Aa

TP.HCM: Tốc độ xây dựng chung cư tăng nhanh, tranh chấp cũng "leo thang"

Thứ Bảy, 16/03/2019 - 15:00

Riêng năm 2018, TP.HCM đã cấp 60.000 giấy phép xây dựng, trong đó 25% là giấy phép xây chung cư. Trong khi cách đây 10 năm, con số chung cư tại thành phố chỉ chiếm khoảng 3% giấy phép được cấp mỗi năm. Có thể thấy tốc độ xây dựng chung cư tại TP.HCM tăng nhanh và đang trở thành xu thế tất yếu nhưng cùng với đó là những mâu thuẫn cũng tăng theo.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 1.440 chung cư với 141.062 căn hộ, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Tỷ lệ căn hộ nhà chung cư chiếm khoảng 8,4% tổng số nhà ở trên toàn địa bàn thành phố và có xu hướng ngày càng tăng cao. Ước tính, trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ nhà chung cư chiếm tỷ lệ 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới.

Tại Hội nghị Nhà chung cư TP.HCM diễn ra mới đây, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Riêng năm 2018 thành phố đã cấp 60.000 giấy phép xây dựng, trong đó 25% là giấy phép xây chung cư. Trong khi cách đây 10 năm, con số chung cư tại TP.HCM chỉ chiếm khoảng 3% giấy phép được cấp mỗi năm."

Tại một báo cáo về tình hình bất động sản căn hộ cuối năm 2018, Jones Lang LaSalle (JLL) cho hay, theo thống kê của đơn vị này, thị trường TP.HCM khi đó có khoảng 80.000 căn, dự đoán con số này sẽ tăng lên đến 74% trong vòng 3 năm tới. Theo báo cáo, căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ 43%, căn hộ trung cấp chiếm 42% và căn hộ cao cấp chiếm 15%. Phân khúc căn hộ cao cấp chỉ chiếm 10% trong tổng số căn hộ được bàn giao đoạn 2011 - 2014. Chỉ sau 1 năm, con số này đã tăng lên 27% và đạt tỷ lệ 44% trong nửa đầu năm 2016.

Dự đoán số lượng căn hộ chung cư tại TP.HCM sẽ tăng trong vòng 3 năm tới.

Dự đoán số lượng căn hộ chung cư tại TP.HCM sẽ tăng lên đến 74% trong vòng 3 năm tới. (Ảnh: Forty Media)

Lý giải về sự tăng trưởng đột biến này, đại diện JLL cho rằng nguyên nhân là do những con số bán hàng ấn tượng trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đạt lần lượt 24.000 căn và 16.800 căn, cao hơn tới 250% lượng căn hộ được bán trong giai đoạn 2011 - 2014.

Có thể thấy đây là dấu hiệu tích cực của thị trường chung cư tại TP.HCM trong thời gian gần đây. Những dự án chung cư mọc lên giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn hơn, đời sống văn minh và an toàn hơn, thêm vào đó, góp phần nâng cao cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển nhanh ấy là những phát sinh về tranh chấp, mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư, giữa ban quản trị với chủ đầu tư, thậm chí giữa ban quản trị và cư dân.

Bởi vậy, Sở Xây dựng cho biết sẽ kiên quyết phối hợp với các địa phương trong thời gian tới để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không làm phát sinh thêm khiếu nại, khiếu kiện tại các chung cư.

Có thể thấy cùng với sự phát triển nhanh chóng của nhà ở chung cư thì những vụ tranh chấp, khiếu kiện xảy ra tại các chung cư cũng ngày càng gay gắt. Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trên toàn địa bàn có 38 chung cư xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp. Trong đó, chủ yếu là tranh chấp liên quan đến kinh phí vận hành và quỹ bảo trì nhà chung cư.

Một trong số các nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng này là do chủ đầu tư né tránh việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, hoặc tại nhiều chung cư chưa lập quy trình bảo trì, chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ bảo trì và lắp đặt thiết bị vào chung cư khiến cho các tranh chấp này ngày càng gay gắt hơn.

Trong năm 2018, hàng loạt các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại chung cư,

Trong năm 2018 đã xảy ra hàng loạt các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư. (Ảnh: Internet)

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định: "Thời điểm phát sinh tranh chấp nhà chung cư rất đa dạng, từ trong quá trình thi công, đã hoàn thành, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong quá trình quản lý, cá biệt mâu thuẫn từ khi dự án chưa khởi công."

Theo ông Tuấn, chủ đầu tư vi phạm là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các tranh chấp, trong đó có trường hợp chủ đầu tư bán diện tích căn hộ cho khách hàng nhưng không bán diện tích chung. "Đây là điều không đúng vì giá bán đã bao phần diện tích thuộc sở hữu riêng và sở hữu chung", vị này đánh giá.

Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý, phát hiện không kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và phẩm chất một số Ban quản trị chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đặt lợi ích cư dân lên trên hết cũng là nguyên nhân dân đến sự bùng phát của các vụ khiếu kiện tại các dự án, chung cư.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư & Dịch vụ Sao Kim cho rằng, để hạn chế tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư cần phải xây dựng được bộ máy quản lý vận hành với nguồn lực được tuyển chọn chuyên nghiệp, hoàn thiện các quy trình, vận hành toà nhà, cũng như xây dựng tiêu chuẩn dịch vụ để cư dân, chủ đầu tư giám sát, đánh giá.

"Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ quản lý thông minh vào hoạt động quản lý vận hành toà nhà nhằm thực thi công việc được thuận tiện, hiệu quả và an toàn hơn", bà Hương nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top