Aa

TTCK tiếp tục rung lắc trong tuần 11 - 15/12, cổ phiếu BĐS đồng loạt giảm

Chủ Nhật, 17/12/2023 - 06:05

Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động xấu trong tuần giao dịch từ 11 - 15/12, trong đó, các cổ phiếu nhóm bất động sản có diễn biến kém tích cực hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh.

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch có diễn biến kém tích cực dưới áp lực bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại. Kết thúc tuần 11 - 15/12, VN-Index đứng ở mức 1.102,3 điểm, giảm 22,14 điểm (-1,97%) so với tuần trước. HNX-Index có diễn biến tương tự khi giảm 4,18 điểm (-1,81%) so với tuần trước về mức 227,02 điểm. UPCoM-Index giảm 0,66 điểm (-0,77%) xuống 85,05 điểm.

Thanh khoản trên thị trường giảm mạnh so với tuần trước thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 17.767 tỷ đồng/phiên, giảm 26,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 31% xuống còn 15.238 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, tiếp tục bán ròng đột biến trong tuần với giá trị 3.461,28 tỷ đồng trên HoSE, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, bất động sản; mua ròng trên HNX với giá trị 154,77 tỷ đồng.

Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin. Fed quyết định giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp chính sách, đồng thời lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất và dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Các quỹ ETF ngoại cơ cấu danh mục kỳ quý IV/2023...

Các cổ phiếu nhóm bất động sản có diễn biến kém tích cực, đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 11 - 15/12 có đến 77 mã giảm giá, trong khi chỉ có 26 mã tăng giá. Tuy nhiên, biên độ giảm của các cổ phiếu bất động sản cũng không quá lớn và toàn bộ đều dưới 10%.

Đứng đầu danh sách giảm giá là cổ phiếu BIG của CTCP Big Invest Group với mức giảm 9,5%. Cổ phiếu BIG có thanh khoản không quá lớn và tuần qua không có các thông tin liên quan nào. Đứng thứ hai về mức giảm giá ở nhóm bất động sản là PXA của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An với 8,9%. Tuy nhiên, PXA có thanh khoản rất thấp.

PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt gây chú ý khi giảm 8,4% trong tuần giao dịch vừa qua. Giá cổ phiếu PDR đi xuống trong bối cảnh lãnh đạo chủ chốt của công ty dự kiến bán cổ phiếu. Theo đó, với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư, Tổng Giám đốc Bùi Quang Anh Vũ, Kế toán trưởng Ngô Thúy Vân và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Sinh đăng ký bán ra tổng cộng hơn 1,5 triệu cổ phiếu PDR từ ngày 7/12/2023 - 5/1/2024.

Một thông tin khá đáng chú ý đối với PDR là doanh nghiệp bất động sản này đã hoàn tất mua lại lô trái phiếu PDRH2123008 có tổng mệnh giá phát hành là 300 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng chi 87,4 tỷ đồng để mua lại trước hạn lô trái phiếu PDRH2224001. Bên cạnh đó, ngày 6/12/2023, Sở Xây dựng Bình Định đã tiếp tục cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD đối với dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh của PDR.

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 11 - 15/12.
20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 11 - 15/12.

DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng giảm gần 5,8%. Mới đây, doanh nghiệp này có động thái muốn lấn sân thêm vào lĩnh vực mới bên cạnh bất động sản. Cụ thể, Công ty DIC Corp, Công ty TNHH Quản lý cổ phần Năng lượng Môi trường EB Việt Nam (viết tắt: Everbright Environment) và Tổng Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (viết tắt: CHEC) đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. Trong đó, ba bên sẽ triển khai hợp tác chiến lược trong lĩnh vực môi trường, năng lượng bao gồm nghiên cứu, đầu tư các dự án thu gom, xử lý rác thải, nước thải; các dự án sản xuất điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện từ rác thải…) và lĩnh vực cảng biển, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, DIG đã thông qua chủ trương vay vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), theo đó tổng hạn mức vay là 2.000 tỷ đồng, bắt đầu từ quý IV/2023 với thời hạn vay 5 năm. DIC Corp sẽ dùng số vốn này để thanh toán chi phí liên quan đến phát triển đầu tư.

Với nhóm khu công nghiệp, sau khoảng thời gian giao dịch khá tích cực, nhiều cổ phiếu có biến động tiêu cực trở lại. DTD của CTCP Đầu tư Phát triển Thành Đạt giảm 6,1%. KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm 5,7%...

Ở chiều ngược lại, VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex tăng gần 22% chỉ sau một tuần giao dịch. Tuy nhiên, VHD có thanh khoản rất thấp. Một cổ phiếu thanh khoản thấp khác cũng tăng rất mạnh là FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư với gần 17%.

HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân gây chú ý khi tăng hơn 8%. Mới đây, HĐQT của HQC thông báo đã nhận được công văn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cổ phiếu. Theo phương án công bố trước đó, HQC dự kiến chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để chào bán cổ phiếu tăng vốn.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 11 - 15/12.
20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 11 - 15/12.

VN-Index tuần tới diễn biến ra sao?

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường ngắn hạn đang trong nhịp điều chỉnh trong nền tích lũy và vẫn có kỳ vọng phục hồi, hướng tới cản ngắn hạn 1.150 điểm nếu VN-Index tăng điểm trở lại và test hỗ trợ 1.100 điểm thành công.

Kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang bước vào những tuần cuối cùng của năm 2023 với nhiều biến động và tăng trưởng suy giảm so với năm 2022, đặc biệt là tại khu vực EU. Mặc dù lạm phát tại nhiều quốc gia đã lắng dịu nhưng sẽ còn dai dẳng, nhiều nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024 do chịu tác động từ môi trường lãi suất cao trong năm nay. Những yếu tố này sẽ có tác động nhất định nhưng chưa thể lượng hóa tới kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Điểm tích cực là Fed đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất và kỳ vọng điều chỉnh hạ dần mặt bằng lãi suất cơ sở từ năm 2024, lãi suất của Việt Nam đang được duy trì ổn định ở mức thấp. Với bối cảnh như vậy, việc thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top