Aa

Trong sóng gió, vẫn còn những tín hiệu lạc quan

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 18/04/2020 - 13:30

Thay vì “ngủ đông” và chờ được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tìm cách “sống chung với lũ” để vượt qua khó khăn và cho rằng, khi niềm tin còn thì thị trường vẫn bình ổn.

Thay đổi để thích nghi

“Giai đoạn 2009 - 2011, thị trường rơi vào khủng hoảng khó khăn, chúng tôi đã động viên anh em làm việc với tâm thế không có gì để mất, sai đến đâu, sửa đến đó. Làm mới có cơ hội sống, không làm thì sẽ chết. Nhờ tinh thần đó, chúng tôi đã vượt qua cuộc khủng hoảng và phát triển vững mạnh như bây giờ”, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ và cho rằng, doanh nghiệp đã đi qua được cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 10 năm trước thì không có lý do gì lại bi quan khi thị trường rơi vào thăng trầm như lúc này.

“Dịch bệnh có thể khiến tâm lý của lãnh đạo và nhân viên Đất xanh Miền Bắc hoang mang. Nhưng nếu cứ hoang mang và ngồi ở nhà và đọc những thông tin tiêu cực về dịch bệnh sẽ tạo ra bầu không khí ảm đạm và u ám, làm xuống tinh thần.

Với Đất Xanh Miền Bắc, chúng tôi luôn có phương án hành động để thích nghi trong mọi hoàn cảnh thị trường, đưa ra kịch bản ứng phó với khó khăn, sống chung với lũ. Không ai biết bao giờ dịch bệnh sẽ kết thúc. Có thể tháng này, tháng sau nhưng cũng có thể kéo dài đến cuối năm nên bắt buộc phải tìm cách hành động và thích nghi chứ không thể rơi vào trạng thái ngủ đông. Chúng tôi nghiên cứu, triển khai cách thức bán hàng mới cho khách hàng làm quen và thích nghi, thay đổi cách thức tiếp cận thị trường thông minh, đa dạng hơn”, ông Quyết cho hay.

Ảnh: Invest.com.vn

Đất Xanh Miền Bắc là một trong những đơn vị tiên phong thay đổi phương thức bán hàng từ vài năm trước, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, doanh nghiệp này đã chủ động đẩy mạnh hơn phương thức tư vấn bán hàng online, đẩy mạnh Telesale, E-Mail Marketing, giới thiệu các dự án đến khách hàng thông qua hình ảnh, video hết sức trực quan, sinh động. Theo đó, chỉ cần có trên tay một thiết bị có kết nối internet là khách hàng đã có thể nắm băt được đầy đủ mọi thông tin dự án mà mình quan tâm ngay tại nhà.

Bên cạnh đó, sàn giao dịch này đã cùng chủ đầu tư đưa ra những chương trình ưu đãi, khuyến mại và nhiều động thái kích cầu khác để khuyến khích khách hàng mua nhà.

Chia sẻ thêm, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc bộ phận kinh doanh Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, đơn vị vẫn triển khai công tác bán hàng bình thường. Vị này lấy dẫn chứng về một dự án ở phía Tây Hà Nội, trong 1 tuần đã chốt thành công 30 giao dịch và trong vòng một tháng, số giao dịch của dự án lên gần 100. 

“Đó là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ kinh doanh, bán hàng dựa theo chiến lược của Tổng giám đốc”, bà Dung nói.

Tương tự Đất Xanh Miền Bắc, đại diện Cen Group cho biết, ở thời điểm này, thay vì mời khách hàng đến những địa điểm khách sạn sang trọng như trước, doanh nghiệp này thực hiện việc mở bán để giới thiệu dự án qua hình thức livestream và áp dụng nền tảng công nghệ Cenhomes. Thông qua công nghệ này, khách hàng không cần phải đến trực tiếp dự án mà vẫn có thể cập nhật được tiến độ dự án và tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến dự án.

“Bằng việc áp dụng công nghệ để phân phối bất động, đến nay, doanh số ghi nhận đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước”, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cen Group cho hay.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã chủ động “tự cứu mình”, điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động. Về dài hạn, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi chiến lược và chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.

Cụ thể, Tập đoàn Vạn Phúc cho biết, doanh nghiệp đã thay đổi chính sách thanh toán với khách hàng mua dự án Van Phuc City. Theo đó, thay vì khách hàng phải thanh toán 30% khi ký hợp đồng, sau đó đóng theo tiến độ và khi nhận nhà sẽ đóng xong 95%, thì nay khách hàng chỉ việc thanh toán trước 25% sẽ ra hợp đồng mua bán, số còn lại sẽ thanh toán khi nhận nhà. Ngoài ra, chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng vay 70% giá trị sản phẩm với lãi suất tốt nhất.

Còn Trần Anh Group hỗ trợ lãi suất 18 tháng cho khách hàng mua sản phẩm các dự án do Công ty phát triển. Ngoài ra, tiến độ thanh toán cũng được kéo dài tới 3 năm.

Một công ty địa ốc khác cũng tung gói tài trợ tổng giá trị 100 tỷ đồng cho người mua nhà. Doanh nghiệp này chiết khấu 50% với tất cả sản phẩm nhà ở thuộc một số dự án, áp dụng chính sách thưởng lớn nhân viên bán được hàng trong mùa dịch.

Niềm tin vào thị trường bất động sản vẫn còn

Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, trong tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với từ các khóa liên quan đến nhà ở như "bất động sản", "căn hộ chung cư", "dự án nhà ở" đều tăng. Với từ khóa "chung cư", thời điểm cuối tháng 3/2020, lượng tìm kiếm thậm chí còn vượt mốc cao nhất của năm 2019. Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Trong đó, phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, thực tiễn này đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011. Vậy cho nên, theo nhu cầu của mình, người mua nhà cần theo dõi diễn biến nguồn cung trên thị trường và có quyết định kịp thời để nắm bắt cơ hội.

Báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng khẳng định chính vì nhu cầu ở thực của người dân hiện nay đang rất lớn nên hoạt động mua bán nhà vẫn đang diễn ra, bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Dù khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn đầy ắp cơ hội.

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cũng cho rằng, nhu cầu mua nhà để ở và sinh sống của các khách hàng vẫn luôn luôn có ở mọi thời điểm, không liên quan nhiều đến dịch Covid-19. Ông Quyết nhấn mạnh tình hình hiện tại khác với cuộc khủng hoảng 10 năm trước bởi không phải do thị trường xấu đi mà do dịch bệnh, yếu tố khách quan tác động vào, nhu cầu của thị trường lúc này vẫn rất cao.

Thứ hai, trong mùa dịch này nhiều chủ nhà ngại cho thuê, còn khách hàng thì có tâm lý ngại đi thuê. Chính vì vậy mà trên thị trường đã xuất hiện một số bộ phận khách hàng chuyển đổi qua mua bất động sản với hình thức có thể ở luôn và ngay lập tức.

Thứ ba, đây là thời điểm Việt kiều về nước rất nhiều. Điều này, dẫn tới làn sóng mua nhà và thuê nhà để ở rất cao. Tích cực hơn, đây cũng chính là đòn bẩy đưa thị trường bất động sản bứt phá trở lại trong thời gian tới khi mùa dịch qua đi.

Thứ tư, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều chủ đầu tư đã có những chính sách bán hàng, ưu đãi và giá bán dành cho khách hàng vô cùng tốt và hợp lý hơn so với trước.

Thứ năm, ngay tại thời điểm này, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan đã đưa ra các giải pháp để kích thích nền kinh tế, trong đó một yếu tố quan trọng là các ngân hàng sẽ tung ra các gói hỗ trợ lãi suất nhằm kích thích tiêu dùng và sản xuất. Bất động sản sẽ không là ngoại lệ. Việc lãi suất giảm đồng nghĩa với việc khách hàng có nhiều cơ hội để tiếp cận với nhà ở hơn, đặc biệt là mua nhà ở thực”.

Cũng theo ông Quyết, bắt nguồn từ việc “cách ly xã hội”, khách hàng đang có xu hướng quan tâm nhiều đến phân khúc nhà ở cao cấp với đầy đủ tiện ích như siêu thị, bệnh viện, trường học, sân thể thao, khu công viên, vui chơi giả trí... Điều này sẽ giúp cư dân sống thoải mái và yên tâm, không bì gò bó khi thực hiện chế độ “ hạn chế tối đa ra đường”.

Trong thách thức luôn có cơ hội. Đó là phương châm của nhiều doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản và nhà đầu tư đặt ra lúc này để chủ động tìm cách nâng cao “sức khỏe” của mình, vượt qua những khó khăn của dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đánh giá, Covid -19 chính là “thuốc thử liều cao” đối với các doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Theo đó, sau khi dịch đi qua, thị trường sẽ có một sự sàng lọc lớn để phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ rộng hơn, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, kể cả doanh nghiệp lớn. Do đó, bên cạnh sự chủ động vượt khó của doanh nghiệp, hơn ai hết, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần có sự hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ để có thêm “sức đề kháng” chống chọi với dịch bệnh. Tin tưởng, lạc quan với thị trường là tốt nhưng doanh nghiệp không thể tự mình “bơi” trong “nước lũ” quá lâu nếu không được cấp “áo phao”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top