Aa

Trao đổi lao động ngành xây dựng: “Trở thành công nhân tốt, hơn là một kỹ sư tồi”

Thứ Bảy, 21/01/2017 - 03:01

Đó là quan điểm của ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, xoay quanh câu chuyện hợp tác trao đổi công nhân ngành xây dựng giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản tại buổi Tọa đàm "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài" vào sáng ngày 20/1.

Đào tạo thực tập sinh: cần giáo trình thống nhất!

Ngày 20/1, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có buổi làm việc thứ hai với với đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản (MLIT), tiếp tục bàn về Dự án "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài". Hai bên đã cùng đi đến thống nhất về những nội dung liên quan đến cơ chế cho tu nghiệp sinh, các vị trí làm việc mà tu nghiệp sinh có thể đạt được sau khi trải qua thời gian đào tạo từ Nhật trở về nước.

TS. Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đại diện phía Việt Nam thống nhất các nội dung trong ngày làm việc đầu tiên đó là trước khi sang Nhật Bản, các tu nghiệp sinh phải được đào tạo những kỹ năng gì (trình độ tiếng Nhật, kỹ năng chuyên môn, văn hóa, an toàn lao động, thời gian đào tạo, giáo trình đào tạo). Theo đó, ông Quang cho rằng, thời gian đào tạo cho các tu nghiệp sinh trước khi sang Nhật Bản khoảng 4 – 6 tháng là hợp lý vì còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận của từng ngành nghề.

“Về kỹ năng thực tập sinh cần phải có, tôi tin những doanh nghiệp ngồi đây đã có kinh nghiệm đưa lao động sang Nhật có thể chia sẻ. Tôi nhất trí với việc huấn luyện về an toàn lao động – đây là điều vô cùng quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động cũng như đơn vị đưa lao động sang Nhật”, TS. nhấn mạnh. 

Về giáo trình đào tạo, TS. Trần Ngọc Quang nhất trí với hướng thảo luận trong buổi làm việc đầu tiên, đó là cần có bộ giáo trình thống nhất, từ đó cơ sở đào tạo có tiêu chuẩn chung để áp dụng trước khi đưa thực tập sinh sang Nhật.

Về lộ trình chuẩn bị giáo trình, đại diện MLIT – ông Eiji Aoki cho rằng nếu đưa ra được bộ giáo trình đào tạo thống nhất cho một khung chương tình, các cơ quan tuyển dụng sẽ không phải đau đầu chuẩn bị chương trình mà chỉ cần sử dụng bộ giáo trình đó đào tạo các tu nghiệp sinh. “Tuy nhiên, để soạn thảo được bộ giáo trình thống nhất, không thể chỉ có 2 bên ngồi đây quyết định mà cần có sự tham gia hỗ trợ của các bộ phận liên quan”, ông Aoki nhận định.

Đồng ý với ý kiến của ông Aoki, TS. Trần Ngọc Quang cho rằng để làm được điều đó cần có sự tham gia của các đơn vị liên quan. Theo mục tiêu của chương trình dự án, nên thành lập một nhóm công tác để cùng nhau thảo luận, dựng lên một chương trình khung trước khi làm việc với bộ ngành để đảm bảo tiến trình.

TS. Quang nhấn mạnh: “Hơn ai hết, các doanh nghiệp Nhật Bản và cơ sở đào tạo Việt Nam hiểu rõ sẽ phải đào tạo cho các  tu nghiệp sinh những kỹ năng gì, đào tạo như thế nào, do đó chúng ta phải chủ động đi trước thì tiến trình mới nhanh”.

Ngoài ra, ông Quang cam kết Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ là đầu mối tiếp cận với các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ hai bên thực hiện chương trình.

Một người thợ tốt hơn một kỹ sư tồi

Một nội dung quan trọng khác được đề cập trong buổi làm việc ngày 20/1 giữa Hiệp hội BĐS Việt Nam và MLIT (Nhật Bản), đó là sau khi các tu nghiệp sinh trở về Việt Nam, cơ hội việc làm của họ như thế nào. Xoay quanh nội dung này, phía Nhật Bản mong muốn được lắng nghe chia sẻ từ các doanh nghiệp Việt Nam, rằng ở các đơn vị, công trường tại Việt Nam đang cần nguồn nhân lực như thế nào, các doanh nghiệp Việt Nam muốn Nhật Bản đào tạo cho các tu nghiệp sinh những gì và muốn họ sau khi về nước trở thành người như thế nào.

Trả lời băn khoăn này, với tư cách là người đã có 30 năm trong ngành xây dựng, lần lượt trải qua nhiều thứ bậc công việc khác nhau trong ngành, TS. Trần Ngọc Quang cho biết: “Trước hết cần phải xác định rõ, tại Việt Nam có những quy định cụ thể cho mỗi vị trí công việc khác nhau. Các tu nghiệp sinh khi về nước nếu có đủ năng lực và hướng phấn đấu có thể vào làm ở vị trí đốc công.

Theo quy định ở Việt Nam, những vị trí quản lý cần được đào tạo ở bậc đại học, cần chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Các cá nhân sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư phải trải qua khóa học đào tạo khác nữa mới được Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề”.

Cũng theo ông Quang, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi cử thực tập sinh đi đào tạo nước ngoài rất cần những người thợ lành nghề, giáo viên đào tạo, đốc công... “Đó là những vị trí mà với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề, tôi cho rằng rất cần thiết và đang rất thiếu ở Việt Nam. Song các tu nghiệp sinh về nước, sau khi trải qua vị trí đốc công, thợ lành nghề có thể học lên đại học để làm được những vị trí cao hơn.

Doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn tiếp nhận lại thực tập sinh sau khi được đào tạo ở Nhật, đất nước có nền công nghiệp hiên đại, phong cách làm việc chỉn chu. Đó là nguồn nhân lực quý giá mà tôi tin doanh nghiệp nào cũng cần”, ông Quang nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, đại diện doanh nghiệp Việt Nam – CEO Group cho biết: “Tất cả thực tập sinh đào tạo 3 - 5 năm tại Nhật Bản, các em đã được học hỏi, trang bị những kiến thức chuyên sâu. Song ngoài kỹ năng chuyên môn, nếu các em muốn đảm nhiệm những vị trí cao hơn sau khi về nước còn phải đáp ứng được kỹ năng chuyên môn tổng hợp, kiến thức chuyên môn sâu rộng cũng như năng lực điều động nhân sự, sử dụng người.

Cho nên, nếu chỉ dừng ở thời gian đào tạo mấy năm tại Nhật thì sau khi về nước, tôi nghĩ các em chỉ có thể làm ở vị trí đốc công, giáo viên đào tạo. Nhưng nếu như vậy thì sẽ rất lãng phí bởi 3 – 5 năm ở Nhật, các em đã biết được ngôn ngữ, văn hóa Nhật, nắm bắt được cách thi công khoa học… nếu có ý chí để phấn đấu và học thêm, tôi tin các doanh nghiệp sẽ chào đón các em ở vị trí tốt hơn”.

Bà Nguyễn Thu Hà, đại diện Viglacera cho rằng: Nhiều doanh nghiệp vừa kinh doanh BĐS, vừa chú trọng phát triển đào tạo qua các trường cao đẳng nghề, các thực tập sinh sau khi hoàn thành khóa học tại Nhật nếu có hướng phấn đấu có thể vừa làm vừa học lên, để trở thành giáo viên đào tạo tại các trường cao đẳng đó.

Kết luận nội dung thảo luận này, ông Trần Ngọc Quang nhận định: “Những thực tập sinh được đào tạo tại nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng khi trở về Việt Nam là một nguồn lực quý đối với các doanh nghiệp, tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam rất trân trọng điều đó. Với góc nhìn của một người lãnh đạo doanh nghiệp, tôi nghĩ nếu các thực tập sinh có ý chí phấn đấu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ hết sức để các bạn vào được vị trí quản lý.

Nhiều doanh nghiệp có các trường đào tạo, các bạn thực tập sinh có thể vừa học vừa làm khi trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội ở những vị trí cao hơn. Chương trình đào tạo cho các thực tập sinh có thể vạch ra tương lai dài hơn cho các bạn nhưng phải kèm theo điều kiện để các bạn nắm rõ”.

fhehe

Trong phiên làm việc buổi chiều, phía Nhật Bản đặt ra câu hỏi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, đại diện MLIT mong muốn nắm được hiện nay, tỷ lệ ngành xây dựng trong các doanh nghiệp Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm.

Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh, mong muốn của Việt Nam là có được nguồn nhân lực lành nghề, có tinh thần trách nhiệm với công việc, trách nhiệm chia sẻ kiến thức kỹ năng đã học được cho đồng nghiệp để tổ chức cùng phát triển.

Mặt khác, Tổng Thư ký Trần Ngọc Quang đánh giá, hiện nay, thực trạng công nhân Việt Nam thiếu kỷ luật khá phổ biến, nếu được đào tạo tốt, nâng cao ý thức kỷ luật như cách đào tạo của người Nhật thì khi trở về nước sẽ có được lợi thế rất lớn.

“Nếu các thực tập sinh chú trọng nâng cao giá trị bản thân, rèn luyện kỹ năng, coi đó là giá trị trong xã hội, tôi nghĩ việc họ có thể trở thành một công nhân tốt sẽ tuyệt vời hơn là trở thành một kỹ sư tồi. Cho nên việc xây dựng khẳng định giá trị bản thân qua kỹ năng nghề nghiệp là việc rất quan trọng. Nếu người Nhật đào tạo được cho các tu nghiệp sinh hiểu được những điều ấy thì rất tốt cho xã hội”, ông Quang chia sẻ.

Trong phiên làm việc buổi chiều, phía Nhật Bản đặt ra câu hỏi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, đại diện MLIT mong muốn nắm được hiện nay, tỷ lệ ngành xây dựng trong các doanh nghiệp Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm. Nếu tỷ lệ này còn thấp thì các doanh nghiệp Việt có những biện pháp, giải pháp nào để nâng cao tỷ lệ này?

Trả lời câu hỏi, đại diện Viglacera cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên theo ước tính chỉ có khoảng 20% thực tập sinh học tập tại Nhật Bản trở về nước, làm việc trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

“Cá nhân Viglacera mong muốn nhận được nguồn nhân lực được đào tạo từ Nhật Bản. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước, dù là tư nhận hay nhà nước đều không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực này bởi làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, lao động có cơ hội được nâng cao tay nghề và nhận được mức lương cao.

Ngoài ra các thực tập sinh ở Nhật Bản vì đã có một lượng kiến thức, kỹ năng và cả kinh nghiệm nhất định nên rất nhiều người có mong muốn được chuyển sang làm việc trong những lĩnh vực kinh doanh khác hay phổ biến như hiện nay là start-up, tức là gây dựng doanh nghiệp riêng cho riêng mình”.

Về việc dự báo số lao động chuyển nghề trong 5 năm nữa theo thực trạng của Việt Nam hiện nay, ông Trần Ngọc Quang cho biết, ngoài số thực tập sinh có ý định khởi nghiệp thì hầu hết sẽ giữ nguyên công việc, lĩnh vực mà mình đã lựa chọn ban đầu vì họ chỉ muốn làm việc trong lĩnh vực mà mình có thế mạnh, hiểu biết rõ ràng và nhờ đó để phát triển hơn nữa.

Theo TS. Quang, nếu hai bên Hiệp hội BĐS Việt Nam và MLIT (Nhật Bản) có thể xây dựng được một hệ thống chăm sóc, theo dõi các thực tập sinh từ khi đào tạo cho đến sau đào tạo thì có thể giúp hai bên nắm bắt được tình hình làm việc và lao động của các thực tập sinh, từ đó có phương án điều phối phù hợp.

Bên cạnh đó, theo đại diện CEO Group, thực tế hiện nay, nhiều thực tập sinh muốn sang Nhật Bản học tập và làm việc vì muốn kiếm tiền, chứ không có mục tiêu. Vì vậy việc nâng cao nhận thức cho các tu nghiệp sinh về định hướng nghề nghiệp, định hướng vị trí công việc sau khi sang học ở Nhật Bản là rất quan trọng, đồng thời cần phải đảm bảo cho họ những cơ hội làm việc sau khi học tập tại Nhật Bản, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam rất cần những trao đổi thông tin giữa hai bên về tình hình học tập, làm việc của các thực tập sinh.

VNREA cam kết là đầu mối chính hoàn thành mục tiêu dự án

Một vấn đề nữa gây “khó” cho việc tuyển dụng được các đại biểu tham dự đưa ra, đó là các tu nghiệp sinh sau khi đào tạo 4 - 6 tháng tại Việt Nam sẽ sang Nhật học và làm việc, rồi lại quay về Việt Nam. Việc thay đổi môi trường sống liên tục tất yếu sẽ khiến họ bị sốc văn hóa.

Khi đó, các doanh nghiệp gặp phải một vấn đề là liệu các tu nghiệp sinh có thể thích ứng với môi trường làm việc ngay không dù họ có năng lực, do đó rất khó để tuyển dụng. Vì vậy, việc nhiều người trở về nước nhưng lại lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản trong nước là một điều tất yếu vì sẽ hợp với môi trường làm việc, cả về ngôn ngữ lẫn phong cách làm việc, hay nói cách khác là dễ thích ứng hơn. 

Kết thúc phiên làm việc thứ hai, TS. Trần Ngọc Quang bày tỏ sự hoan nghênh, ủng hộ việc tổ chức Tọa đàm về Dự án Phát triển giáo dục – đào tạo trong khuôn khổ chương trình tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài vì đã giúp ích cho thị trường nhân lực ngành xây dựng Việt Nam.

Ông Eiji Aoki, đại diện phía Nhật Bản phát biểu tổng kết phiên làm việc.

Ông Eiji Aoki, đại diện phía Nhật Bản phát biểu tổng kết phiên làm việc.

TS. Quang tin rằng, nguồn nhân lực từ Nhật Bản nói riêng và từ nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung mà Việt Nam tham gia trao đổi lao động là những nguồn nhân lực có chất lượng cao. Phía Việt Nam cam kết sẽ sử dụng những lao động này một cách hiệu quả và chất lượng nhất, cũng như sẽ thúc đẩy hơn nữa việc phát triển chương trình này.

Tổng kết hai ngày làm việc, ông Eiji Aoki kết luận: "Những nội dung đã đạt được thống nhất của 2 bên trong dự án lần này bao gồm yêu cầu về kỹ năng, những trình độ mà các tu nghiệp sinh cần có trước khi sang Nhật Bản đào tạo. Đồng thời đưa ra những mức vị trí mà thực tập sinh mong muốn và có thể đạt được sau khi hoàn thành cả hai chương trình đào tạo tại Việt Nam và Nhật Bản. Làm sao để các tu nghiệp sinh về nước nhưng vẫn có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành và tâm huyết với nghề.

Sau 2 ngày làm việc này, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra yêu cầu đối với các tu nghiệp sinh, sau khi về nước, họ sẽ phải đạt đến trình độ nào. Việc thức hiện các mục tiêu, mong muốn này, cần phải xây dựng lộ trình thăng tiến cho các tu nghiệp sinh, ví dụ như thăng tiến từng bậc một, sau mỗi bậc sẽ tiến hành kiểm tra để xem có đạt được mong muốn ban đầu của tu nghiệp sinh cũng như của doanh nghiệp hay không. Bên Nhật Bản sẽ đưa ra các đề xuất, ý kiến và biện pháp để Việt Nam xem xét, thảo luận.

Thời gian tới, hai bên sẽ đi đến làm việc nhóm lần 2 (dự kiến tổ chức vào cuối hoặc đầu tháng 2/2017). Biên soạn giáo trình đào tạo và dịch giáo trình sang tiếng Việt Nam sẽ là nội dung thảo luận chủ yếu trong lần 2”.

Cuối cùng, TS. Trần Ngọc Quang phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng hợp tác từ phía Nhật Bản  đồng thời bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc vì sự nhiệt tình của các doanh nghiệp Nhật Bản và MLIT trong 2 ngày làm việc vừa qua. Đồng thời hoàn toàn nhất trí với những nội dung tổng kết mà phía Nhật Bản  đưa ra. Chúng tôi cho rằng, nguồn nhân lực được đào tạo tại Nhật Bản không chỉ là một nguồn nhân lực mạnh và nòng cốt tại thị trường lao động Việt Nam nói chung, thị trường lao động ngành xây dựng nói riêng, mà còn là cầu nối hiệu quả nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị của hai nước Việt Nam và Nhật Bản, củng cố và nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa VNREA và MLIT.

VNREA với hơn 3. 500 hội viên cam kết sẽ là cầu nối, đầu mối chính và phát huy được chức năng của mình trong việc hoàn thành mục tiêu của dự án tại Việt Nam”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top