Aa

TTCK ngày 23/3: Gần 350 mã giảm điểm trên hai sàn

Thứ Bảy, 24/03/2018 - 05:12

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/3, VN-Index giảm 18,77 điểm (-1,6%) xuống 1.153,59 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 230 mã giảm và 33 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 2,17 điểm (-1,62%) xuống 131,88 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 117 mã giảm và 70 mã đứng giá.

Thị trường phiên giao dịch theo chiều hướng tiêu cực. Trong đó, các cổ phiếu nhóm ngân hàng và chứng khoán chịu áp lực bán rất mạnh.

Về cuối phiên giao dịch, áp lực bán trên thị trường có phần yếu đi và giúp đà giảm của một số cổ phiếu trụ cột được thu hẹp lại đáng kể.

Đáng chú ý, một số cổ phiếu như VIC, PVS, SAB đi ngược lại xu thế chung. VIC tăng 1,4% lên 109.500 đồng/CP và khớp lệnh 3,45 triệu cổ phiếu. SAB tăng 1,9% lên 235.400 đồng/CP. PVS cũng bất ngờ đảo chiều tăng trở lại 0,4% lên 26.300 đồng/CP.

Trong phiên buổi chiều, tuy đà giảm của thị trường được thu hẹp lại so với phiên sáng, nhưng mức giảm vẫn còn khá mạnh. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, với tổng khối lượng giao dịch đạt 351 triệu cổ phiếu, trị giá gần 9.300 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bất chấp thị trường chung đi theo hướng tiêu cực, khối ngoại đã nhanh tay mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Khối này mua vào 23,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.122,3 tỷ đồng. Trong khi bán ra 19,3 triệu cổ phiếu, trị giá trên 853,3 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 269 tỷ đồng.

Thị trường lại quay đầu lao dốc sau hai phiên chinh phục đỉnh mới

Thị trường lại quay đầu lao dốc sau hai phiên chinh phục đỉnh mới.

Riêng trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 254 tỷ đồng (gấp đôi phiên trước), tương ứng khối lượng mua ròng đạt 2,8 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng gần 15 tỷ đồng (giảm 55% so với phiên trước), tương ứng khối lượng 1,1 triệu cổ phiếu. Còn tại sàn UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 48,6 tỷ đồng.

Chứng khoán toàn cầu lao dốc trước lo ngại chiến tranh thương mại xảy ra. Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, các chỉ số chính trên TTCK Mỹ như Dow Jones, Nasdaq và S&P500 giảm lần lượt -2,85%; -2,43% và -2,52%.

Trong khi đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay trên thị trường Châu Á, các chỉ số chính như Nikkei 225, Kospi, HangSeng cũng giảm lần lượt - 4,5%; -3,2% và -3,07%.

Trước đó, ông Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế quan đối với một loạt mặt hàng từ Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới 60 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm.

Theo Reuters, ông Trump đã ký 1 bản ghi nhớ về hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan này sẽ chỉ được thực thi sau một giai đoạn tham vấn kéo dài 30 ngày.

Về phía Trung Quốc, ngay trong sáng ngày hôm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất 1 danh sách gồm 128 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ làm mục tiêu trả đũa luật thuế thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, theo 1 tuyên bố trên trang web cơ quan này.

Những động thái trên của Mỹ và Trung Quốc kéo thương mại toàn cầu tiến gần hơn đến 1 cuộc chiến tranh thương mại, được đánh giá sẽ tác động mạnh đến giao thương hàng hóa và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đối với Việt Nam, tuy không phải là mục tiêu trực tiếp của các hàng rào thuế quan trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên tác động tiêu cực vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi xét đến khía cạnh các hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao tại thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng vào vào thị trường Việt Nam.

F&N Diary đã mua thêm 6,6 triệu cp, nâng tổng sở hữu lên hơn 250 triệu cp, chiếm tỷ lệ 17,25% tại Vinamilk. Trước đó, F&N Dairy đã đăng ký mua 14,5 triệu cp VNM từ ngày 21/2 đến 22/3. Tuy nhiên, do điều kiện không phù hợp nên F&N Diary đã không mua hết được số cổ phiếu trên.

Do chưa đạt kỳ vọng về số lượng, F&N Dairy đã tiếp tục đăng ký mua tiếp 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian 27/3-24/4. Có thể thấy F&N Dairy vẫn đang tỏ ra khá quyết tâm với khoản đầu tư vào VNM khi liên tục mua vào từ đầu năm đến nay.

Động thái này cho thấy sự cạnh tranh khá quyết liệt của F&N với đối trọng nước ngoài lớn nhất là Platinum Vicory Pte.Ltd. Khi Platinum đấu giá thành công lô cổ phần 3,33% vốn VNM và cũng liên tiếp thực hiện hoạt động mua tăng cổ phần trong thời gian qua.

BVSC dự báo, với diễn biến tiêu cực của TTCK toàn cầu, kết hợp với việc chỉ số Vn-Index đã tăng mạnh và đang biến động quanh vùng đỉnh lịch sử, nhiều khả năng áp lực chốt lời tiếp tục ở mức cao, khiến thị trường điều chỉnh trong tuần tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top