Aa

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Năm, 09/04/2020 - 13:45

Vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan điều tra đối với sự việc "bỏ quên" 3,5 tỷ đồng tại PVtrans.

Reatimes đã nhận được đơn tố cáo, cho rằng đã có nhiều sai phạm ở Tổng Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans), trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Theo đơn tố cáo, người lãnh đạo cao nhất của PVTrans có nhiều quan hệ, móc ngoặc với nhiều đơn vị thành viên, gian dối chỉ biết thu lợi cho cá nhân và sắp xếp nhiều người thân vào những vị trí quan trọng để thao túng, nắm quyền hành hòng vơ vét. Nhiều sai phạm của ông Phạm Việt Anh - Tổng Giám đốc PVTrans đã không được xem xét xử lý, gây nhiều bức xúc trong nội bộ Công ty.

PVTrans là Tổng Công ty Vận tải biển có 51% vốn Nhà nước và được hưởng lợi từ hỗ trợ dịch vụ, hỗ trợ giá cước từ Tập đoàn Dầu khí Việt nam và các đơn vị thành viên của Tập đoàn như PVEP, BRS, PVOIL, PVGAS.  

Từ ngày 19/2/2020 đến nay Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an và PVN đã nhiều lần mời người đứng đơn tố cáo về những vi phạm của ông Phạm Việt Anh - Tổng Giám đốc PVTrans đến cung cấp tài liệu. 

Hiện tại, PVN và cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đang vào cuộc làm rõ việc PVTrans đã lập biên bản giao nộp khoản tiền 3,5 tỷ đồng (tiền chăm sóc khách hàng) của Ngân hàng Oseanbank bồi dưỡng. 

Vụ việc này từ ngày 05/11/2019, PVTrans lập biên bản giao nộp 3,5 tỷ đồng về tài khoản cho PVN để rồi chuyển vào tài khoản cho Cơ quan điều tra Bộ Công an. Hiện nay Cơ quan điều tra cũng xác định PVTrans nằm trong danh sách các doanh nghiệp đã nhận tiền “chăm sóc khách hàng” của Ngân hàng Oceanbank.

Biên bản sự việc của Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans)

Biên bản do chính PVTrans lập có nội dung cụ thể như sau: "Sau khi rà soát về việc có ai bỏ quên, thất lạc khoản tiền 3,5 tỷ đồng tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/9/2019, chúng tôi đã cùng họp, thảo luận và thống nhất nội dung báo cáo tập đoàn về kết quả xác minh rõ thêm nguồn gốc số tiền này như yêu cầu của công văn số 443/ĐK/VN-PC&KTr ngày 1/11/2019 của Tập đoàn kèm theo kiến nghị việc nộp số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT…

Kết quả rà soát trong giai đoạn vừa qua cho thấy số tiền 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban TCKT vào ngày 30/9/2019 không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào thuộc PVTrans, cũng không phải của cá nhân, cán bộ PVTrans nào thất lạc bỏ quên tại nơi làm việc…Liên quan đến vụ án Oceanbank, trong giai đoạn 2011-2014 rất nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí giao dịch tiền gửi tại Oceanbank đều được ngân hàng này có chính sách chi tiền chăm sóc khách hàng và nhiều đơn vị đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, sự việc khiến dư luận đang đặt ra rất nhiều câu hỏi rằng: Tại sao khoản tiền 3,5 tỷ đồng "bỏ quên" từ ngày 30/9/2019 nhưng mãi đến ngày 05/11/2019 (tức 35 ngày sau) Pvtrans mới đem nộp vào tài khoản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)? Và tại sao PVN lại biết có khoản tiền đó tại PVtrans để ngày 1/11/2019, có công văn số 443/ĐK/VN-PC&Ktr yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền này?

Được biết, từ năm 2011 đến 2014, PVTrans đã gửi hàng nghìn tỷ đồng vào Oceanbank. Thời điểm đó, ông Phạm Việt Anh đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc. 

Bên cạnh đó, đơn tố cáo cũng chỉ đích danh ông Phạm Việt Anh đã vi phạm khoản 2, Điều 33, Luật phòng chống tham nhũng về việc kê khai tài sản thiếu minh bạch; vi phạm những điều Đảng viên không được làm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn bổ nhiệm người thân vào những vị trí chủ chốt....

Khi được hỏi thì ông Phạm Việt Anh cho biết, đơn vị đang tập trung phòng chống dịch Covid -19, hơn nữa cơ quan Cảnh sát điều tra đang điều tra nên không thể trả lời báo chí về nội dung này.

Liệu có việc chạy án để khép lại vụ án chi lãi ngoài tại Oceanbank của 21 đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay không? Và kịch bản cho việc tẩu tán tang vật, giữ liệu kế toán, tài chính điện tử tại PVtrans có xảy ra như một số vụ án chúng ta thường thấy?

Tất cả xin hãy chờ đợi, tin tưởng tuyệt đối vào kết luận của Cơ quan điều tra.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Văn phòng Luật sư Fanci cho rằng, khi xuất hiện các thông tin liên quan đến hoạt động điều tra mà nguồn thông tin từ chính đối tượng bị điều tra thì cần làm rõ ràng, sáng tỏ. Tuy nhiên, khi điều tra phát hiện thông tin tố cáo không đúng với thực tế, thì người tố cáo sẽ bị phạm vào tội vu khống.

Điều 122, Bộ luật Hình sự quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (khoản 1).

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm (khoản 3).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo điều 611, Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top