Aa

TS. Nguyễn Đức Thành: "Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2018 có thể xấu hơn"

Thứ Năm, 12/07/2018 - 06:00

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong "Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II" đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 11/7 vừa qua.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có những phân tích về bức tranh kinh tế vĩ mô trong quý II năm 2018.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2018 đạt mức 6,79%. Tuy tốc độ tăng trưởng không còn cao như quý I  nhưng đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong 10 năm qua.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 7,9 triệu lượt khách, tăng 27,2%. Các thị trường chủ đạo đều tăng trưởng tốt về lượt khách du lịch, bao gồm: Hàn Quốc (tăng 60,7%), Trung Quốc (36,1%), Mỹ (15,4%), Nhật (6,6%) và Nga (tăng 7,9%).

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng bất thường, số việc làm tạo mới giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2018 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (64.531 so với 61.276 doanh nghiệp, tăng 5,3%).

Tổng số vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, quý II/2018 chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7%. Giống với quý I, quy mô việc làm tạo mới trong quý II tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế này dường như cho thấy khu vực ngoài quốc doanh đang dần lấy lại tầm quan trọng của mình, trong khi khu vực FDI ngày càng có mức độ tự động hóa cao nên sử dụng lượng lao động ngày càng giảm. Lạm phát bật tăng trong quý II nối tiếp xu hướng trong quý I.

Lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng 3 lên 4,67% vào tháng 6.

Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017.

Liên quan đến thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, thị trường bất động sản đang có xu hướng chững lại khi những con số thống kê cho thấy thị trường căn hộ sụt giảm mạnh.

Đánh giá chung về nền kinh tế vĩ mô, ông Thành cho rằng: "Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II, và dù triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm có thể xấu hơn, chúng tôi vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 là khả thi.

Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất, cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, chúng tôi cho rằng để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt làc hính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN".

Những báo cáo của nền kinh tế Việt Nam ở bất kỳ quý nào cũng nhận diện ra nhiều rủi ro. Từ những rủi ro đó khiến chúng ta luôn phải lo lắng. 

- PGS.TS Phạm Thế Anh-

Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra những phân tích trên 3 thị trường bổ sung cho nền kinh tế vĩ mô bao gồm: tỷ giá ngoại hối, chứng khoán, bất động sản. Theo ông Hiếu, tỷ giá ngoại tệ đang có sự tăng bất thường, không ổn định vào tháng 6 dù trước đó đang có diễn biến ổn định. Thị trường chứng khoán đang bị rớt điểm mạnh. Thị trường bất động sản đang tiềm ẩn dấu hiệu bong bóng.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng: “Những báo cáo của nền kinh tế Việt Nam ở bất kỳ quý nào cũng nhận diện ra nhiều rủi ro. Từ những rủi ro đó khiến chúng ta luôn phải lo lắng. Nguyên nhân dẫn tới sự lo lắng này này xuất phát từ vấn đề về tài khoá của Việt Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cơ cấu của nền kinh tế nước ta vẫn chưa có sự độc lập, chưa có định hướng đối với doanh nghiệp trong nước. Nền kinh tế vĩ mô căng như dây đàn khiến kinh tế Việt Nam luôn bất ổn. Chúng ta thường ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách và không có thặng dư tài khóa. Tại các nước khác, họ có thặng dự tài khóa, có dự phòng thặng dư nên xảy ra bất trắc, những khoản dự phòng được đem ra để hỗ trợ. Nhưng chúng ta lại không có những bước đệm đỡ nên chỉ cần xảy ra biến động, kinh tế Việt Nam dễ rơi vào tình trạng giảm sâu”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top