Aa

Tư duy và ngôn ngữ

Chủ Nhật, 18/11/2018 - 06:01

Người ta nói, ngôn ngữ là lớp vỏ của tư duy. Bởi tư duy là cái ẩn sâu trong não bộ con người. Chỉ duy nhất cá nhân người đó biết hết. Còn ngôn ngữ là cái biểu hiện ra với người khác.

Có thể bạn quan tâm

Nên có lẽ nói vậy là đúng. Bởi đến Chúa cũng dạy, “Khởi thủy là lời”!

Người có tư duy sâu sắc thì phát ngôn cũng đầy chiều sâu trí tuệ.

Người suy nghĩ nông cạn hời hợt thì lời nói phát ra cũng toen hoẻn như vũng nước trên đường sau mưa.

Con người ta biết đến nhau, đầu tiên là ngôn ngữ. Là lời.

Nhưng có bạn bảo không đúng. Bởi con người là một cái giống loài vô cùng tinh khôn xảo trá. Có thể nghĩ một đằng, nói một nẻo. Thích bảo là không. Không bảo là thích vốn chuyện thường. Nhiều kẻ tưởng là yêu nước thương dân, trung thần nghĩa sĩ, phát ra mồm toàn lời vàng ngọc. Thế nhưng rồi cả nước bổ ngửa ra, thành tên bán nước buôn dân không văn tự. Và ngược lại. Có người tưởng chừng như chán ngắt, ăn không nên đọi nói không nên lời. Thế nhưng bỗng một ngày kia ta giật mình tưởng như vừa bị cả xô nước đá dội vào: hóa ra đây là một cao nhân đứng đầu thiên hạ!

Thế thì làm sao để phân biệt?

Là phân biệt cái sự thật giả trong tầng tầng lớp lớp những lời, những ngoa ngôn và mỹ từ mà con người ta sẵn sàng tung ra không gian đây. Làm sao?

Dịp vừa rồi dân gian bàn tán nhiều về cái sự các quan chức nhà ta phát biểu trên quốc hội. Người chê thì nhiều. Thế nhưng có mấy người bạn của tôi bênh, nói, các ông quan ấy đều học hành bằng cấp đầy mình, khổ công phấn đấu, nay ngồi ghế trong hội trường Diên Hồng thì toàn loại siêu cả đấy. Không đùa được đâu! Các ông biết gì mà chê?

Thì ai dám chê!

Là chỉ cười cho vui đời tí mà thôi. Là chuyện bà thượng thư bộ y ví hệ thống y tế như ba cái chân, chân phải chân trái rồi thì... tất nhiên cái chân thứ ba phải là chân giữa thôi! Thế mới vững chứ sao! Khốn khổ, đã tìm được cái hình ảnh kiềng ba chân rất hay rất đẹp ra để mà ví von mà không biết diễn ngôn cho chính xác. Đáng ra nói: Chân kiềng thứ nhất là..., chân kiềng thứ hai là..., chân kiềng thứ ba là...! Thì đã chẳng nên chuyện! Chuyện chỉ là do kho từ vựng của bà ấy khí ít, chứ kể ra tư duy hệ thống cũng tốt phết mà!

Mai là con dân nước Việt không biết đến công lao hàng đầu giúp vua Lê đánh tan quân Minh của Ức Trai tiên sinh?

Mấy ai là con dân nước Việt mà không biết đến công lao hàng đầu giúp vua Lê đánh tan quân Minh của Ức Trai tiên sinh?

Thế nhưng chưa bằng một ông nghị mà nghe nói xong, tra ra mới biết là giáo sư hiệu phó của trường đại học. Ông ấy phát biểu hùng văn hồn là, ăn mày và bán hàng rong bên nước ngoài họ cũng dùng thẻ, không dùng tiền mặt rồi! Ông vừa nói xong thì mấy người bạn bên Mỹ, châu Âu nhắn về cho tôi là, vừa cho tay ăn mày hai đồng 50 cent! Tôi hỏi, ô thế ăn mày bên đó chưa có máy quẹt thẻ của người cho à? Mấy người bạn tôi đồng thanh hỏi lại: Ông đang trong mười lăm phút của ngày à? Chả là khoa học đã rút ra, người nào trong ngày cũng có mười lăm phút chập cheng! Đơn giản là do lúc đó các chất trung gian hóa học điều khiển hệ thần kinh của mình nó mất cân bằng tí thôi, xong cơ thể nó tự cân bằng, đâu lại vào đấy! Cái này là khoa học đấy. Cấm cãi!

Chắc cũng trong tình trạng mười lăm phút thần thánh ấy nên có vị tướng oai phong lẫm liệt mới sụt sùi phát biểu trước Quốc hội là, anh... em... nó... tủi... thân... nhắm! Nếu mà không phong cho cái lon tướng ấy! Khộ thế cơ chứ! Thân làm tướng, nhất là tướng trận cầm quân đánh đông dẹp bắc, sẵn sàng da ngựa bọc thây, vùi xác sa trường mà lại diễn ngôn là, “tủi thân” thì: sa mạc ngôn ngữ! Làm tướng là phải lập chiến công oai hùng lưu danh sử sách chứ hàm cấp lon sao phỏng có nghĩa gì? Cụ Nguyễn Trãi xưa bình xong giặc Ngô cũng chỉ được phong cái chức thấp tịt, điều này sử sách còn ghi rõ. Thế nhưng ngày nay, hỏi ai là con dân nước Việt không biết đến công lao hàng đầu giúp vua Lê đánh tan quân Minh của Ức Trai tiên sinh? Còn liệu mấy người nhớ được tên các ông công hầu khanh tướng nhất đẳng triều Lê khi xưa?

Dẫn ba trường hợp để thấy rằng cái lớp vỏ ngôn ngữ nó là biểu hiện rõ ràng cho chiều sâu tư duy của con người ta như thế nào. Học cao, đọc nhiều, kiến thức sâu nhưng trình bày cái hiểu biết của mình ra cho bàn dân thiên hạ thấy là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Anh suy nghĩ thế nào, tư duy về mọi mặt ra sao, phải trình bày bằng ngôn ngữ ra cho mọi người biết. Chả thế mà ở các nước tiên tiến họ dạy học sinh kỹ năng hùng biện, kỹ năng nói trước đám đông từ bé. Chả thế tại các cuộc tranh cử tìm người tài của họ, những cuộc đấu khẩu tay đôi, diễn thuyết, nói vo trước đám đông là một phần không thể thiếu được. Thậm chí nó quyết định cho việc người ta có tín nhiệm anh hay không! Anh cứ khoe anh giỏi, anh hay, anh sẽ làm điều này vĩ đại, điều kia huy hoàng cho dân cho nước. Thế nhưng trước quốc dân đồng bào lại ấp úng nói không nên. Thậm chí là linh tinh vớ vẩn loạn ngôn thì còn trông mong gì?

Trong trường hợp này người Việt có câu, “Ăn không nên đọi, nói không nên lời” đó!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top