Aa

TS. Đào Ngọc Nghiêm: "Đô thị Việt Nam mới chỉ chạm tới kiến trúc xanh"

Thứ Bảy, 16/12/2017 - 21:00

Ở bất cứ thời kỳ nào, đô thị hóa và phát triển đô thị cũng là một động lực phát triển quan trọng. Ở Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội, không còn quá sớm khi bàn đến việc xây dựng những đô thị xanh chuẩn mực, trong đó, giải quyết được mâu thuẫn về giao thông, nguồn cung cấp năng lượng, khả năng tự điều hoà không khí, vấn đề xử lý rác thải…

Dự kiến đến năm 2035, Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân sống ở đô thị. Như vậy trong vòng 20 năm tới sẽ có 50 triệu dân sống trong hơn 1.000 đô thị. Theo đó, vấn đề quy hoạch, kiến trúc xây dựng đô thị như thế nào vẫn luôn gây tranh cãi. Xoay quanh câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội.  

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, TS đánh giá thế nào về thực trạng phát triển Đô thị ở Việt Nam hiện nay?

TS Đào Ngọc Nghiêm: Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao trong khu vực và so với thế giới. Ở những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam mới chỉ có khoảng 500 đô thị thì đến 2015 đã có 757 đô thị, và số dân sống trong các đô thị chiếm khoảng gần 40% dân số. Theo định hướng phát triển đô thị đến 2025, dự kiến Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 40 - 50%.

Theo tốc độ này, có thể thấy Hà Nội đã có không gian phát triển đô thị, diện mạo đô thị có sự đột biến rất lớn về quy mô, cấu trúc cho thấy Hà Nội có những ứng xử thích nghi với bối cảnh phát triển trong từng giai đoạn. Diện mạo ngày nay của Hà Nội là sự tổng hòa từ truyền thống, có sự tiếp thu chọn lọc nhiều dòng văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đô thị Hà Nội, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Thứ nhất, đó là bảo đảm hài hòa giữa phát triển mới với việc bảo tồn các di sản. Tồn tại thứ hai là phát triển không gian vật thể chưa tương xứng với phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ ba là phân bố dân cư vẫn chưa chọn được mô hình cấu trúc đô thị phù hợp, sự quá tải do chưa kiểm soát tăng trưởng dân số. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn đang là vấn đề thách thức của Hà Nội.

Đ

Trong tương lai, đô thị xanh là xu hướng phát triển ngành xây dựng Viêt Nam (Ảnh: Trần Kháng)

PV: Hiện nay mô hình “đô thị xanh” đang được cả thế giới hưởng ứng, Việt Nam cũng đang lựa chọn xây dựng đô thị theo xu hướng này, nổi bật nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ông đánh giá thế nào về đô thị xanh của Việt Nam?

TS Đào Ngọc Nghiêm: Đô thị xanh là một xu thế hấp dẫn nhưng hiện nay có nhiều khái niệm lại khác nhau mà theo tổng kết thì có đến 4 khái niệm về đô thị xanh. Đô thị xanh là tổ chức không gian điểm dân cư của đô thị phải đảm bảo phát triển bền vững, sau khi phát triển bền vững bắt đầu bàn đến các yếu tố kinh tế, giao thông, môi trường, năng lượng xanh. Sau đô thị bền vững là bàn đến đô thị sinh thái, tiếp đến là đô thị xanh, đô thị thông minh. Có nghĩa là ngày càng cụ thể hóa các vấn đề và gắn với từng đô thị đặc thù.

Đô thị xanh phải sử dụng năng lượng xanh, phải có môi trường xanh, không gian xanh. Đặc biệt là môi trường ở, môi trường công cộng xanh. Thứ nữa là giao thông xanh đảm bảo không ô nhiễm môi trường, không ô nhiễm khí thải, phải tăng diện tích đỗ xe. Phải có phát triển kinh tế xanh không gây ô nhiễm môi trường. Cuối cùng là kiến trúc xanh, nghĩa là các công trình xây dựng có nhận thức về xanh.

Thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có các cuộc thi về công trình xanh, những công trình kiến trúc xanh, thậm chí có những đồ án được giải thưởng của nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ là những vấn đề cục bộ còn vẫn chưa đưa ra được khái niệm cụ thể về đô thị xanh. Bởi muốn xanh thì là mục tiêu của đất nước nhưng phải đảm bảo sự đồng bộ của nhà đầu tư, phải đảm bảo nâng cao chất lượng sống của người dân.

Ví như Việt Nam hiện nay cũng có những khu đô thị có hơi hướng là đô thị xanh hoặc mới chỉ chạm tới kiến trúc xanh nhưng chưa phải là đồng bộ. Có nhiều khu đô thị gọi là xanh nhưng nó chỉ đổi mới theo xu hướng kinh tế mới. Tức là trước đây quan niệm khu đô thị chỉ để ở thì nay do tác động của việc phát triển kinh tế gắn với chất lượng sống thì nhiều khu đô thị không chỉ ở mà còn có bệnh viện, trung tâm thương mại, trường học…

PV: Vậy theo TS, để xây dựng đô thị xanh, Việt Nam phải thực hiện những giải pháp như thế nào?

TS Đào Ngọc Nghiêm: Xu thế tất yếu hiện nay là các khu đô thị phải hướng tới khu đô thị xanh. Trong đó, cần phải giải quyết cấu trúc quy hoạch xanh để đảm bảo yếu tố xanh bền vững, sau đó phải có hướng dẫn, định hướng cho từng loại hình kiến trúc xanh như nhà ở xanh khác với các công trình xanh.

Nếu như trước đây người ta sống ở trong các không gian nhân tạo thì nay người ta sống ở không gian có đồng bộ với các công trình phục vụ. Hơn nữa là mối quan hệ với nơi người ta ở và nơi làm việc, và giao thông xanh phải được quản lý liên kết với nhau, hạn chế khí thải. Đó là phát huy và làm rõ vai trò của cộng đồng trong quản lý đô thị.

Bên cạnh đó, để hướng tới xây dựng đô thị xanh, đô thị thân thiện thì nhà ở, con người là sở hữu riêng nhưng sử dụng đất của Nhà nước là sở hữu chung và chủ đầu tư tiếp tục đại diện quản lý như sân chơi, không gian công cộng, công viên. Ở đây cần một cơ chế chính sách thích hợp để đảm bảo vai trò của người dân, người sở hữu được quyền khai thác tối thiểu các không gian chung, các tầng xanh chung cư…

TS

TS Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: Hồng Vũ)

Nhưng hiện nay có những sở hữu chung - riêng không rõ ràng, có những sở hữu chung của nhà đầu tư nhưng cư dân phải bỏ tiền ra…Từ cơ chế chính sách theo hướng xanh, theo hướng vì con người là trung tâm thì mới xác lập ra trách nhiệm của cơ quan quản lý. Một đô thị xanh trong tương lai cũng cần phải có quản lý xanh. Đó là hệ thống cơ cấu tổ chức hợp lý từ cấp TP đến quận, huyện và phường, xã. Đó là năng lực cán bộ quản lý, nhất là với cán bộ chuyên ngành phù hợp với phân công phân cấp rõ ràng.

Thế giới đang hướng đến đô thị xanh nên chúng ta cũng đang đi theo với các khái niệm đô thị xanh, đô thị sinh thái, thậm chí đến đô thị thông minh nhưng hiện nay để đảm bảo hài hòa giữa phát triển mới và cải tạo vẫn chưa được chú trọng. Thứ hai là chưa có cơ chế khuyến khích để chủ đầu tư phát triển kiến trúc xanh, đô thị xanh.

Đặc biệt, Hà Nội phải được tạo lập từ các công trình xanh, kiến trúc xanh. Đây là vấn đề đã được nghiên cứu hình thành từ giữa thế kỷ XX với các xu hướng được gọi tên là kiến trúc sinh thái, kiến trúc có hiệu quả năng lượng, kiến trúc thích ứng với khí hậu, kiến trúc bền vững… Kiến trúc xanh là trách nhiệm của người thiết kế kiến trúc, là yếu tố không thể thiếu cho phát triển bền vững, cho đô thị xanh…

PV: Trong câu chuyện xây dựng đô thị xanh không thể bỏ qua yếu tố “văn hóa xanh”, văn hóa đô thị. Theo ông, văn hóa đô thị của riêng Hà Nội còn đang tồn tại những gì và cần định hướng “văn hóa xanh” ra sao?

TS Đào Ngọc Nghiêm: Văn hóa đô thị là một trong những tiêu chí để đánh giá thực trạng, trình độ lối sống ở trong các đô thị, khả năng thích ứng của người dân đối với sự biến đổi về diện mạo của đô thị. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới, với sự xâm cư của người dân các địa phương về Hà Nội thì thực chất văn hóa, lối sống của Hà Nội là nơi tích tụ, sàng lọc các yếu tố mới để tạo nên nét văn hóa đa dạng nhưng vẫn giữ được nét riêng của nó.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một vấn đề là Hà Nội đang thiếu những hướng dẫn hợp lý, những thông tin quảng bá để người dân thấy được cái đúng, cái sai, cái hay để người ta tiếp thu và những cái dở nên loại bỏ dần.

Tôi cho rằng để định hình lối sống “văn hóa xanh” cho đô thị thì cần phải có giải pháp thích hợp để hướng dẫn, quản lý, truyền bá thông tin, giới thiệu những điều tốt đẹp, và phân tích rõ ràng các yếu tố để người dân hiểu và lựa chọn. Người dân tìm cho mình một lối sống riêng là điều cần, nhưng phải có sự hướng dẫn, vì lối sống, văn hóa đô thị không phải là của một người mà nó là biểu hiện văn minh, văn hóa của cả xã hội.

Xin cảm ơn ông!                                           

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top