Aa

Tranh chấp chung cư thời…Facebook

Thứ Sáu, 27/10/2017 - 06:01

Thời đại công nghệ số, tranh chấp chung cư không còn bị bó hẹp về không gian truyền tải và cách thực hiện như trước, mà được lan rộng nhờ mạng xã hội, đặc biệt là qua Facebook.

Facebook "trợ chiến" tranh chấp

Số lượng chung cư, nhà cao tầng được đưa vào vận hành, sử dụng càng nhiều, thì những thông tin về tranh chấp chung cư trên mạng xã hội cũng ngày càng nhiều. Hiện nay, hầu như cộng đồng cư dân nào cũng có một hội/nhóm (group) trên Facebook.

Tại đây, họ trao đổi thông tin và thảo luận với nhau về các nội dung trong quản lý, vận hành nhà chung cư và tất nhiên, cả những nội dung tranh chấp. Nhờ các ưu điểm trong kết nối, chia sẻ thông tin, tương tác và đặc biệt là khả năng lan tỏa rộng rãi, hình thành dư luận xã hội, Facebook đã và đang trở thành một vũ khí lợi hại, trợ giúp cho cư dân trong các cuộc tranh chấp đòi quyền lợi chính đáng với chủ đầu tư, đơn vị quản lý.

Các vụ tranh chấp chung cư hiện nay đa số đều được đưa lên Facebook. Ảnh: Dũng Minh.

Các vụ tranh chấp chung cư hiện nay đa số đều được đưa lên Facebook. Ảnh: Dũng Minh.

Chẳng hạn như vụ tranh chấp mới đây tại Dự án Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư. Xuất phát từ việc một số cư dân phát hiện và đăng tải thông tin về việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án có sự sai lệch và không rõ ràng về quy trình đề xuất vào group "Ngoại giao đoàn - Hà Nội", một chiến dịch phản đối đã được khởi động.

Từ việc viết kiến nghị, tổ chức gặp mặt chủ đầu tư, đến căng băng rôn phản đối tại dự án và mời các đơn vị truyền thông đại chúng vào cuộc…, tất cả đều được cư dân bàn luận, thống nhất trên Facebook.

Chính những hoạt động này đang tạo sức ép rất lớn lên chủ đầu tư và cơ quan quản lý, buộc các đơn vị này đang cân nhắc lại việc phê duyệt quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án. Ngoài ra, thông qua diễn đàn, cư dân cũng phản đối cả những sai lệch trong việc cung cấp thông tin về hạ tầng giao thông của một số sàn môi giới như Kland, Lanmak, Phú Mỹ Land…

Trước đó, cũng nhờ Facebook, nên vụ tranh chấp tại Dự án Capital Garden 102 Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) do CTCP TNHH Khách sạn Kinh Đô (thuộc Tập đoàn Kinh đô TCI) làm chủ đầu tư cũng được nhiều người biết đến. Những bất cập của dự án đều được cư dân cập nhật đầy đủ trên diễn đàn. Thậm chí, để tạo dư luận, việc tranh chấp, phản đối của cư dân còn được tường thuật trực tiếp (Livestream) trên Facebook.

Ông Lê Văn Hòa, Trưởng Ban đại diện lâm thời dự án Capital Garden 102 Trường Chinh cho biết, lựa chọn đấu tranh bằng mạng xã hội vào thời điểm này có lẽ là cách tốt nhất và hiệu quả nhất, bởi có như vậy, chủ đầu tư mới không thể tìm cách “bịt miệng” người này người kia, mà phải có thái độ trọng thị, tìm bước giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người mua nhà.

Nhưng đừng lạm dụng

Dù có nhiều ưu điểm, nhưng mạng xã hội có tính "ảo" khá cao. Một trong những trào lưu phổ biến là chưa cần biết thực hư, đúng sai ra sao, cứ like (thích), vào comment (bình luận) và share (chia sẻ). Với việc like, comment, share không có trách nhiệm như thế, nhiều lúc khiến các thông tin bị đảo lộn, ảnh hưởng tới quá trình giải quyết tranh chấp của rất nhiều chung cư hiện nay.

Ở mỗi bình diện, tranh chấp chung cư lại mang một màu sắc khác nhau, một cấp độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, qua Facebook, hầu như mức độ và quy mô của mỗi tranh chấp đều được đẩy lên cao trào. Có những sự việc tưởng chừng vu vơ, qua "tam sao thất bản" bởi những cá nhân có chủ đích trở thành vụ việc tưởng chừng không giải quyết nổi.

Giám đốc truyền thông của một tập đoàn bất động sản lớn than thở việc phải méo mặt vì một thông tin được lan truyền và share với tốc độ chóng mặt ngay trong một đêm về dự án do tập đoàn này triển khai.

Từ thông tin chủ nhà đăng ảnh căn hộ bàn giao thô của mình đang hoàn thiện vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, bỗng chốc trở thành "chủ đầu tư bàn giao căn hộ khi chưa đủ điều kiện, lừa dối khách hàng" và rồi được share, comment thành đề tài nóng.

Phải mất vài ngày, thông tin chính thống của căn hộ đó mới được tìm hiểu và làm rõ. Điều đáng ngạc nhiên, ngay cả chủ nhân bức ảnh cũng không hề biết việc căn nhà của mình đã bị lái thông tin theo hướng khác và được share trên một diễn đàn bằng một nickname ẩn danh.

Nói chung, có muôn hình, vạn trạng các tình huống khóc dở, mếu dở của chủ đầu tư khi bàn giao nhà. Đằng sau đó là vô vàn góc khuất của các chiến dịch mà người phát động, điều khiển đôi khi ẩn danh, thu lợi, còn các cư dân đôi khi vô tình trở thành những quân cờ trong một cuộc chơi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top