cập

Thực trạng phát triển đô thị trong vùng, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM còn bộc lộ khá nhiều bất cập.

Ông Hòa cho biết thêm, với các chức năng được giao là đô thị trung tâm Vùng, theo cách tính hiện nay, dân số dự kiến phải lên tới 10 triệu người, cũng như thiếu tầm nhìn trong chiến lược phát triển nhà ở đô thị, nhất là các loại hình như nhà ở cao tầng, nhà ở xã hội… cần ưu tiên phát triển nên trong một thời gian dài, với loại hình nhà thấp tầng là chủ yếu, TP.HCM đã phải phát triển đô thị trải rộng theo hình thức “vết dầu loang” theo khả năng tiếp cận được bằng giao thông trên bộ. Điều này làm giảm khả năng hoạt động tại các khu chức năng quan trọng không những của TP.HCM, mà của cả Vùng như việc phát triển đô thị bao bọc cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, một sân bay mang tính chiến lược của khu vực và cả nước không những cho hiện nay mà cho cả tương lai.

“Thậm chí, TP.HCM phải phát triển các khu đô thị mới có quy mô lớn xuống cả các khu vực như huyện Nhà Bè, khu vực Hiệp Phước và một phần Cần Giờ… nơi có nền đất rất yếu, thường xuyên có nguy cơ ngập nước, không thuận lợi cho phát triển đô thị. Trong khi đó, các khu vực trong vùng như Nhơn Trạch - Đồng Nai, Thuận An, Dĩ An - Bình Dương…, nơi rất thuận lợi cho phát triển đô thị với nền đất cao lại thiếu động lực để phát triển”, ông Hòa chia sẻ.

Cũng theo ông Hòa, nếu quy hoạch xây dựng vùng được nghiên cứu trước, mục tiêu phát triển bền vững và lợi ích chung của quốc gia, người dân được đặt lên hàng đầu thì các khu đô thị mới với các chức năng khác nhau sẽ được quy hoạch ở các vị trí hợp lý, phù hợp các điều kiện địa chất - thủy văn chứ không nhất thiết phải để các tỉnh, thành phố tự “lèn chặt” vào không gian mang tính hành chính của mình.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao trước đây chúng ta không nhận ra thực trạng đó, dẫn tới việc thiếu tầm nhìn trong quản lý phát triển hệ thống các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam? Một trong những câu trả lời chính, được ông Hòa cho là trong một thời gian dài (giai đoạn từ 1990 đến 2000), các tỉnh, thành phố trong vùng chưa có điều kiện để tập trung phát triển nhanh về kinh tế mà tập trung chủ yếu cho việc phát triển kinh tế phục vụ cho mục đích giải bài toán an sinh xã hội, xóa đói – giảm nghèo nên chưa nhận thấy được những đòi hỏi về tài nguyên đất, nước… cũng như các vấn nạn về môi trường phát sinh khi lấy việc phát triển nhanh về kinh tế làm động lực phát triển và hội nhập.

Ở một góc nhìn khác mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã trao đổi trong các nghiên cứu, việc chúng ta coi TP.HCM là một “ đô thị đặc biệt”, thay vì là một “vùng đô thị đặc biệt” đã làm cho công tác nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng có phần chưa phù hợp.

Ông Hòa cho rằng: “Thay vì chúng ta chỉ nên sử dụng những khu vực đất có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển đô thị đúng với những gì có thể khai thác một cách tốt nhất, thì trong một thời gian dài, lại lấy việc tăng nhanh dân số và mở rộng nhanh không gian đô thị theo hướng sử dụng “bằng hết” quỹ đất trong ranh hành chính của mình là mục tiêu phát triển".

Định hướng này theo ông Hòa đã làm TP.HCM lâm vào tình trạng quá tải về dân số, ách tắc giao thông “cả trên trời và dưới đất”, ngập lụt liên miên như hiện nay…Đấy là chưa nói đến khả năng “chững lại” của TP.HCM trong phát triển kinh tế - xã hội, nền tảng của việc hướng tới một thành phố sống tốt trong tương lai.

“Nếu ngày hôm nay không nghiên cứu xây dựng trong tầm nhìn mới để xử lý những thách thức đặt ra, trong một tương lai không xa, sẽ kìm hãm sự phát triển chung của cả vùng do tính kết nối và quan hệ hữu cơ trong phát triển”, ông Hòa nhận định.

Không nên “gò bó” trong không gian của một tỉnh, thành phố nhất định

Có thể tham khảo phương án “Kế hoạch phát triển vật thể vùng thủ đô” đề xuất năm 1974

Có thể tham khảo phương án “Kế hoạch phát triển vật thể vùng thủ đô” đề xuất năm 1974 trong quy hoạch, phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ những phân tích trên, ông Hòa cho rằng, để có thể đề xuất về tầm nhìn chung trong công tác quy hoạch, liên kết và điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để quản lý phát triển các đô thị trong vùng, đặc biệt là quản lý phát triển đô thị tại TP.HCM, bên cạnh việc nghiên cứu đánh giá tầm nhìn thông qua các cơ sở khoa học của hệ thống các đồ án từ quy hoạch xây dựng vùng tới quy hoạch đô thị được lập trong thời gian qua, phương án chúng ta cần quan tâm chính là việc định hướng phát triển đô thị trung tâm trên tầm nhìn mang tính vùng, tại các khu vực có các điều kiện địa chất – thủy văn thuận lợi chứ không “gò bó” trong không gian của một tỉnh, thành phố nào; giữ các khu vực mang tính chiến lược trong cơ cấu đô thị như sân bay Tân Sơn Nhất, tuy khi đó đã hình thành ý tưởng về một sân bay mới ở khu vực Long Thành – Đồng Nai như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa cần xử lý tốt mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển đô thị tại TP.HCM theo hướng nhanh, toàn diện, vững chắc với công tác quản lý phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo cách nhìn nhận  mới.

Nếu như tầm nhìn trước đây của TP.HCM mang một ý nghĩa to lớn cho quá trình phát triển của TP trong chủ trương “giãn dân” từ các quận nội thành ra vùng ngoại thành, thì ngày hôm nay, với sự tập trung quá đông người dân tại TP.HCM trong tiến trình đô thị hóa với những tác động tiêu cực tới công tác quản lý phát triển đô thị, cần một tầm nhìn chiến lược từ Trung ương theo hướng “giãn dân” từ những khu vực không thuận lợi cho phát triển đô thị tại TP.HCM ra các đô thị trong Vùng như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trên cơ sở cùng nghiên cứu giải bài toán dân số, lao động, việc làm, nhà ở trên một khu vực rộng lớn hơn.

“Nếu TP.HCM cùng các tỉnh, thành trong vùng giải quyết tốt vấn đề này, thì không những TP sẽ từng bước giải quyết được một cách bền vững những vấn nạn đã nêu trên mà còn tạo điều kiện để các tỉnh, thành khai thác tốt nhất những tiềm năng phát triển sẵn có của mình”, chuyên viên cao cấp Nguyễn Trọng Hòa cho biết.

Ngoài ra, cần xây dựng tầm nhìn chiến lược xuyên xuốt từ Trung ương cho tới các địa phương vì sự phát triển nhanh và bền vững của cả một Vùng có tiềm năng phát triển và hội nhập đứng đầu cả nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top