Aa

Từ tay buôn gỗ đến Top 30 người giàu nhất thế giới: "Con thú săn mồi" Francois Pinault

Thứ Ba, 01/05/2018 - 06:00

Không phải tất cả các tỷ phú đều sinh ra đã “nằm trên đống tiền”. Trong thực tế, rất nhiều tỷ phú xây dựng cơ nghiệp bắt đầu từ “hai bàn tay trắng”, và Francois Pinault là một nhân vật như vậy. Theo Forbes, ông đang sở hữu mức tài sản ròng là 29,2 tỷ đô la Mỹ (dữ liệu ngày 5/4/2018).

François Pinault sinh ra ngày 21 tháng 8 năm 1936 tại Champs Géraux, Pháp. Ông là nhà kinh doanh và nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp, đã tạo ra một “đế chế” bán lẻ, trong đó đặc biệt được biết đến nhờ những mặt hàng xa xỉ, ví dụ như các thương hiệu thời trang cao cấp Gucci Stella McCartney, Alexander McQueen và Yves Saint Laurent.

Hồi còn học trung học, Francois Pinault thường xuyên bị bạn cùng trường trêu chọc vì gia cảnh nghèo khó. Cuối cùng ông quyết định bỏ học vào năm 1947 và làm việc cho công ty kinh doanh gỗ cỡ nhỏ của bố ông. Năm 1963, nhờ vay mượn từ gia đình và ngân hàng, ông thành lập Société Pinault, một công ty kinh doanh gỗ và vật liệu xây dựng trong vùng (được đổi tên thành Pinault SA năm 1988).

Vào đầu những năm 1970, ông bắt đầu thâu tóm hàng chục công ty nhỏ, bị đánh giá thấp hay sắp phá sản trên khắp nước Pháp để mở rộng ngành kinh doanh liên quan đến gỗ của mình. Công việc kinh doanh của ông phát triển nhanh chóng nhờ sự tàn nhẫn trên con đường xoay chuyển tình hình kinh doanh của các công ty nhỏ này. Chiến lược này sớm trở nên rõ ràng và được xem là chiến lược kinh doanh chủ đạo của Francois Pinault, khiến ông được biết đến như một “con thú săn mồi”.

Nhiều năm sau đó trên con đường sự nghiệp của mình, vào năm 1986, Francois Pinault mua lại nhà sản xuất ván ép hàng đầu của Pháp, Isoroy, và cắt giảm số nhân viên văn phòng từ 700 xuống còn 25 trong khoảng thời gian hai tháng.

Tỷ phú Francois Pinault

Tỷ phú Francois Pinault

Pinault không chỉ nổi tiếng như một nhà quản lý “sắt đá” mà ông còn nổi tiếng bởi những phi vụ táo bạo. Vào năm 1973, cảm nhận được sự suy thoái của thị trường và khủng hoảng dầu mỏ, ông đã bán 80% công ty kinh doanh gỗ của mình cho Venesta, một công ty của Anh, với giá gấp 10 lần lượng tiền mặt lưu thông – trị giá một khoản 30 triệu franc. 18 tháng sau đó, vào cuối năm 1974, ông mua nó lại chỉ với 5 triệu franc. Alain Minc, nhà kinh doanh, kiêm triết gia và nhà văn, một trong những cố vấn thân cận của Francois Pinault thời đó, nói: "Ông ấy có một đầu óc kinh doanh nhạy bén vào đúng thời điểm. Cảm giác kinh doanh của ông gần như đậm chất thơ ca”. 

Một ví dụ khác lúc đó được cho gần như là khả năng nhìn thấu siêu nhiên, Pinault đã tống khứ tòa nhà trụ sở ở Paris của công ty bán lẻ lớn đầu tiên ông đầu tư, CFAO, cho ngân hàng Credit Lyonnais đầu năm 1991 với giá 1,3 tỷ franc, vài tuần trước khi thị trường bất động sản Pháp sụp đổ. Ngân hàng sau đó đã báo cáo một khoản lỗ 1 tỷ franc cho thương vụ này.

Có lẽ thành công ngoạn mục nhất của ông là mua danh mục trái phiếu đầu cơ (junk bonds) do Credit Lyonnais tổ chức. Ngân hàng đang gặp khó khăn này đã phải rao bán bộ sưu tập của mình – trong đó có thương hiệu hàng thể thao Converse, giày Florsheim và hành lý Samsonite - vì những vấn đề pháp lý, và cho Pinault vay 12 tỷ franc ông cần. Pinault đã chộp lấy danh mục đầu tư này, ngồi chờ cơ hội, chuyển đổi một số danh mục vào vốn chủ sở hữu, và bắt đầu bán đi phần lớn danh mục còn lại. Gần chục năm sau, lợi nhuận của ông từ phi vụ này ước tính đạt khoảng 6 tỷ franc.

Bảo tàng Punta della Dogana, Venice, Ý - một trong những thành tựu của vị tỷ phú

Bảo tàng Punta della Dogana, Venice, Ý - một trong những thành tựu của Francois Pinault

Có thể thấy ông đã tận dụng triệt để từ Credit Lyonnais, ngân hàng đã cung cấp cho ông khoản vay đầu tiên cho công ty gỗ của mình và hàng tỷ franc những năm sau này. Năm 1987, Credit Lyonnais, được cho là “điên rồ” khi cho ông vay 300 triệu franc để mua La Chapelle-d'Arblay, một nhà máy sản xuất giấy ở Normandy, Pháp. Ba năm sau, ông bán nhà máy này đi, trả hết nợ và “bỏ túi” 525 triệu franc.

Xây dựng một đế chế bán lẻ từ gỗ

Năm 1989, Pinault đã mua 20% CFAO, một tập đoàn phân phối của Pháp hoạt động trên khắp châu Phi. Năm 1990, Pinault S.A. và CFAO sáp nhập, và François Pinault trở thành người đứng đầu tập đoàn mới thành lập này. Điều này đã đẩy nhanh việc mua lại các công ty khác trong lĩnh vực bán lẻ: mua Conforama (nhà bán lẻ đồ gỗ Pháp) vào năm 1991, Printemps (chuỗi cửa hàng bách hoá ở Paris, Pháp) vào năm 1992 – chuỗi này sở hữu 54% La Redoute (công ty bán lẻ qua thư ở Pháp) và Fnac (nhà bán lẻ hàng đa phương tiện, điện tử và cửa hàng sách) vào năm 1994.

Để thống nhất các hoạt động mới của tập đoàn, Pinault SA đã được đổi tên thành Pinault-Printemps-Redoute vào năm 1994 (đổi tên thành PPR năm 2005 và thành Kering từ năm 2013). Thông qua công ty cổ phần mẹ, Artémis SA (thành lập năm 1992), Francois Pinault đã mua thêm một loạt các công ty với các ngành nghề kinh doanh khác nhau.

Chuyển hướng kinh doanh sang hàng cao cấp

Việc mua lại 42% cổ phần chi phối của tập đoàn bán lẻ hàng xa xỉ Gucci Group NV vào năm 1999 với giá 3 tỷ đô la Mỹ đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược kinh doanh của Pinault sang lĩnh vực thời trang cao cấp. Sau đó Pinault-Printemps-Redoute, thông qua Gucci, mua lại nhãn hiệu Yves Saint Laurent (YSL) và tiếp tục mua thêm nhiều nhãn hiệu cao cấp khác như: hãng trang sức cao cấp Pháp Boucheron (2000), nhà sản xuất hàng da Ý Bottega Veneta và thương hiệu thời trang Balenciaga (2001). Năm 2001, Pinault-Printemps-Redoute cũng ký hợp đồng hợp tác chiến lược với nhà thiết kế thời trang Givenchy Alexander McQueen và Stella McCartney. Với chiến lược mới, Pinault-Printemps-Redoute đã dần bán đi tài sản của mình trong lĩnh vực bán lẻ khác.

Đam mê nghệ thuật

Việc Pinault mua gần 30% cổ phần nhà đấu giá Christie’s vào năm 1998 đã khẳng định sự quan tâm của ông đối với nghệ thuật. Ông vẫn luôn có sự đam mê đối với nghệ thuật, cho đến đầu thế kỷ 21, ông đã sưu tập được khoảng 3.000 tác phẩm. Sau khi cố gắng xây dựng một viện bảo tàng ở Pháp thất bại, năm 2005 Pinault đã mua tòa lâu đài Palazzo Grassi ở Venice, và năm sau, ông bắt đầu trưng bày một phần nhỏ trong bộ sưu tập của ông - bao gồm các tác phẩm của Cindy Sherman và Jeff Koons - tại biệt thự này.

 Bảo tàng Palazzo Grassi ở Venice.

Bảo tàng Palazzo Grassi ở Venice.

Năm 2007, Pinault và bảo tàng Palazzo Grassi được chọn để lập nên một bảo tàng nghệ thuật đương đại tại Punta della Dogana, tòa nhà hải quan bỏ không của Venice trên kênh Grand Canal. Bảo tàng với nội thất do kiến ​​trúc sư người Nhật Ando Tadao thiết kế, khai trương vào năm 2009 và trưng bày một số tác phẩm từ bộ sưu tập của Pinault.

Trao quyền cho con trai

Năm 2003, François Pinault đã trao quyền quản lý Artémis, công ty cổ phần sở hữu của gia đình, là công ty kiểm soát Pinault-Printemps-Redoute và các tài sản khác (Château Latour, Christie's, vv) cho con trai François-Henri. Năm 2004, Pinault-Printemps-Redoute mua lại gần như tất cả các cổ phần còn lại của tập đoàn Gucci để đạt được quyền sở hữu 99,4% của công ty cao cấp Ý. Năm 2005, François-Henri Pinault đã chọn cách tiếp cận trực tiếp để quản lý Pinault-Printemps-Redoute và quyết định đảm nhiệm vị trí CEO. Tập đoàn chính thức đổi tên thành PPR và đổi thành Kering từ năm 2013.

Francois Pinault, con trai Francois-Henri Pinault và con dâu Salma Hayek.

Francois Pinault, con trai Francois-Henri Pinault và con dâu Salma Hayek.

Cuộc sống riêng

Francois Pinault kết hôn 2 lần, có 3 người con trai, trong đó có Francois-Henri, hiện đang quản lý công ty do ông thành lập từ năm 2003. Ông có con dâu, vợ của con trai Franois-Henri là diễn viên Salma Hayek. Theo danh sách cập nhật của Forbes, Francois Pinault ở trong danh sách 30 người giàu nhất thế giới và là người giàu thứ 2 nước Pháp (sau Bernard Arnault – chủ sở hữu hãng Louis Vuitton và Christian Dior và Francoise Bettencourt Meyers -  chủ sở hữu hàng L’Oreal).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top