Aa

Tấm màng lọc khổng lồ: Người làm tốt giữ được khách hàng - Kẻ chộp giật sẽ thảm bại

Thứ Sáu, 30/03/2018 - 06:00

"Nếu vì các thông tin cháy nhiều mà không mua chung cư nữa thì có vẻ cư dân đang đánh đồng mọi chủ đầu tư, mọi tòa nhà và mọi đơn vị quản lý vận hành...", ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận Hành Kĩ Thuật Tòa nhà, CBRE Hà Nội nhận định. Bởi, những chủ đầu tư uy tín và có thương hiệu thường rất chú trọng tới công tác an toàn PCCC và đầu tư hệ thống PCCC tòa nhà đạt tiêu chuẩn cao.

Hiểm họa từ sự thiếu trách nhiệm 

Sở hữu một căn hộ chung cư là nhu cầu của phần lớn cư dân đô thị hiện nay, đặc biệt là các gia đình trẻ hoặc có thu nhập ở mức trung bình, thấp, không có nhiều lựa chọn cho nơi an cư của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người mua nhà có thể đại khái, bất chấp khi lựa chọn nhà chung cư. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi các vụ cháy chung cư gây hậu quả nghiêm trọng đang đưa ra lời cảnh báo khẩn cấp về tình trạng an toàn PCCC tại các tòa chung cư, một vấn đề vốn không mấy được khách mua hàng chú ý trước đây. 

Theo quy định hiện hành, khi xây dựng các công trình nhà cao tầng, việc bảo đảm an toàn PCCC phải được thẩm duyệt kỹ càng trong hồ sơ thiết kế. Công trình khi hoàn thành, đưa vào vận hành cũng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm...

Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều chung cư đã có người vào ở nhưng vẫn tồn tại tình trạng hệ thống PCCC chưa đạt yêu cầu, chưa hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành. Thực trạng này làm gia tăng nguy cơ và số vụ cháy nổ, đồng thời gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân. 

Công tác bảo đảm an ninh, phòng cháy chữa cháy là mối quan tâm hàng đầu của các cư dân sinh sống tại các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng (Ảnh minh họa)

Công tác bảo đảm an ninh, PCCC là mối quan tâm hàng đầu của các cư dân sinh sống tại các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng (Ảnh minh họa).

Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành các tòa chung cư, nhà cao tầng khi bị phát hiện để xảy ra vi phạm an toàn PCCC đều thừa nhận sai sót và viện dẫn nhiều lý do khác nhau. Trong đó, phần lớn là đẩy trách nhiệm về phía người dân, rằng do cư dân bức thiết về chỗ ở nên chủ đầu tư đồng ý bàn giao nhà cho họ trước. Nhưng, sau giai đoạn "bức thiết", khi đưa người dân vào ở một thời gian, mặc cư dân nhiều lần yêu cầu sớm nghiệm thu công tác PCCC, thậm chí "xuống đường căng băng rôn", chủ đầu vẫn nghiễm nhiên "phớt lờ" mọi yêu cầu.

Nhìn nhận vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCC của các chủ đầu tư diễn ra chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiều chủ đầu tư vẫn coi nhẹ vấn đề PCCC.

Dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia luật cũng cho rằng chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Vừa gây tâm lý hoang mang trong dư luận, vừa tác động không nhỏ đến toàn bộ thị trường bất động sản. 

Giá trị cốt lõi giữ chân người mua nhà 

Xét ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, giữa giai đoạn như hiện nay, người mua nhà phải là những người tỉnh táo nhất. Không nên vì e ngại các vụ cháy mà quay lưng với phân khúc nhà chung cư, đặc biệt là những gia đình có điều kiện tài chính vừa phải, không có nhiều lựa chọn, muốn tìm nơi an cư, lạc nghiệp. Bởi, bên cạnh những chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm của mình, thị trường vẫn còn nhiều chủ đầu tư uy tín, rất quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy và đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt chất lượng cao.

"Nếu vì các thông tin cháy nhiều mà không mua chung cư nữa thì có vẻ cư dân đang đánh đồng mọi chủ đầu tư, mọi tòa nhà và mọi đơn vị quản lý vận hành... Tôi cho rằng, tòa nhà có an toàn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân, của BQL, của chủ đầu tư", ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận Hành Kĩ Thuật Tòa nhà, CBRE Hà Nội cho biết.

Cùng quan điểm, ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc công ty CP quản lý tòa nhà ECH, cho rằng, những chủ đầu tư uy tín và có thương hiệu thường rất chú trọng tới công tác an toàn PCCC và đầu tư hệ thống PCCC tòa nhà đạt tiêu chuẩn cao. Bằng tâm huyết của chủ đầu tư và cách thức vận hành của BQL về hệ thống PCCC, chung cư sẽ có được hệ thống PCCC chất lượng tốt và hoạt động ổn định, liên tục.

"Đó mới chính là giá trị cốt lõi để các cư dân không quay lưng với nhà chung cư. Và hiện nay, nhiều chủ đầu tư làm được điều đó. Các dự án được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC, trong đó có các hệ thống như chữa cháy tự động; báo cháy tự động; hệ thống tạo áp, ngăn khối cầu thang và thang máy chữa cháy; hệ thống chống cháy lan, chiếu sáng khẩn cấp… Ngay từ khâu thiết kế, chủ đầu tư đã tính đến chuyện kiểm tra định kỳ hệ thống tòa nhà một cách hiệu quả nhất và liên tục. Theo đó, bố trí các tủ báo cháy trung tâm, tất cả các tín hiệu để kiểm soát được đưa về phòng quản lý trung tâm, tại vị trí này luôn có nhân viên kỹ thuật tòa nhà trực 24/24 để phát hiện và xử lý ngay lập tức khi có sự cố", ông Vũ Hồng Thành chia sẻ. 

Ông Vũ Hồng Thành cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn PCCC tại các nhà chung cư, trách nhiệm không phải chỉ "đổ" lên vai một mình chủ đầu tư, mà bên cạnh đó, cư dân phải tuân thủ các quy định, nội quy về việc sử dụng nhà chung cư cũng như các hướng dẫn về an toàn, an ninh của đơn vị vận hành. Đồng thời tích cực chủ động trang bị cho bản thân và các thành viên trong gia đình kiến thức cơ bản về PCCC, cứu hộ, cứu nạn trong khu chung cư. Cư dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn PCCC và giám sát lại ban quản lý tòa nhà trong việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC. 

Thực tế, các trường hợp cháy nổ tại chung cư trong thời gian qua, số người thương vong cao chủ yếu do: Cư dân không nắm bắt được các kỹ năng thoát nạn và kỹ năng xử lý các sự cố ngay từ đầu, dẫn tới tình trạng không kiểm soát được; Đội PCCC cơ sở không được thực tập phương án chữa cháy dẫn tới tình trạng hoảng loạn như người dân và không hướng dẫn được người dân phương án thoát nạn.

Bài học kinh nghiệm không chỉ của riêng ai

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, ngoài việc các cơ quan chức năng cần hoàn thiện giải quyết những bất cập trong các quy định pháp luật về PCCC thì người dân, chủ đầu tư cũng cần ý thức về trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nghiêm túc những quy định về PCCC.

Chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư phải có trách nhiệm phân bổ và công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư, người dân có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình; phân định rõ diện tích chung, riêng của chung cư để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra cháy nổ. Bên cạnh đó, người dân khi tìm hiểu mua một căn hộ chung cư nào đó, cần đọc rõ bảng giới thiệu xem căn hộ ấy khi thiết kế đã có hệ thống PCCC hay chưa, thiết kế các căn hộ có an toàn hay không…

Còn ông Vũ Hồng Thành thì cho rằng, giải pháp triệt để hạn chế tối đa hậu quả cháy nổ từ phía chủ đầu tư là tập trung đầu tư hệ thống PCCC đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng phải được thực hiện thường xuyên theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Công tác tập huấn phương án và truyền thông phải được thực hiện thường xuyên để cư dân hiểu và nâng cao ý thức giữ gìn tài sản cũng như biết cách xử lý các sự cố PCCC ngay từ lúc mới xảy ra.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng cần nâng cao uy tín, trách nhiệm đối với sản phẩm bất động sản, đầu tư xây dựng theo đúng thiết kế được thẩm duyệt, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt tránh lối làm ăn chộp giật, không vì quyền lợi của cộng đồng và phải cam kết khi nào hoàn thiện toàn bộ các thiết bị bảo đảm an toàn mới được đưa cư dân vào ở. Cùng với đó là trong quá trình thiết kế, thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy cần tính toán khoa học, đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; khi đưa vào sử dụng phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành theo định kỳ hệ thống phòng cháy, chữa cháy để có sửa chữa, thay thế kịp thời.

Đối với người dân, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mua nhà, không thể bỏ qua việc tìm hiểu kỹ các yếu tố bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho cuộc sống của mình; hãy kiên quyết "nói không" với sản phẩm nhà ở không đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định; phải xem xét điều kiện pháp lý của chung cư đã đầy đủ chưa, hệ thống PCCC của công trình có đảm bảo đúng quy định hay không; chủ đầu tư đã thực hiện thủ tục trình duyệt và được Cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC chưa; có thi công công trình đúng thiết kế được duyệt hay không; trước khi đưa công trình vào sử dụng có thông báo với cơ quan Cảnh sát PCCC về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đúng quy định; cũng như việc kiểm tra, duy trì các điều kiện về PCCC có thường xuyên hay không trong quá trình sử dụng để xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Vấn đề đảm bảo an toàn PCCC ở chung cư là điều vô cùng cấp thiết, thế nhưng đúng như một câu nói phổ biến hiện nay, "người Việt thường mau quên", có lẽ phải đến khi thảm họa ở rất gần thì cả chủ đầu tư, cư dân, cơ quan quản lý nhà nước,... mới sốt sắng, mới lo "làm chuồng cho con bò đã mất". Nhưng đến lúc ấy, phải chăng mọi chuyện đã là quá muộn?! Bởi vậy, bất cứ ai cũng cần hiểu rằng, đây là câu chuyện cần có sự vào cuộc của tất cả mọi người, từ chủ đầu tư đến cư dân, thì mới có thể tránh đc những thảm họa như vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa qua./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top