Aa

TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra điểm kẹt nhất của Bộ Tài chính: Họ sợ bị doanh nghiệp FDI kiện

Thứ Hai, 15/07/2019 - 06:01

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giải pháp nhanh nhất lúc này là: Giữ nguyên Nghị định 20/2017 như hiện tại nhưng phạm vi áp dụng chỉ đối với các doanh nghiệp FDI, hoặc các giao dịch xuyên biên giới.

Chỉ ra những bất cập đối với ngành tài chính trong 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ viện dẫn đến Nghị định số 20/2017/NĐCP.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những bất cập tại Nghị định này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "nhắc nhở 3 lần". Văn phòng Chính phủ cũng đã từng thẩm định. Phó Thủ tướng cho hay, nếu chờ cho đến khi sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì rất chậm. Vì thế, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp để sửa đổi những bất cập tại Nghị định 20. "Vướng đâu thì phải tính đến đó. Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục có thẩm định cụ thể, lắng nghe từng bộ ngành, từng vướng mắc để giải quyết", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia:

ÁP DỤNG CÙNG 1 CÔNG THỨC LÀ CHƯA THỎA ĐÁNG

PV: Ông đánh giá ra sao về tính hiệu quả của Nghị định 20 đối với việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ở Việt Nam hiện nay?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết rất phức tạp và có tính toàn cầu, nó đã và đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam và các nước đang phát triển mà còn khá phổ biến ở các nước phát triển kể cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đối tượng quản lý cũng khá phức tạp bao gồm không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả các tập đoàn quốc gia và xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá, chuyển chi phí và phân bố lợi nhuận nhằm tối thiểu hóa lợi nhuận tính thuế.

TS. Lê Xuân Nghĩa.

TS. Lê Xuân Nghĩa.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một bước tiến quan trọng đảm bảo tính minh bạch và công bằng của quản lý Thuế.

Chúng ta chưa có điều kiện về pháp lý và phương tiện kỹ thuật để đánh giá chính xác các hoạt động chuyển giá, chuyển chi phí và phân bổ lợi nhuận của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, khảo sát sơ bộ của chúng tôi ở một vài công ty liên doanh của nước ngoài với Việt Nam (dựa vào đối tác Việt Nam để xem xét) cho thấy hoạt động này khá phổ biến và kéo dài từ rất lâu ở Việt Nam mà chúng ta không có cách nào ngăn chặn, nó ảnh hưởng không chỉ đến thu thuế của Chính phủ mà cả lợi ích hợp pháp của các bên liên doanh Việt Nam. Nghị định 20/2017 của Chính phủ là công cụ quan trọng để hạn chế và ngăn ngừa sự thiếu minh bạch và bất công bằng này.

Tuy nhiên, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam.

PV: Chuyên gia có thể phân tích rõ hơn sự khác biệt này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Về kế toán, việc chấp nhận các hóa đơn để hạch toán chi phí và tính thuế cũng khác nhau. Nhìn chung các doanh nghiệp nước ngoài theo chuẩn kế toán quốc tế (IAS) được chấp nhận dễ dàng hơn.

Ngoài ra, hầu hết các loại tài sản tài chính của các doanh nghiệp nước ngoài theo IAS đều được đánh giá lại theo giá thị trường để tính thuế. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng có quyền lựa chọn các phương pháp tính khấu hao tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng có quyền trích lập dự phòng rủi ro cho nhiều loại tài sản nội bảng… Sự khác biệt này khiến cho việc so sánh về doanh thu, về tỷ suất lợi nhuận, lợi nhuận trở nên rất phức tạp.

PV: Thưa ông, nếu chiếu vào Điều 8 về xác định chi phí tính thuế, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng sẽ gặp phải bất lợi gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tại Điều 8 về xác định chi phí tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù cũng cho thấy một số vấn đề cần lưu ý.

Giải pháp nhanh nhất lúc này là: Giữ nguyên Nghị định như hiện tại và thay đổi phạm vi áp dụng chỉ đối với các doanh nghiệp FDI, hoặc là các giao dịch xuyên biên giới. Họ không dám phản đối đâu!

TS. Lê Xuân Nghĩa

Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có vốn tự có so với vốn vay rất thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Khảo sát của chúng tôi năm 2017 cho thấy tỷ lệ vốn tự có trên vốn vay của 500 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán chỉ khoảng 34%, nếu tính chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỷ lệ này rất thấp. Tỷ lệ này trong khu vực kinh doanh bất động sản chỉ đạt 25%. Như vậy chi phí tài chính từ các khoản vốn vay rất lớn.

Thứ hai, lãi suất cho vay ở Việt Nam rất cao, thường là gấp đôi, thậm chí gấp 2,5 lần các nước trong khu vực và kéo dài rất nhiều năm và đang có xu hướng tăng ổn định, nghĩa là không có khả năng giảm. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc ngày càng sâu hơn vào vốn vay và làm giảm khả năng tích tụ tài chính hợp pháp trong suốt quá trình kinh doanh. Đây cũng là lý do giải thích vì sao ở Việt Nam không hình thành được các tập đoàn công nghiệp lớn nhờ vào tích tụ tư bản, ngoại trừ một vài tập đoàn hiếm hoi và cũng đang cố gắng để đứng vững lâu dài trên thị trường mà phần lớn từ khu vực bất động sản và ngân hàng.

Mặt khác, kinh doanh bất động sản nói chung đều sử dụng chủ yếu vốn vay trung và dài hạn, có lãi suất rất cao và có xu hướng tăng nhanh hơn lãi suất ngắn hạn do các quy định mới và kiểm soát dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, trong điều kiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu còn rất yếu thì chi phí tài chính sẽ là gánh nặng ngày càng lớn cho doanh nghiệp bất động sản.

Theo tính toán của chúng tôi, nếu lãi vay dài hạn bình quân vượt qua con số 12,5%/năm thì kinh doanh bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn và giá trị gia tăng toàn ngành suy giảm mạnh khiến thị trường này có thể rơi vào tình trạng nguội lạnh dần.

Việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa.

Việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa.

PV: Bản thân công thức tính toán tổng chi phí lãi vay trong Nghị định 20 được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất và có nhiều ý kiến phản ánh chưa hợp lý. Chuyên gia có thể phân tích và làm rõ điều này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo Nghị định 20, công thức tính toán Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) với chi phí lãi vay và (+) chi phí khấu hao. Chúng ta đều biết lợi nhuận thuần = Doanh thu thuần – giá thành sản phẩm (đã tiêu thụ). Điều này cho thấy lợi nhuận thuần giảm khi mà giá thành sản phẩm tăng, mà giá thành sản phẩm đã bao gồm cả chi phí lãi vay.

Nói cách khác, lợi nhuận thuần giảm khi mà chi phí lãi vay tăng. Vì vậy, công thức này xét về logic toán học có vẻ không ổn vì đó không phải là quan hệ đồng thuận.

Chúng tôi đã áp dụng công thức này để tính toán thử cho một số công ty công nghiệp và công ty bất động sản, kết quả cho thấy với mức lãi suất cho vay bình quân hiện nay của Việt Nam (lãi suất ngắn hạn 7 - 9%/năm, dài hạn từ 9 - 12%/năm) thì doanh nghiệp phải có vốn tự có gấp 3 - 4 lần vốn vay mới có thể đảm bảo chịu đựng được với một số điều kiện nhất định như dự án không kéo quá dài; có vốn góp trước một phần của người mua và giá đất khởi đầu thấp, và vốn tự có phải là vốn thật và đặc biệt là giá tiêu thụ phải ổn định, nghĩa là các doanh nghiệp không gặp những rủi ro về pháp lý, và thị trường. Đây là vấn đề còn tồn tại khá lớn ở Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Như vậy, việc áp dụng cùng một công thức và tỷ lệ tính toán chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam sẽ là chưa thỏa đáng trong điều kiện hiện tại. Nên chăng Bộ Tài chính có thể xem xét và có lộ trình thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

BẤT LỰC CHỐNG CHUYỂN GIÁ, TRỐN THUẾ VÀ NỖI SỢ MANG TÊN FDI

PV: Bất cập như vậy nhưng vì sao Bộ Tài chính có vẻ lung túng, mãi chưa sửa xong Nghị định 20, dù có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thưa chuyên gia?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Bộ Tài chính có mục tiêu là làm thế nào để tăng thu cho ngân sách, vì mục đích của quốc gia. Tuy nhiên, xét trong trường hợp Nghị định 20, có thể họ đang phải cân nhắc một số việc.

Thứ nhất, Nghị định nên áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp, cả Việt Nam và FDI hay chưa? Hay chỉ nên áp dụng cho nguyên các doanh nghiệp FDI?

Nhưng nếu chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp FDI thì có thể Bộ Tài chính sợ sẽ bị kiện.

Tức là sẽ không công bằng khi đặt ra câu hỏi: Tại sao cùng là doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam nhưng lại có sự phân biệt, đối xử về thuế như thế.

Đó có thể là chỗ kẹt nhất của Bộ Tài chính. Tức là có thể trong thâm tâm, họ chưa muốn áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam mà chỉ muốn áp dụng cho các doanh nghiệp FDI nhưng lại sợ bị kiện.

Thứ hai, trong trường hợp Bộ Tài chính chỉnh sửa Nghị định theo hướng áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng không thể thiết kế theo hướng phân biệt, đối xử doanh nghiệp Việt Nam có một tỷ lệ khác so với doanh nghiệp FDI. Nếu cùng tỷ lệ thì doanh nghiệp Việt Nam thiệt quá.

Trên thực tế, Bộ Tài chính hoàn toàn biết các doanh nghiệp FDI có rất nhiều thủ đoạn để chuyển giá, tăng chi phí để giảm thuế phải nộp, mà phương thức được nêu ra trong Nghị định này là chủ đạo. Bởi khi doanh nghiệp FDI giải ngân, 88% họ giải ngân bằng máy móc, thiết bị; giải ngân bằng tiền mặt chỉ chiếm 12%.

Như vậy chứng tỏ, ngay giá thiết bị có thể bị tính cao; thứ hai là họ vay nguồn vốn lưu động từ công ty mẹ với lãi suất rất cao. Đó là hai phương thức chủ chốt để FDI gian lận về thuế tại Việt Nam.

Trong hình dung của tôi, có thể Bộ Tài chính đang rất khó xử ở một điểm nữa, đó là nếu sửa Nghị định theo hướng giảm tỷ lệ như thế nào đó để cho các doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận được thì lại có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Nếu mà để như hiện nay thì lại có hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Theo ông, cách giải quyết nhanh nhất lúc này là gì, để trách những hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Bộ Tài chính lo ngại nếu áp dụng Nghị định này cho riêng các doanh nghiệp FDI thì sợ họ phản đối. Nhưng theo tôi, giải pháp nhanh nhất lúc này là: Giữ nguyên Nghị định như hiện tại và thay đổi phạm vi áp dụng chỉ đối với các doanh nghiệp FDI, hoặc là các giao dịch xuyên biên giới. Họ không dám phản đối đâu!

Chúng ta cứ làm, không phải sợ bị kiện. Bởi thực tế, chúng ta đang bất lực hoàn toàn trước việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế. Không loại trừ bất kỳ một doanh nghiệp đến từ quốc gia nào, kể cả các quốc gia văn minh như Mỹ hay Nhật Bản.

PV: Ông bình luận gì về việc thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tính toán gần đây của các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế cho thấy, GDP toàn cầu sụt giảm nhanh. Đâu đó đến năm 2030, một số khu vực như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, có thể tăng trưởng còn từ nay đến đó sẽ giảm.

Đặc biệt, tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn tăng trưởng GDP do những căng thẳng thương mại gia tăng và bất ổn kinh tế.

Điều đó cho thấy, nước nào có mức độ hội nhập cao, phụ thuộc hoàn toàn vào xuất, nhập khẩu từ thị trường Việt Nam sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Trong đó có việc thu hút FDI, bởi đây là một trong những chiến lược đẩy mạnh tăng cường xuất khẩu.

Bởi thế, đã đến lúc Việt Nam nên quay lại chiến lược phát triển, khai thác tất cả lợi thế của thị trường nội địa. Khai thác ở đây không chỉ có lợi thế về kinh tế mà cả lợi thế về văn hóa.

Ví dụ, nếu cải thiện được việc khai thác lợi thế về văn hóa, có thể tăng được lượng lớn doanh thu từ du lịch. Hay cải thiện được an toàn thực phẩm có thể kích thích tăng trưởng từ ẩm thực.

Đó là những tiềm năng cần tập trung khai thác thay vì hô hào phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phải đi vào những vấn đề nền tảng như giáo dục – đào tạo phải được cải thiện hoàn toàn thì mới đổi mới, sáng tạo được.

Đã đến lúc nên xem xét, đánh giá lại chiến lược thu hút FDI và có chiến lược mới cho tăng trưởng nội địa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Trước đó, ngày 14/12/2018, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra những vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ của Nghị định số 20/2017/NĐCP.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi những lý do sau:

- Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

- Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”. Khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.

- Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20. Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng khoản 3, điều 8, Nghị định 20 này là nhằm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có. Cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục. Theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ quan quản lý Thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, trước hết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách, gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.

Trước những bất cập của Nghị định 20; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có ý kiến, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đưa ra cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top