Aa

TP.HCM: Loay hoay với nông nghiệp 4.0

Thứ Hai, 22/07/2019 - 14:24

Để phát triển theo mô hình tiên tiến, hiện đại, các hợp tác xã nông nghiệp tại TP.HCM còn đang gặp nhiều trở ngại.

Liên minh hợp tác xã (HTX) TP.HCM cho biết từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã chủ trì phối hợp cùng các ban, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng 7 mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến hiện đại, trong đó có xây dựng nhà máy sơ chế.

Tuy nhiên đến nay, chỉ duy nhất HTX Bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) xây dựng được nhà máy sơ chế, đóng gói các sản phẩm từ bò sữa, những HTX nông nghiệp còn lại đang vướng mắc trong quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác, hoặc chưa có mặt bằng để xây dựng.

Điều đáng nói là điều này tồn tại trong nhiều năm qua. Dù TP.HCM định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nhưng nông dân và các HTX không thể xin phép xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp như: nhà lưới, nhà màng, nhà kho, nhà sơ chế đóng gói… Đây là những công trình quan trọng nhằm khép kín chuỗi sản xuất, giúp nông dân và HTX gia tăng giá trị, tăng giá bán, thay đổi cơ bản sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại.

Theo ông Nguyễn Văn Mảnh, một nông dân trồng rau màu ở huyện Củ Chi, để ứng dụng công nghệ cao, người nông dân phải đầu tư rất nhiều thiết bị phục vụ cây trồng như hệ thống tưới, hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động... Ngoài ra, còn phải xây dựng nhà trồng cây nhằm bảo vệ cây tránh tác nhân gây hại bên ngoài như mưa gió, côn trùng, dịch bệnh.

Nông nghiệp công nghệ cao có những yêu cầu khắt khe về cơ sở hạ tầng như nhà lưới, nhà sơ chế…

Nông nghiệp công nghệ cao có những yêu cầu khắt khe về cơ sở hạ tầng như nhà lưới, nhà sơ chế…

Thế nhưng, để làm được điều này, bắt buộc người nông dân phải có giấy phép xây dựng. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn yêu cầu phải cam kết dỡ bỏ, tháo gỡ nhà trồng cây này khi địa phương có quy hoạch hoặc dùng mục đích khác và không được đền bù. Trong khi đó, chi phí xây dựng nhà màng từ 4 - 5 tỷ đồng/ha, chính vì thế, người nông dân không ai dám đổ tiền vào...

Cũng như vậy, ròng rã nhiều năm cầm đơn đi xin địa phương, các cơ quan liên quan và HĐND TP.HCM hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, nhà chứa vật tư trên đất nông nghiệp, nhưng đến nay, HTX Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chưa thể có các giấy phép cần thiết để thực hiện.

Ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Phước An cho biết, UBND huyện Bình Chánh truyền đạt hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM phải chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì mới có thể tiến hành xây dựng được, tuy nhiên điều này lại vướng Luật Đất đai!

Cụ thể, muốn mở rộng nhà sơ chế, HTX buộc phải tháo dỡ toàn bộ nhà sơ chế cũ (thuộc diện xây dựng không phép) trả lại hiện trạng ban đầu là đất trống, mới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. Tìm địa điểm khác thì được Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh cho biết không đúng quy hoạch đất nông nghiệp khác nên không chuyển đổi.

"Với các đơn hàng xuất khẩu, HTX phải thực hiện gia công tại các cơ sở bên ngoài đủ điều kiện, nhưng như thế là HTX lại phải chịu thêm chi phí vận chuyển, chi phí sơ chế...”, ông Đức than thở.

Đồng cảnh ngộ, ông Trần Văn Chánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại - Dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi) cho biết, muốn chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì cơ sở hạ tầng trên đất phải trả nguyên trạng, trong khi hầu hết đất canh tác hiện nay là đất thuê của người dân nên rất khó khăn trong thực hiện các thủ tục.

Theo Hội Nông dân TP.HCM, một trong những nguyên nhân chính khiến việc xin phép xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp gặp khó là do một số địa phương lo ngại tình trạng lợi dụng chính sách phát triển nông nghiệp rồi vi phạm pháp luật về quản lý xây dựng.

Để tháo gỡ khúc mắc này, ngày 17/7 vừa qua, Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, sở này đang nghiên cứu trình UBND thành phố quy định về việc cho phép người dân xây công trình trên đất nông nghiệp.

Theo đó, những công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp là nhà kính, nhà lưới, kho để dụng cụ nông nghiệp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…, tức là những công trình chỉ để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp. Theo quy định thì trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất xây dựng các loại công trình như trên, người sử dụng đất chỉ cần đăng ký biến động với cơ quan có thẩm quyền.

“Lãnh đạo UBND TP.HCM đã thống nhất cách thức thực hiện xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và cho phép thí điểm tại 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ. Sau thời gian thí điểm sẽ sơ kết và nghiên cứu mở rộng tại các huyện khác”, ông Bình cho biết.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thống kê, năm 2018, toàn thành phố có 114.000ha đất nông nghiệp, trong đó có 386 ha đất nông nghiệp khác và 92,2ha đất phi nông nghiệp khác.

Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các huyện, đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 2.970ha đất nông nghiệp khác. Điều này cho thấy dư địa quy hoạch đất nông nghiệp khác còn rất lớn để cho nông dân có thể phát triển nông nghiệp 4.0.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
  • Cánh Diều Việt bán DJI T40 chính hãng
Lên đầu trang
Top