Aa

Từ “khủng hoảng” nước sạch Sông Đà: Mập mờ thương quyền vì nhóm lợi ích?

Thứ Bảy, 26/10/2019 - 06:30

Vụ việc nước sạch sông Đà đã và đang bộc lộ nhiều lỗ hổng trong dịch vụ công với thương quyền đầy béo bở. Một chiếc bánh đầy hấp dẫn song lại đang phát sinh ra nhiều dị nghị.

Gần 20 ngày trôi qua, kể từ thời điểm vụ việc nước sạch sông Đà cung cấp cho TP. Hà Nội bất ngờ bị ô nhiễm chất styren từ dầu thải, những bức xúc của hàng vạn người dân cùng hàng loạt dấu hỏi đã và đang được đặt ra.

Sự kiên trì đi theo nguyên tắc “im lặng là vàng” của chính quyền Hà Nội ở thời điểm xảy ra “khủng hoảng” nước sạch, lời từ chối nhận lỗi của lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Sông Đà đến việc lo lắng cho một chất lượng dịch vụ khó được đảm bảo sau sự cố… đã cho thấy quá nhiều bất cập xảy ra.

Rõ ràng, cung cấp nước sạch – một dịch vụ công đang bộc lộ những lỗ hổng lớn trong quy trình phân phối, kiểm soát. Vì sao thương quyền lại đang bị bỏ qua khâu định giá? Vai trò của Nhà nước nằm ở đâu trong hệ thống phân phối dịch vụ công này khi thiệt hại của người dân thật khó đong đếm? Nếu chu trình này vẫn tiếp tục vận hành thì liệu rằng, một cuộc “khủng hoảng” tiếp theo có xảy ra?

Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

DỊCH VỤ CÔNG LÀ GÌ?

Dịch vụ công là hàng hóa, dịch vụ, phục vụ lợi ích chung cho dân, ví dụ như điện chiếu sáng công cộng,... Dịch vụ công hay một khái niệm khác chuẩn hơn là hàng hóa công. Trong tiếng anh gọi là public goods.

Chúng ta có thể hiểu đơn thuần, cái gì mà liên quan đến nhiều người thì đó gọi là hàng hóa công. Đặc điểm của hàng hóa công đó là không bao giờ để “mặc kệ”. Hàng hóa công có thể do nhiều chủ thể thực hiện như Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các thiết chế thuộc xã hội dân sự …

Trong trường hợp để doanh nghiệp tư nhân cung cấp trực tiếp thì nguyên tắc đặt ra là phải đảm bảo cho thị trường công bằng. Cơ chế thị trường vận động tạo ra sức cạnh tranh nhưng với hàng hóa công nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì không bao giờ có được sự công bằng. Bởi cần hiểu, chức năng của thị trường là thúc đấy doanh nghiệp phát triển. Nhưng trên thị trường, mục tiêu của doanh nghiệp bao giờ hướng đến lợi nhuận đầu tiên.

Và chức năng của Nhà nước là tạo ra sự công bằng, đảm bảo rằng, không để người được hưởng nước sạch nhưng có người lại không được hưởng.

NGUYÊN TẮC CỦA DỊCH VỤ CÔNG

Dịch vụ công bao gồm 3 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất là tính liên tục. Trong vụ việc của nước Sông Đà, rõ ràng, cắt nước là đã vi phạm nguyên tắc. Nguyên tắc của dịch vụ công, không thể thích cho thì cho, thích đóng thì đóng. Quy chế đó phải được áp dụng nghiêm túc. Nó phải liên tục. Đây là quy chế pháp lý đầu tiên áp dụng cho mọi dich vụ công.

Nguyên tắc thứ 2 là quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân.

Nguyên tắc thứ 3 là giá cả phù hợp. Thực chất đây là nguyên tắc góp phần đảm bảo nguyên tắc thứ 2. Đã là dịch vụ công thì không thể có giá cả trên trời khiến người dân khó tiếp cận. Phải đảm bảo người dân nào cũng có thể thanh toán được.

THƯƠNG QUYỀN CỦA DỊCH VỤ CÔNG

Dịch vụ công có một đặc điểm là mang tính thương quyền cao. Nhìn từ vụ nước sạch Sông Đà, rất nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao cuộc cạnh tranh nhảy vào kinh doanh nước sạch lại khắc nghiệt như vậy? Tại sao nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào phân chia "chiếc bánh đầy béo bở" này?

Đó là thương quyền. Đó là quyền bán nước sạch cho hàng triệu người. Thương quyền đó rất lớn. Nếu cho anh lên mặt trăng xem, anh có muốn kinh doanh được không?

Thương quyền ở đây chính là việc làm kinh doanh và có một nguồn cầu rất ổn định. Một cơ hội vàng!

Nhu cầu về uống cà phê của người dân, sáng có thể có, chiều có thể không. Nhu cầu đi du lịch, năm nay có thể có, năm sau có thể không. Nhưng nhu cầu về điện, về nước sạch thì không thể nay có, mai không. Đó là thương quyền rất lớn. Nhưng tiếc là Nhà nước đang bỏ qua thương quyền đó.

Vì thương quyền lớn nên khó loại bỏ có sự cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần. Ở vụ nước Sông Đà, liệu có tình trạng đối thủ đổ dầu vào nguồn nước?

Đó là vấn đề khiến dư luận quan tâm và ai cũng có thể hoài nghi đặt câu hỏi. Có chuyện cạnh tranh giữa các công ty với thị trường hấp dẫn này hay không? Nếu cho tư nhân cung cấp dịch vụ công thì phải khẳng định đây là "miếng bánh hết sức béo bở". Nhìn vào con số lãi của Công ty CP nước sạch Sông Đà mới thấy, lợi nhuận thu được nhờ thương quyền cao thế nào? Theo thống kê, Công ty CP nước Sạch sông Đà mỗi năm lãi 400 tỷ đồng.

Mỗi một dịch vụ công điển hình như nước đều liên quan tới trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công và cả người quản lý cũng như động lực đằng sau của quá trình tư nhân hóa, dịch vụ hóa.

VÌ SAO THƯƠNG QUYỀN KHÔNG ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ?

Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa rõ tại Việt Nam đã có cơ quan chuyên trách nào định giá thương quyền cho các dịch vụ công chưa. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sẽ có một phương pháp khoa học để tính toán thương quyền.

Ví dụ trong lĩnh vực nước, việc tính toán tiền lãi nguồn nước là bao nhiêu, rất dễ. Bởi các ngành khác còn có rủi ro thị trường nhưng nước thì không. Tần suất sử dụng nước của họ vẫn đều đặn mỗi ngày. Chúng ta chỉ cần tính mỗi người một ngày sử dụng bao nhiêu lít nước. Anh bán cho một triệu người, tính toán trừ chi phí sẽ ra ngay lãi.

Chỉ ra ví dụ này để thấy rõ, Nhà nước phải tính toán, định giá thương quyền để mặc cả với doanh nghiệp, đưa ra một mức giá hợp lý đến người dân. Nhưng Nhà nước lại đang bỏ qua khâu đó khiến cán cân lợi ích nghiêng mạnh về doanh nghiệp trong khi chính người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại về giá, về chất lượng của dịch vụ.

ĐẢM BẢO SỰ CẠNH TRANH TRONG DỊCH VỤ CÔNG

Hiện nay, quy định cho thấy, việc lựa chọn chủ thể cung cấp dự án dịch vụ công được thông qua hình thức đấu thầu. Và bản chất vẫn là hợp tác công tư, hay còn gọi là PPP, không phải BOT. Vì khi làm xong đơn vị đó không phải chuyển giao cho Nhà nước mà vẫn giữ lại phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình và kiếm lợi nhuận. 

Độc quyền tự nhiên trong lĩnh vực nước sạch chỉ nằm ở ống dẫn nước của Nhà nước. Còn lại, sản xuất nước đã đạt ở mức độ sự cạnh tranh nào đó. Cũng giống như điện, anh sản xuất điện thì đã mang tính cạnh tranh nhưng vẫn phải thông qua mạng lưới điện của Nhà nước. Như vậy khó giải quyết đến tận cùng cạnh tranh vì trong độc quyền lại có cạnh tranh. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có thể áp đặt mức độ cạnh tranh trong tư nhân để tạo ra tính hiệu quả.

Nhưng có điều, các nhà máy nước nếu vì cạnh trạnh mà không muốn "chơi đẹp" thì có thể cắt luôn dịch vụ nước. Để giải quyết cái đó rất khó và điều này cần buộc phải có quy chế dịch vụ công. Bản chất, cơ chế thị trường có thể tạo ra sự cạnh tranh không phát huy được tính hiệu quả. Điều này lại buộc phải áp đặt dịch vụ công.

LỖ HỔNG TRONG PHÂN PHỐI DỊCH VỤ CÔNG

Phân phối dịch vụ công của Việt Nam đều rơi vào tình trạng không tuân thủ theo nguyên tắc, không rõ ràng trong hệ thống. Ở vụ nước sạch Sông Đà, trách nhiệm của Nhà nước trong hệ thống đang không rõ, vai trò kiểm soát chất lượng là gì, đảm bảo cho người tiêu dùng như thế nào. Những nguyên tắc của dịch vụ công chưa được thấu hiểu, áp đặt và điều chỉnh cho phù hợp.

Mặc dù, không thể phủ nhận, doanh nghiệp tư nhân có nhiều ưu thế hơn doanh nghiệp Nhà nước, quy trình hoạt động đơn giản hơn, ít khâu trung gian hơn, quyền lực tập trung. Tuy nhiên, khác với việc Nhà nước cung cấp dịch vụ công, doanh nghiệp tư nhận chịu áp lực về lợi nhuận.

Hiện nay, chúng ta cho tư nhân cung cấp một số dịch vụ công, nhưng lại không tạo ra một thị trường có sự cạnh tranh được về chất lượng, trong khi mục đích của họ vẫn là lợi nhuận. Điều này sẽ trở thành một rủi ro rất lớn khi yếu tố chất lượng bị bỏ xuống hàng dưới.

GIẢI PHÁP

Ở nước ngoài, chính sách pháp luật để điều chỉnh dịch vụ công sẽ có một cơ quan chuyên trách dịch vụ công ban hành các quy phạm về loại hàng hóa này. Ví dụ như với nước sạch thì cần có các tiêu chuẩn mang tính kỹ thuật để xác định rằng, chất lượng của mặt hàng này đáp ứng đúng tiêu chí. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này sẽ không phải thông qua Quốc hội. Vì nếu cái gì cũng đẩy lên Quốc hội thì sẽ ách tắc trong khi không phải ĐBQH nào cũng có chuyên môn về tiêu chuẩn kỹ thuật đó.

Những bộ Luật chung chung về dịch vụ công như hiện nay sẽ rất thiếu căn cứ, chế tài để xử lý vi phạm, do đó điều căn bản và khẩn cấp nhất hiện nay chính là cần có đạo luật riêng về xã hội hóa cung cấp dịch vụ công. 

Tuy nhiên để cho ra đời Luật Dịch vụ công thì sẽ cần khoảng thời gian không hề ngắn. Trong thời điểm đó, để vá lổ hổng trong phân phối dịch vụ công, Nhà nước phải cố gắng áp dụng quy định của pháp luật đang có như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Hợp tác công tư.

Nhà nước cần phải hiểu rõ, mình đang dành quyền rất lớn cho tư nhân với thương quyền. Nhà nước phải xác định đó là thương quyền lớn, phải có sự mặc cả, đàm phán để có lợi cho người tiêu dùng. Vì Nhà nước phục vụ cho người tiêu dùng là chính. Nhà đầu tư kiếm lợi nhuận để phục vụ cho cổ đông. Còn cổ đông của Nhà nước chính là người dân, là cử tri. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top