Aa

Trong lòng Rào Cộ

Thứ Bảy, 24/08/2019 - 06:30

Nghe cái tên rào Cộ hay Cổ Hà trong tôi có niềm thương nhớ lạ. Một cái tên gợi nhớ cả một chặng đường khai hoang lập ấp mấy trăm năm của cha ông vào buổi đầu gian nguy ấy để tạo dựng làng xóm ruộng vườn.

Sau thời khóa cầu nguyện, chúng tôi mang những cây nhành về trồng tại Am. Cây nhành là loai cây sống được dưới nước, cây mọc dưới lòng rào Cộ. Sông, người địa phương ở đây gọi là rào. 

Chữ cộ là dịch từ chữ cựu. Phía Tây của làng Thi Ông có dòng sông Cựu Hà. Chữ hà là sông. Chữ cựu nghĩa là lâu, tiếng địa phương ở đây gọi là cộ. Cộ dùng để chỉ cho cái gì đó cũ xưa rồi.

Tôi lớn lên đã nghe nói đến rào Cộ, nghiễm nhiên gọi danh từ đó mà không biết. Lớn lên mới biết là chỉ cho dòng sông Cựu Hà. Cựu Hà có người gọi là Cổ Hà.

Hơn 500 năm trước, khi người đầu tiên vào đây khai hoang lập làng, họ sinh sống ven sông Cựu Hà. Vùng đất phía tây này của làng có tên là Gia Lóng. Đất Gia Lóng nằm bên sông Cựu Hà, giáp giới địa phận đất làng Lam Thủy. Ngày trước vì người dân sinh sống đầu tiên chủ yếu quanh con sông Cựu Hà nên ngôi đình và chùa làng đều nằm trên vùng đất Gia Lóng.

Cha tôi kể lại, ngày trước, ngôi đình kiến trúc bằng gỗ, rộng lớn, có 25 bát hương xứ cổ thời xưa còn nguyên vẹn. Sau thời điểm năm 75, đất nước đi vào giai đoạn mới, hô hào bài trừ mê tín... mấy người đi tập kết về đứng đầu ra tay phá ngôi đình làng đem về làm nhà hợp tác xã. 

Ngôi chùa làng ở vùng đất Gia Lóng thì dời về sát nhập vào một cái am trên vùng cát sát rú làng. Cha tôi bảo là vì sợ giặc Pháp về càn đốt cháy nên tháo gỡ dời đi. Đó là khoảng thời gian 1954. 

Sau này, khi người ta thấy được giá trị tâm linh của ngôi đình làng, muốn khôi phục đình làng, không hiểu sao vì nghe thầy địa lý người ta đã chọn đất chùa làng làm ngôi đình bên cạnh. Cái hiểu không chuẩn mực nhất thời đã để lại một việc khó xử cho con cháu về sau.

Ảnh minh họa.

Về làng sinh sống, tôi nghe nói ngày tế lớn ở đình làng là ngày rằm tháng 4, nhưng tế người ta lại tế heo bò. Việc làm mà chúng tôi không thể hiểu được trong một đất nước có chiều dài hơn 2000 năm lấy Đạo Bụt làm gốc.

Nghe cái tên rào Cộ hay Cổ Hà trong tôi có niềm thương nhớ lạ. Một cái tên gợi nhớ cả một chặng đường khai hoang lập ấp mấy trăm năm của cha ông vào buổi đầu gian nguy ấy để tạo dựng làng xóm ruộng vườn nếp sống cho con cháu muôn đời sau.

Một tấc đất hay một viên gạch được đặt xuống nơi ấy cũng là mở ra hào khí muôn đời cho cháu con nối dõi. Chúng ta không được phép quên. Giữ đất giữ làng chính là giữ nước. Có làng mới có nước.

Theo dòng thời gian không hiểu vì sao con sông Cổ Hà không đóng được vai trò lưu thông nên đến đời vua Tự Đức đã cho đào con sông Vình Định. Con sông Vình Định nối từ cầu Bờ Bến với con sông Thạch Hãn thông vào cho đến cửa Biển Thuận An, Huế. Thuở nhỏ tôi thấy nhiều thuyền máy từ Huế ra buôn bán ở lại nhiều ngày trên bến sông Vĩnh.

Không đóng được vai trò giao thông nhưng vùng đất Gia Lóng, sông Cổ Hà vẫn tiềm ẩn linh khí địa hình sông nước nơi đây. Lúc chọn hướng cho am Thụy Ứng, chúng tôi không quên nhắc cho người nhắm hướng phía dòng chảy của con sông Cựu Hà.

Như một niềm thương nhớ dòng sông Cổ Hà ngày ấy lưu giữ hình ảnh cha ông thủa lập làng tạo dựng, chúng tôi đã đi lấy 3 bụi cây Nhành giữa lòng sông Cổ Hà về trồng ở Am Thụy Ứng. Dòng sông bờ ao, bến nước con đò là hình ảnh thân thương đươm chất làng quê thương nhớ khôn nguôi.

Cây nhành là loại cây dễ sống, có hoa, hoa thơm, sống được cả dưới nước và trên cạn. Từ những ý nghĩa trân quý vùng đất và dòng sông khởi nguồn, chúng tôi trồng xuống giữa đất nơi am quê những cây Nhành kia. Như một dòng chảy được tiếp nối lưu truyền, mong cho con cháu muôn đời sau của mảnh đất làng quê tôi xứng đáng với câu:

"Thủa cha ông đức sáng tài cao, vững bước nêu danh cùng xã tắc

Thời cháu con tâm ngời trí tỏ, chung vai góp mặt với non sông..."

Mỗi một nhành cây, ngọn cỏ, mỗi một lời dặn dò của cha ông tự ngàn xưa vẫn còn có mặt cho chúng ta hôm nay. Tất cả giúp cho chúng ta có một gốc rễ vững bền để lớn lên. Bởi, suy cho cùng, sống bằng tâm trí trong sáng, “chung vai, góp mặt” với non sông mới là điều đáng quý lắm thay!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top